Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega Việt Nam: Yêu sách, trọng tri thức là cội rễ cho phát triển bền vững

'Tri thức là sức mạnh' là triết lý mà nhà sáng lập AlphaBooks và Omega Việt Nam, Nguyễn Cảnh Bình, luôn theo đuổi trong suốt hành trình sự nghiệp trong ngành xuất bản, đồng thời cũng là kim chỉ nam dẫn lối ông qua những khúc quanh của cuộc đời.

Hơn 20 năm trước, “chàng thanh niên” Hà Nội Nguyễn Cảnh Bình từ bỏ công việc kỹ sư hóa dầu tại Petrolimex và rẽ ngang sang ngành sách với mong ước tìm kiếm một tương lai mới. Với những nỗ lực không ngừng, ông cùng 7 người bạn sáng lập Alpha Books, bắt đầu hành trình khởi nghiệp với số vốn khiêm tốn 80 triệu đồng. Cuốn sách đầu tiên của Alpha Books, “Chân dung những nhà cải cách tiêu biểu thế giới”, ra mắt vào tháng 12/2004, đánh dấu bước khởi đầu cho một chặng đường đầy thử thách nhưng cũng ngập tràn khát vọng.

Dù đã có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm trong việc biên soạn sách, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình hiểu rằng để điều hành một doanh nghiệp xuất bản, đam mê thôi là chưa đủ. Có những lúc, ông rơi vào bế tắc khi hết tiền, không biết làm gì, loanh quanh với những cuốn sách lặt vặt, vắt kiệt sức lực và niềm tin.Thậm chí, có thời điểm đồng sự buông xuôi, suýt phá sản, đóng cửa, và ông chỉ còn một mình ngồi trong căn phòng, với chỉ năm, mười nghìn đồng trong túi.

Cái tên Alpha ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi ông ngồi cà phê với một người bạn. “Alpha” mang ý nghĩa nguyên bản, khởi đầu, và là tên gọi của ngôi sao sáng nhất trong một chòm sao trong dải thiên hà. Slogan Knowledge is Power - “Tri thức là sức mạnh” và logo hình tròn màu cam của công ty cũng được hình thành, trở thành kim chỉ nam trong hoạt động của Alpha suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Chặng đường lập thân, lập nghiệp ấy đầy thử thách và gian nan. Thoắt một cái, đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng “khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều” vẫn luôn thôi thúc ông trên hành trình lan tỏa tri thức, mang sách đến mọi nẻo đường. Từ làm thuê đến làm chủ, từ thiếu kiến thức, vốn và kinh nghiệm đến việc tích lũy kiến thức thực tế về quản trị, vận hành và thị trường, tất cả những yếu tố đó đã góp phần xây dựng Alpha Books từ con số không.

* Thưa ông, tuổi thơ gắn bó với sách đã ảnh hưởng như thế nào đến con đường sự nghiệp của ông? Và đâu là bước ngoặt quan trọng đưa ông đến với lĩnh vực xuất bản, cụ thể là việc sáng lập Alpha Books?

- Từ thuở nhỏ, sách đã là những người bạn thân thiết, đồng hành cùng tôi qua từng giai đoạn trưởng thành. Tôi may mắn lớn lên trong một gia đình mà tình yêu với con chữ được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Mẹ tôi, một người phụ nữ mê đọc sách và làm việc tại Đại học Dược Hà Nội, mỗi chiều tan sở thường đi qua những con phố như Tuệ Tĩnh, Bà Triệu - nơi tập trung nhiều hiệu sách và cửa hàng cho thuê sách cũ. Chính bà là người đầu tiên gieo vào tôi niềm yêu mến với những trang sách.

Từ khi còn học tiểu học, tôi đã say mê đọc những tác phẩm văn học vượt xa lứa tuổi, bao gồm cả những tiểu thuyết kinh điển. Khi lớn hơn, tôi nghiền ngẫm các cuốn tiểu thuyết như Jăng - Krixtốp, Ruồi trâu, Trăm năm cô đơn… Bố tôi, trong những năm tháng bao cấp khó khăn, vẫn cố gắng mượn được vài cuốn sách từ thư viện quân đội - những “kho báu” quý giá trong căn nhà nhỏ của chúng tôi. Chính những cuốn sách ấy đã mở ra trước mắt tôi một thế giới rộng lớn, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và hun đúc khát vọng học hỏi không ngừng.

