Ong mật, mang 'vị ngọt' du lịch cho cù lao Thới Sơn

Nghề nuôi ong mật kết hợp với du lịch ở cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từ lâu được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của TP. Mỹ Tho. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức tách trà mật ong thơm lừng trong những vườn cây trái xanh tươi, rợp bóng mát.Cù lao Thới Sơn nằm giữa con sông Tiền, được thiên nhiên ưu ái, không khí mát mẻ, trong lành, phù sa bồi đắp quanh năm, có hệ thống kinh, rạch uốn lượn theo những vườn cây ăn trái như: Nhãn, dừa, bưởi da xanh… phát triển xanh tươi, trĩu quả.

Chú Nguyễn Thanh Em bên đàn ong mật của gia đình.

Chú Nguyễn Thanh Em bên đàn ong mật của gia đình.

Với đặc điểm thiên nhiên thuận lợi, có nhiều loại hoa từ vườn trái cây tươi tốt, người dân nơi đây đã hình thành nghề nuôi ong lấy mật, kết hợp với làm du lịch. Đến với Thới Sơn, du khách có thể tận mắt xem trực tiếp đàn ong, cách lấy mật ong và thưởng thức các sản phẩm từ ong như: Trà mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa...

Với mô hình nuôi ong mật kết hợp với làm du lịch, chú Lê Hoàng Sơn, 67 tuổi, ở ấp Thới Thạnh cho biết, gia đình chú có 2,3 công đất trồng hoa lan để phân phối cho các cửa hàng bán hoa, chú bắt đầu nuôi thêm ong mật từ năm 2010. Giai đoạn đầu, chú chỉ nuôi thử nghiệm với vài thùng ong mật. Nhận thấy nhu cầu du lịch ngày càng tăng, đến năm 2013, chú mạnh dạn đầu tư mở rộng đàn ong lên khoảng 60 - 70 thùng và kết hợp với làm du lịch.

Theo chú Sơn, để có đàn ong mật khỏe mạnh, cho chất lượng mật ong và các sản phẩm từ mật ong được tốt, người nuôi ong phải hiểu được tập tính loài ong. Bên cạnh đó, người nuôi ong phải thường xuyên theo dõi, quan sát sự phát triển của đàn ong, kịp thời loại bỏ những kèo ong bị sâu bệnh. Vào những tháng địa phương hết mùa hoa, chú phải di chuyển đàn ong đến địa phương khác khoảng 2 đến 3 tháng để ong lấy mật.

Với việc nuôi ong mật hoàn toàn tự nhiên, nên sản phẩm từ ong mật của gia đình chú Sơn từ lâu đã tạo được uy tín, chất lượng với người tiêu dùng ở địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Vừa qua, 3 sản phẩm từ ong mật của gia đình chú Sơn đã được chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Mật ong Bee-Z; Phấn hoa Bee-Z; Sữa ong chúa Bee-Z. Không chỉ vậy, vườn hoa lan của gia đình chú Sơn cũng được chứng nhận OCOP 3 sao.

Từ những kết quả đạt được, mô hình nuôi ong mật kết hợp làm du lịch của gia đình chú Sơn đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, với những sản phẩm từ ong mật được gia đình chú bao bì, đóng gói lịch sự, sang trọng, thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe đã trở thành sự lựa chọn cho du khách đến tham quan mua làm quà biếu tặng người thân. Hằng tháng, sau khi trừ chi phí thì gia đình chú Sơn còn lãi được từ 12 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với mô hình nuôi ong kết hợp làm du lịch đã tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Bên cạnh mô hình nuôi ong mật kết hợp với làm du lịch thì cũng có những hộ chỉ chuyên nghề nuôi ong lấy mật như chú Nguyễn Thanh Em, 63 tuổi, ở ấp Thới Hòa. Chú Thanh Em cho biết, chú nuôi ong mật từ những năm 1990 đến nay, nuôi ong mật tốn ít chi phí, chủ yếu tốn công là nhiều. Vì vậy, người nuôi ong phải có tính cẩn thận, chăm chỉ, nắm được tập tính của ong mà thuần dưỡng chúng. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên vệ sinh thùng nuôi ong sạch sẽ, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của đàn ong.

Vườn hoa lan của gia đình chú Lê Hoàng Sơn.

Vườn hoa lan của gia đình chú Lê Hoàng Sơn.

Vào những mùa hoa nở ít, phải chủ động đưa đàn ong đến địa phương khác để đảm bảo duy trì cho đàn ong đi lấy mật và phát triển đàn, không bị sâu bệnh. Qua nhiều năm nuôi ong, chú Thanh Em đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nên đàn ong mật gia đình chú nuôi luôn cho năng suất cao. Trong 6 tháng ong mật cho thu hoạch tốt, trung bình mỗi tháng chú thu hoạch mật 1 lần với năng suất từ 1,5 đến 2 lít mật/thùng. Hiện tại gia đình chú nuôi 200 thùng ong mật, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chú thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Phương Thủy, nghề nuôi ong lấy mật ở xã có từ khoảng năm 1990, lúc đầu chỉ có 2 đến 3 hộ nuôi. Đến khoảng năm 2000 thì nghề nuôi ong mật phát triển cùng với sự phát triển của du lịch. Đến nay, có 7 hộ nuôi ong lấy mật kết hợp với làm du lịch và 4 hộ chỉ nuôi ong lấy mật. Mật ong ngoài việc bán cho khách du lịch thì còn có các thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đến thu mua với giá giao động từ 180 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/lít, giúp đảm bảo đầu ra cho người nuôi ong mật. Hiện tại, địa phương có các sản phẩm từ ong mật như: Mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, tạo được sự đa dạng sản phẩm cho nhu cầu mua sắm làm quà của khách du lịch khi đến với Thới Sơn.

Trong thời gian tới, UBND xã Thới Sơn tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân xã, liên kết với công ty ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đàn ong mật để giảm chi phí; tiếp tục hỗ trợ người dân nuôi ong mật, sản xuất các sản phẩm từ mật ong theo tiêu chuẩn OCOP; kết hợp với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Thới Sơn để quảng bá các sản phẩm từ ong mật sang thị trường châu Âu và Mỹ.

HỮU THÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/ong-mat-mang-vi-ngot-du-lich-cho-cu-lao-thoi-son-1019806/