Ông Nguyễn Thiện Nhân: Miễn học phí thể hiện sự chắt chiu cho thế hệ tương lai

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, việc miễn, giảm học phí, thực hiện phổ cập cho học sinh mầm non thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước... 'Đây là thể hiện sự chắt chiu dành cho thế hệ tương lai, vì tương lai phát triển của đất nước', ông Nhân nói.

Phổ cập mầm non từng được bàn rất nhiều

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo nghị quyết liên quan đến miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ "đây là hạnh phúc của dân tộc". Theo ông, giáo dục mầm non là cực kỳ quan trọng, thời điểm từ 3 – 5 tuổi là tiền để đề xây dựng lớp học sinh phát triển.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QH

“Các gia đình thắt lưng buộc bụng để con đi học thì nhà nước cũng nên thắt lưng buộc bụng một phần nào đó để hỗ trợ học sinh đi học, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển đất nước”, ông Trương Trọng Nghĩa.

Nhớ lại thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS. Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc phổ cập giáo dục mầm non được bàn rất nhiều. Cuối cùng, do ngân sách còn hạn chế nên mới quyết định phải phổ cập mầm non 5 tuổi.

Chủ trương nhân văn, cả nước mong chờ

Theo ông Nhân, việc miễn, giảm học phí, thực hiện phổ cập cho học sinh mầm non thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, không phải chờ tới khi đất nước giàu mới làm. “Đây là thể hiện sự chắt chiu dành cho thế hệ tương lai, vì tương lai phát triển của đất nước”, ông Nhân nói.

Bên cạnh đó, việc miễn, giảm học phí, phổ cập học sinh mầm non sẽ giúp các gia đình giảm được phần nào gánh nặng tài chính.

“Hiện nay, chúng ta đang vận động các gia đình sinh đủ 2 con. Nhưng nhiều gia đình khi tính đến chuyện sinh con thường lo chuyện tài chính để nuôi dạy, lo cho con học hành nên không dám sinh. Vì thế, miễn, giảm học phí góp phần giảm áp lực tài chính để các gia đình sinh đủ 2 con”, ông Nhân nói.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, đất nước đang phát triển nên thực hiện việc này là cần thiết.

“Các gia đình thắt lưng buộc bụng để con đi học thì nhà nước cũng nên thắt lưng buộc bụng một phần nào đó để hỗ trợ học sinh đi học, nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển đất nước”, ông Nghĩa nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ nhân dân cả nước rất vui mừng khi Đảng, Nhà nước có chủ trương miễn học phí, viện phí, hướng đến sự hạnh phúc của người dân. "Đây là chủ trương nhân văn, nhân dân cả nước ủng hộ, mong chờ sớm thực hiện", ông Ngân nói.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Như Ý

Tại phiên thảo luận ở tổ, ghi nhận các ý kiến đề xuất, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ xây dựng một đề án chi tiết và có sự thẩm định công phu để triển khai.

Liên quan đến kiến nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, ông Sơn cho biết, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với ba đối tượng, gồm các học sinh yếu, trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi và các học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp.

Theo quy định, nhà trường không thu học phí học thêm dạy thêm với ba đối tượng này. Về nguyên tắc, đây là trách nhiệm của nhà trường. Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, Tổng Bí thư đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh, bộ đang triển khai và áp dụng phương án này từ năm học mới.

Văn Kiên - Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ong-nguyen-thien-nhan-mien-hoc-phi-the-hien-su-chat-chiu-cho-the-he-tuong-lai-post1744606.tpo