Con đường sự nghiệp của tôi cũng trải qua nhiều khúc ngoặt. Dù từng học kỹ thuật và có một công việc ổn định trong doanh nghiệp nhà nước, tình yêu sách vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Năm 2000, tôi quyết định từ bỏ sự an toàn đó để theo đuổi đam mê viết lách và nghiên cứu - bước ngoặt đưa tôi đến với hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất bản. Chính tình yêu với sách đã thúc đẩy tôi và những người bạn cùng chí hướng sáng lập Alpha Books, với khát vọng mang tinh hoa tri thức thế giới đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

Nhìn lại, tôi hiểu rằng chính những trang sách đầu đời, những buổi chiều mẹ dừng chân bên hiệu sách, hay những cuốn sách bố gìn giữ như báu vật, tất cả đã âm thầm vun đắp và dẫn lối, giúp tôi kiên định gắn bó với sự nghiệp làm sách cho đến hôm nay.

* Ông đánh giá thế nào về thị trường sách hiện nay khi thói quen đọc của độc giả đang thay đổi, đặc biệt là khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ?

* Ông đánh giá thế nào về thị trường sách hiện nay khi thói quen đọc của độc giả đang thay đổi, đặc biệt là khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ?

- Thị trường sách hiện nay đang trải qua những biến chuyển sâu sắc, chủ yếu do sự thay đổi trong thói quen đọc của độc giả, đặc biệt là tác động mạnh mẽ từ công nghệ. Các sản phẩm nội dung số, như sách điện tử, sách nói và các định dạng đa phương tiện, đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Trong khi đó, sách in dần thu hẹp không gian của mình, đặc biệt khi giới trẻ có nhiều lựa chọn giải trí hơn và thời gian dành cho việc đọc truyền thống ngày càng hạn chế.

Tuy nhiên, nhu cầu học hỏi qua sách không hề mất đi, chỉ là hình thức và cách tiếp cận đã thay đổi. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ngành xuất bản chuyển mình và sáng tạo: phát triển sách điện tử, sách nói, sản phẩm đa phương tiện, và đa dạng kênh phân phối để tiếp cận độc giả tốt hơn.

Công nghệ và AI chắc chắn sẽ hỗ trợ các nhà xuất bản, biên tập viên và tác giả làm việc hiệu quả hơn, từ việc xử lý bản thảo đến phân tích hành vi người đọc. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự bùng nổ nội dung, dễ khiến ranh giới giữa tri thức thực sự và thông tin kém chất lượng trở nên mong manh hơn.

Khi AI có thể tạo nội dung chỉ bằng vài cú nhấp chuột, người làm sách càng phải kiên định trong việc tạo ra giá trị thực, với chiều sâu, chất lượng và tính độc đáo của từng tác phẩm.

Tại Alpha Books, chúng tôi luôn giữ vững triết lý “Tri thức là sức mạnh” như kim chỉ nam cho mọi quyết định. Chúng tôi hiểu rằng doanh thu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, nhưng chưa bao giờ cho phép mình đánh đổi giá trị tri thức vì lợi nhuận. Mỗi bản thảo được lựa chọn và cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ dựa trên tiềm năng thương mại mà còn đảm bảo tính hữu ích và bền vững về tri thức. Chúng tôi chỉ xuất bản những đầu sách thực sự hữu ích cho người đọc, đáp ứng nhu cầu thị trường và đồng thời vẫn nhất quán với định hướng giáo dục, khai sáng và nâng tầm tri thức cộng đồng.

* Nhiều đơn vị xuất bản và tác giả Việt Nam hiện nay đã chủ động đưa sách ra thị trường quốc tế. Vậy doanh nghiệp của ông đã triển khai những chiến lược cụ thể nào để quảng bá và xuất khẩu sách Việt ra thế giới?

- Chúng tôi rất mong muốn thực hiện và đã triển khai một số hoạt động, nhưng thực tế vẫn còn quá ít ỏi. Chúng tôi đã đưa sách sang Mỹ, giới thiệu và bán cho một số nhà sách ở Nhật Bản, châu Âu, nhưng chưa đạt được kết quả đáng kể. Chúng tôi cũng tham gia các hội sách quốc tế như Frankfurt Book Fair, London Book Fair, và Beijing International Book Fair để quảng bá sách Việt, nhưng hiện tại chưa coi việc xuất khẩu là mục tiêu chính mà chỉ tập trung vào việc mua bản quyền để dịch và xuất bản trong nước.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế để xúc tiến việc này. Chúng tôi kết nối với các đơn vị xuất bản ở Mỹ, châu Âu và châu Á để phát hành các tác phẩm Việt Nam, nhưng hiện tại vẫn chỉ ở mức độ tìm hiểu. Cách đây vài năm, khi sang New York, tôi đã gặp vài nhà môi giới, agency bản quyền và trao đổi với họ. Tôi nhận thấy điều này không phải là không khả thi, chỉ là hiện tại chưa phải là hướng ưu tiên của chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tìm cách số hóa nội dung, đưa sách Việt lên các nền tảng trực tuyến như Amazon, Google Books và các nền tảng phân phối khác, giúp dễ dàng tiếp cận độc giả toàn cầu.

