'Ông lớn' ngân hàng tiếp tục kêu gọi tăng vốn điều lệ

Ngày 2/1, hàng loạt ngân hàng như: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank hay VIB, HDBank đều bày tỏ kiến nghị, mong muốn Chính phủ sớm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được tăng vốn điều lệ.

Khách hàng giao dịch tại VCB. Ảnh: HH.

Khách hàng giao dịch tại VCB. Ảnh: HH.

Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là vấn đề bức thiết, từng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề cập. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 NHTM Nhà nước là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã "tiến sát ngưỡng cho phép" theo quy định Basel II. Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả là có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng.

Là ngân hàng có số vốn điều lệ thấp nhất trong 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, Tổng Giám đốc Agribank - ông Tiết Văn Thành chia sẻ: Năm 2020 Agribank sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để cổ phần hóa và hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. "Trường hợp không được tăng vốn điều lệ hoặc áp dụng cơ chế đặc thù, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế," lãnh đạo Agribank nói.

Vì vậy, Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị Chính phủ, NHNN sớm cấp bổ sung 19.800 tỷ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng theo phương án đã trình; cho phép các NHTM được xác định hệ số rủi ro 50% các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo (TSĐB) đối với hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tại Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn hiện là 750.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay không có TSĐB khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm 50% các khoản vay có hệ số rủi ro 100%, làm tăng tài sản có rủi ro, giảm hệ số tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

“Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các NHTM, đặc biệt là các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn và từ lợi nhuận sau thuế, phát hành thêm; Có cơ chế để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc xem xét, có định hướng và lộ trình cụ thể để tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nói.

BIDV vừa hoàn tất thương vụ bán vốn kỷ lục, thu về hơn 860 triệu USD, song ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV vẫn đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét cho BIDV được tăng vốn bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cũng cần đơn giản hơn nữa.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. “Từ đó, các NHTM có cổ phần chi phối của Nhà nước như VietinBank có cơ sở được tăng vốn và nhanh chóng đáp ứng chuẩn mực Basel II, đồng nghĩa với việc ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn", đại diện VietinBank nói.

Đến thời điểm này VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu của chuẩn mực Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã quyết và đang triển khai các quy định; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp

"Sau khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng về việc tăng vốn cho 3 ngân hàng. Đối với Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, Chính phủ cũng quyết trong năm 2020 sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn. Lộ trình tăng vốn tiếp theo, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định" Thống đốc nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc xử lý nợ xấu, lãnh đạo Agribank cho hay, tỷ lệ nợ xấu hiện được kiểm soát và duy trì ở mức thấp (1,48%); rút ngắn lộ trình sớm hơn 2 năm trong việc xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu theo Quyết định 01 của NHNN từ 8,11% năm 2016 xuống còn 2,06% năm 2019. Đến nay, Agribank đã mua lại toàn bộ nợ bán Công ty Quản lý tài sản VAMC (50.000 tỷ đồng), tham gia phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 /2017/QH14 của Quốc hội.

Để đẩy nhanh hơn nữa công tác xử lý thu hồi nợ, đại diện Vietcombank kiến nghị: Cơ quan Công an và UBND cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể công an các cấp/UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giữ gìn trật tự, an ninh khi các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quyền thu giữ TSĐB; Tổng cục Thuế sớm ban hành văn bản hướng dẫn các cục/chi cục thuế địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB.

“Tòa án cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng xử lý vụ án theo thủ tục rút gọn để việc áp dụng thủ tục rút gọn được phổ biến hơn nữa như thay đổi điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn, đơn giản hóa yêu cầu về pháp lý hồ sơ”, đại diện Vietcombank kiến nghị.

Theo Thống đốc NHNN, năm 2020, NHNN cũng sẽ đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42, Quyết định số 1058/QĐ-TTg; nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%. NHNN dự báo tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/ong-lon-ngan-hang-tiep-tuc-keu-goi-tang-von-dieu-le-20200102195719208.htm