'Ông một tay' lên rừng làm kinh tế
Chiến trường cam go, ác liệt đã tôi luyện cho người lính Cụ Hồ Phạm Thanh Xuân thêm bản lĩnh, nghị lực để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận kinh tế tại vùng sơn cước Lào Cai.
“Vá” màu xanh núi đồi
Ông Phạm Thanh Xuân sinh năm 1945, ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông hăng hái nhập ngũ, tham gia chiến trường Tây Nguyên. Rời tiền tuyến với 77% thương tật và 61% tổn thương vì chất độc hóa học, năm 1974, ông trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình rồi tính kế sinh nhai. Vài sào ruộng khoán không đủ nuôi 8 miệng ăn, ông Xuân nhanh nhạy chuyển nghề ương cá giống. Khi công việc mới bắt đầu ổn định thì nhiều hộ bỏ nuôi cá khiến ông lại lao đao.
Sau nhiều lần suy tư, trăn trở, năm 1991, gia đình ông Xuân khăn gói, dìu dắt nhau lên vùng đất Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) lập nghiệp. Quyết định liều lĩnh này ban đầu bị ngăn cản bởi những cơn đau khi vết thương tái phát hành hạ ông ngày một nhiều hơn. Người lành lặn sống giữa núi đồi còn vất vả huống chi ông Xuân đã bỏ lại một cánh tay nơi chiến trận. Thế nhưng khó khăn, gian khổ cũng không cản nổi ý chí, quyết tâm của người lính đã từng vào sinh, ra tử.
Khi đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, ông Xuân nhận thấy núi đồi Bảo Hà dần thưa thớt màu xanh của cây rừng vì người dân chặt phá. Ông bèn thử sức với nghề ươm cây giống, từ cây mơ, cây mận phục vụ người dân trồng trên đồi tới những cây lấy gỗ. Nhờ vậy, vườn ươm cây giống của ông được nhiều người biết tới. Cuối cùng, ông Xuân quyết định gắn bó với cây quế. Đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại tương đối kén đất trồng nên phải có cây giống chất lượng tốt. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất từ 70-80 vạn cây quế giống để cung cấp cho nông dân Lào Cai.
“Nghề ươm cây giống theo tôi từ lúc mới đặt chân lên vùng đất Lào Cai tới tận bây giờ. Dù hiện công việc này không phải là nguồn thu nhập chính song tôi vẫn duy trì vì muốn góp sức vá màu xanh cho núi đồi”, ông Xuân chia sẻ.
"Vua ong" núi rừng Tây Bắc
Khởi nghiệp tại núi rừng Tây Bắc bằng nghề ươm cây giống nhưng ông Xuân lại được biết đến nhiều hơn bởi biệt danh “vua ong” với thương hiệu mật ong Thanh Xuân nức tiếng gần xa. Khi hỗ trợ bà con trồng cây giống, nhìn thấy những con ong say sưa hút mật trên những bông hoa mận, hoa mơ trắng đã thôi thúc ông tìm cách tận dụng nguồn lợi sẵn có từ tự nhiên này.
Nghĩ là làm, năm 1994, ông Xuân nuôi 20 đàn ong mật. Không có kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nên ong chết nhiều. Dẫu vậy, ông vẫn không từ bỏ mà quyết nghiên cứu, tìm hiểu. Đến năm 1996, ông đã thành công bước đầu. Quy mô đàn ong lớn dần theo thời gian, từ vài chục đàn tới hàng trăm đàn di cư khắp mọi miền đất nước hút mật ngọt, đem lại giá trị kinh tế cao. Năm 2009, ông thành lập Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân để tạo dựng thương hiệu. Mật ong Thanh Xuân đã đạt chuẩn OCOP 4 sao, được nhiều đơn vị uy tín khẳng định "sản phẩm chất lượng vàng".
Thắng trận kinh tế trong thời bình bằng nghề ươm cây giống, nuôi ong lấy mật nhưng ông Xuân vẫn không bằng lòng với chính mình. Năm 2019, ông thành lập HTX Nông nghiệp đại gia súc Thanh Phong với 10 thành viên. Hiện ông Xuân nuôi hơn 200 con bò theo kỹ thuật truyền thống kết hợp xử lý vi sinh để tận dụng chất thải cho trồng trọt. Ông còn tìm hiểu, nuôi thử nghiệm 10 con hươu lấy nhung, nếu hiệu quả sẽ chuyển giao kỹ thuật cho người dân trong vùng. Hiện ông Xuân đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Gần 80 tuổi lại mang trong mình những di chứng của chiến tranh nhưng ông Xuân vẫn minh mẫn, dẻo dai và tinh thần luôn phấn chấn. Không chỉ miệt mài làm kinh tế, với vai trò Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Dương tại Lào Cai, ông luôn hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực, nhất là san sẻ khó khăn, mất mát với những người đồng đội ở quê nhà.