* Theo ông, ngành xuất bản và các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sách Việt ra nước ngoài?

- Để sách Việt có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, bao gồm tài chính và xây dựng thương hiệu quốc gia. Chính phủ cần cung cấp quỹ hỗ trợ dịch thuật, quảng bá và tham gia các sự kiện quốc tế. Cần thực sự đầu tư và có thể triển khai qua hình thức đấu thầu, đặt hàng các đơn vị thực hiện mục tiêu này, hoặc hợp tác trực tiếp với agency để làm việc với các nhà xuất bản quốc tế, giúp họ xuất bản sách Việt trên toàn cầu. Bên cạnh đó, có thể đầu tư vào các chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam qua sách, tương tự như cách Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm với K-pop và Manga.

* Là một người làm sách, ông mong muốn truyền tải điều gì về văn hóa và con người Việt Nam đến với độc giả quốc tế?

- Tôi muốn truyền tải một hình ảnh Việt Nam phong phú và đa dạng, với những giá trị văn hóa sâu sắc và con người đầy nghị lực. Qua sách, tôi hy vọng độc giả quốc tế sẽ hiểu hơn về lịch sử Việt Nam - một dân tộc kiên cường qua các cuộc chiến tranh nhưng luôn hướng tới hòa bình, mạnh mẽ và bền bỉ. Văn hóa truyền thống với các giá trị về gia đình, làng quê, những phong tục đặc sắc như Tết Nguyên Đán, và đặc biệt là thông qua các món ăn Việt, sẽ giới thiệu văn hóa Việt với thế giới, trẻ trung, sáng tạo, và đang hội nhập mạnh mẽ vào thế giới. Tôi tin rằng, thông qua sách, độc giả quốc tế sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về đất nước chúng ta, không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là một quốc gia giàu giá trị văn hóa và tiềm năng phát triển.

* Việc quản trị một doanh nghiệp xuất bản như Alpha Books có những đặc thù gì so với các lĩnh vực khác, thưa ông?

* Việc quản trị một doanh nghiệp xuất bản như Alpha Books có những đặc thù gì so với các lĩnh vực khác, thưa ông?

- Quản trị doanh nghiệp sách có những đặc thù riêng. Sản phẩm chúng tôi tạo ra không chỉ là hàng hóa mà còn mang giá trị văn hóa và tinh thần. Lợi nhuận trong ngành sách không cao, vòng đời sách dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Vì vậy, khi điều hành công ty, tôi luôn phải kết hợp hài hòa giữa tư duy kinh doanh và sứ mệnh phụng sự tri thức. Chúng tôi tính toán cẩn trọng để hoạt động hiệu quả, nhưng không chạy theo số lượng mà lơ là chất lượng.

Về văn hóa doanh nghiệp, tôi nỗ lực xây dựng một môi trường khuyến khích sáng tạo, đổi mới và học hỏi liên tục. Chúng tôi coi việc đọc sách, cập nhật tri thức và phát triển bản thân không chỉ là khuyến nghị, mà là phần thiết yếu trong văn hóa làm việc. Tinh thần đổi mới và sáng tạo là động lực cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững của công ty.

Tôi luôn tin rằng văn hóa bắt đầu từ người lãnh đạo, vì vậy tôi duy trì thói quen đọc mỗi ngày và thường xuyên chia sẻ những gì mình học được với nhân viên và cộng sự. Việc này không chỉ là cách truyền cảm hứng, mà còn là cam kết thực hành những giá trị mà chúng tôi đề cao: học hỏi suốt đời, lan tỏa tri thức và không ngừng làm mới tư duy trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tinh thần “yêu sách, trọng tri thức nhưng tối đa hóa công nghệ, và tinh thần sáng tạo, tinh thần doanh nhân” đã thấm sâu vào văn hóa công ty, kết nối mọi người bằng niềm đam mê chung. Khi nhân viên thấy rõ ý nghĩa công việc, họ sẽ tận tâm cống hiến - đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tổ chức.

Ông Nguyễn Cảnh Bình (đeo kính, thứ hai từ phải sang trái) cùng những người bạn thủa thiếu thời

Ông Nguyễn Cảnh Bình (đeo kính, thứ hai từ phải sang trái) cùng những người bạn thủa thiếu thời

* Đối với những cuốn sách do doanh nhân viết, tiêu chí nào khiến ông đánh giá đó là một bản thảo hay và đáng xuất bản?

- Một bản thảo sách doanh nhân hay trước hết phải chân thành và sâu sắc. Tác giả cần chia sẻ những câu chuyện thật từ hành trình kinh doanh của mình, cả thành công lẫn thất bại, với sự khiêm tốn và chân thực. Nhờ vậy, độc giả dễ đồng cảm và rút ra bài học cho mình. Tiếp theo, cuốn sách phải hữu ích và độc đáo, mang đến kiến thức hoặc góc nhìn mới mà người đọc có thể áp dụng. Nếu bản thảo thiếu trung thực hoặc chỉ chăm chăm tô vẽ thành tích cá nhân, chúng tôi sẽ từ chối, vì người đọc sẽ nhận ra nội dung hời hợt, và danh tiếng tác giả không thể cứu vãn một cuốn sách dở.

