Ông Macron thêm nhiệm kỳ 2: Cục diện châu Âu thế nào?

Việc ông Emmanuel Macron chiến thắng trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc đua tổng thống Pháp đã khiến các nước phương Tây 'thở phào nhẹ nhõm'.

Ngày 25-5, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen với 58,8% tỉ lệ phiếu bầu. Theo đài CNN, chiến thắng của ông đã khiến các đồng minh phương Tây “thở phào nhẹ nhõm”.

Tầm nhìn thống nhất châu Âu

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang ngày càng leo thang. Tay bút của CNN Luke McGee nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine hơn bao giờ hết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một châu Âu đoàn kết.

Pháp là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7). Bên cạnh đó, Paris cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và là một cường quốc hạt nhân.

Mặc dù đã tham gia sâu vào các trụ cột của trật tự phương Tây, Pháp cũng ủng hộ một chính sách đối ngoại độc lập, nghĩa là nước này có thể đóng vai trò trung gian giữa trật tự phương Tây do Mỹ dẫn đầu với các quốc gia như Iran, Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: SKY NEWS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: SKY NEWS

Tờ The Conversation đưa tin rằng việc ông Macron tái đắc cử chính là một may mắn cho EU và các thể chế châu Âu. Với việc Anh rời EU (Brexit) và sự thay đổi chính quyền ở Đức, Pháp đang đóng một vai trò lớn hơn nữa trong các vấn đề châu Âu và có thể thổi luồng sinh khí mới vào liên minh.

Mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Macron với châu Âu là sự hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia trong EU. Ông nhắm đến xây dựng “quyền tự quyết chiến lược” của khu vực, về các lĩnh vực như quân sự, năng lượng, kinh tế và chính trị.

Kế hoạch của ông trong 5 năm tới bao gồm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào than, khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu, cũng như tăng cường phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và công nghệ thiết yếu nội khối. Ngoài ra, ông cũng thúc đẩy một cách tiếp cận chung trong việc sử dụng quân đội châu Âu, với mục đích biến châu Âu trở thành khối quân sự lớn mạnh.

Trước đó, giới lãnh đạo phương Tây đã bày tỏ lo ngại rằng viễn cảnh bà Le Pen chiến thắng sẽ khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lay chuyển mạnh mẽ. Theo đó, nếu đắc cử, bà Le Pen có thể sẽ xoay chuyển trục quyền lực châu Âu khi là người không quá mặn mà với EU và NATO. Nhà bình luận Dominic Waghorn của tờ Sky News cho rằng bà thậm chí còn muốn khôi phục quan hệ đồng minh của Pháp với Nga sau khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc.

Theo ông Waghorn, dường như bà Le Pen định cải cách triệt để EU, ưu tiên lợi ích cho những cá nhân theo chủ nghĩa dân tộc ở Pháp. Bà ấy có thể sẽ tìm kiếm liên minh với các chính phủ như Ba Lan và Hungary thay vì Đức, điều mà phe chỉ trích cho rằng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho EU.

Mối quan hệ của bà với Nga và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin được cho là có thể gây tổn hại nhiều nhất cho trật tự thế giới hiện tại. Dù chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhưng bà Le Pen cũng nói rằng châu Âu nên khôi phục quan hệ với Nga sau khi xung đột qua đi.

Lập trường đối với NATO và cuộc xung đột Nga-Ukraine

Ngày 21-4, các chuyên gia tại Quỹ Marshall của Mỹ (GMF) cho rằng việc ông Macron chiến thắng trước đối thủ cực hữu có thể sẽ đem đến những tác động quan trọng đến an ninh châu Âu và vai trò của châu Âu trên trường quốc tế.

Kể từ khi ông Macron trở thành tổng thống, Pháp đã có những đóng góp đáng kể cho các nỗ lực của NATO. Để thể hiện cam kết của mình với NATO, dưới thời ông Macron, chi tiêu quốc phòng của Pháp đã tăng lên ngưỡng tối thiểu 2% GDP và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức này.

Ông Macron nhấn mạnh rằng NATO vẫn quan trọng đối với an ninh châu Âu. Việc Macron tái đắc cử cho thấy ông sẽ tiếp tục cách tiếp cận hiện tại đối với Nga và vùng sườn đông, cũng như đảm bảo sự sẵn sàng của NATO.

Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo Sky News, ở một thời điểm nào đó, có vẻ như ông Macron là hy vọng chính của phương Tây trong việc ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine. Bất chấp việc ông Putin phát động chiến dịch quân sự, nhà lãnh đạo Pháp vẫn tiếp tục nỗ lực đối thoại, cho đến khi quy mô và mức độ của chiến dịch lan rộng, ông Macron mới tuyên bố kết thúc đối thoại và thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Ukraine.

Mặc dù bất đồng với các nhà lãnh đạo phương Tây khác trong việc lên án hành động của Moscow là “tội ác diệt chủng” - có lẽ nhằm tạo cơ hội để Điện Kremlin mở ra các cuộc đàm phán trong tương lai, song ông vẫn ủng hộ việc viện trợ vũ khí cho Kiev và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Chiến thắng của ông có thể giúp ông tin tưởng vào nỗ lực của mình trong nỗ lực xoay chuyển quan điểm của nhà lãnh đạo Nga. Nhìn chung, ông Macron hướng đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa đối với Moscow.

Theo NBC News, tối 24-4 đã có “một dàn đồng ca của các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi chiến thắng” của ông Macron.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói: “Dân chủ thắng, châu Âu thắng”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tweet: “Cùng nhau, chúng ta sẽ đưa Pháp và châu Âu tiến lên”.

Thủ tướng Ý Mario Draghi gọi chiến thắng của ông Macron là “tin tuyệt vời cho toàn châu Âu” và sự thúc đẩy để EU “trở thành nhân vật chính trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, bắt đầu từ cuộc chiến ở Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Macron.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-macron-them-nhiem-ky-2-cuc-dien-chau-au-the-nao-post677371.html