Điểm yếu thường gặp ở sách doanh nhân là văn phong thiếu cuốn hút. Không phải ai thành đạt cũng giỏi kể chuyện, vì vậy nhiều tác phẩm có xu hướng khô khan, chỉ liệt kê thành tích, khiến sách trở nên kém sinh động. Để khắc phục, tôi khuyên các tác giả nên hợp tác với biên tập viên chuyên nghiệp. Sự hỗ trợ của biên tập viên giúp sắp xếp ý tứ mạch lạc, bổ sung câu chuyện minh họa cụ thể và điều chỉnh giọng văn gần gũi hơn, nhờ đó tác phẩm sẽ vừa có giá trị nội dung vừa hấp dẫn người đọc.

* Ở cương vị người làm sách, ông nhìn nhận vai trò của Alpha Books trong việc phát triển tri thức cộng đồng như thế nào?

- Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định sứ mệnh là lan tỏa tri thức và xem mình là cầu nối đưa tinh hoa tri thức thế giới đến với người Việt. Hơn 20 năm qua, Alpha Books đã tuyển chọn và giới thiệu nhiều tựa sách giá trị từ các lĩnh vực khác nhau, góp phần bồi đắp văn hóa đọc và nâng cao dân trí.

Tôi muốn viết đúng về mình hết mức có thể, như một bản mô tả chân dung con người xù xì, thô ráp, đầy những vết sẹo trong suy nghĩ. Về những gì tôi đã sống, về những thời điểm bạc nhược và thất bại cay đắng, cả những tranh đấu và niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc đời, dù rằng, đôi khi tôi ước mình có thể trở thành một người mềm mại, nhẹ nhàng hơn” - Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình viết trong cuốn tự truyện “Sinh năm 1972 - Khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega Việt Nam

Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ bán sách, mà còn tích cực tham gia vào các dự án cộng đồng để thúc đẩy văn hóa đọc ở các địa phương, đặc biệt là tại các trường phổ thông, đại học và cơ quan. Chúng tôi tặng sách cho thư viện trường học vùng xa, tổ chức các buổi tọa đàm, hội sách để khuyến khích thói quen đọc. Tôi coi đó là trách nhiệm của người làm sách: chung tay xây dựng một cộng đồng yêu thích đọc sách.

*Nếu ông khởi xướng một chiến dịch khuyến đọc sách, thông điệp chính mà ông muốn gửi gắm đến xã hội là gì?

- Nếu có cơ hội khởi xướng một chiến dịch khuyến đọc, thông điệp tôi muốn gửi gắm sẽ là: “Tri thức là chìa khóa và hành trang vững chắc nhất cho Kỷ nguyên Mới”. Trong một thế giới đầy bất định và biến động như hiện nay, với những yếu tố VUCA (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ) và TUNA (không chắc chắn, khó đoán, mới mẻ, mơ hồ) ngày càng rõ rệt, tôi càng tin sâu sắc rằng tri thức là sức mạnh.

Không phải mối quan hệ, không phải “sân sau”, không phải lợi ích nhóm hay sự chống lưng nào có thể tạo ra giá trị bền vững. Dù là trong khu vực nhà nước hay tư nhân, ở bất kỳ quy mô tổ chức nào, hành trình đọc và tiếp thu tri thức hiện đại chính là con đường làm giàu trí tuệ, mở rộng tư duy và nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức của thời đại.

Tôi mong muốn mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, sẽ coi việc đọc như một hành động thiết yếu, không chỉ để trau dồi kiến thức mà còn để mở mang tầm nhìn, xây dựng bản lĩnh và tự tin vươn ra thế giới. Một xã hội yêu sách, tôn trọng tri thức và đề cao trí tuệ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình sinh ngày 18/8/1972 tại trạm xá làng Xuân La, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT của Alpha Books, Omega+ Books cùng nhiều thương hiệu khác như ETS, Gamma, MedInsight, Sống và Trạm đọc. Ông cũng là sáng lập viên và Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG, Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC). Bên cạnh đó, ông tham gia xây dựng và phát triển nhiều chương trình đóng góp cho cộng đồng, như Hành trình tri thức, Cùng đọc sách, Đại sứ Văn hóa đọc, cũng như các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên.

Hà Thủy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ong-nguyen-canh-binh-chu-tich-hdqt-alpha-books-va-omega-viet-nam-yeu-sach-trong-tri-thuc-la-coi-re-cho-phat-trien-ben-vung-317218.html