Ông Nguyễn Túc: Thời điểm chín muồi sáp nhập tỉnh, thành đã đến
Sau gần 40 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế của nước ta đã lớn mạnh hơn, đội ngũ cán bộ được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý nên đây là thời điểm chín muồi để thực hiện sáp nhập tỉnh, thành.
Sáp nhập tỉnh, thành là phù hợp với thực tiễn
Tại Kết luận số 126 ban hành ngày 14/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chủ trương này.
Phóng viên: Thưa ông, chủ trương sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được thực hiện theo Kết luận số 126 của Bộ Chính trị. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện sáp nhập tỉnh, nhưng lần này có gì khác biệt thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Đại hội IV năm 1976 đã đưa ra chủ trương thực hiện sáp nhập trên quy mô lớn, kỳ vọng đưa đất nước đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thời điểm đó sáp nhập các tỉnh như Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên…
Tuy nhiên, sau một thời gian, mục tiêu đặt ra không đạt vì hoàn cảnh đất nước lúc đó vừa bước qua chiến tranh, đội ngũ lãnh đạo chưa được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý, phương tiện thông tin liên lạc còn kém, hạ tầng chưa tốt.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống.
Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã khác, có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tiềm lực kinh tế của nước ta đã lớn mạnh hơn, đội ngũ cán bộ được đào tạo đến nơi đến chốn về quản lý. Một bộ phận không nhỏ được đào tạo ở nước ngoài bao gồm những nơi có nền kinh tế thị trường. Quan trọng nhất, hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ đã phát triển, việc nắm bắt tình hình không như trước nữa. Chủ trương Trung ương đưa ra để xem xét hợp nhất tỉnh là hợp thời, sát với thực tế.
Cái được lớn nhất của việc sáp nhập là gì, thưa ông?
Như tôi vừa nói, vấn đề thứ hai là lòng dân. Việc sáp nhập tinh giản, tinh gọn bộ máy làm tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thì người dân rất ủng hộ.
Khi bộ máy tinh gọn, hiệu quả, người dân sẽ thấy tiền thuế mình đóng góp được sử dụng một cách có ý nghĩa. Sẽ qua cái thời "hành là chính", một việc có đến ba, bốn cấp, rồi đến mấy ngành thực hiện. Sự chồng chéo này làm tốn thời gian, tiền bạc của người dân.

Bộ máy hành chính sẽ được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Đội ngũ cán bộ của tỉnh mới phải tiêu biểu cho sự đoàn kết, nhất trí
Theo ông, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì khi tiến hành sáp nhập tỉnh, thành?
Như các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục chỉ đạo, cần tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để tham nhũng, tiêu cực. Việc giải quyết bài toán trụ sở sau sáp nhập thế nào, chi tiêu ra sao phải minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đẩy mạnh chống lãng phí, chống tham ô thì phải thực hiện song song công tác giám sát.
Rồi sáp nhập các tỉnh sẽ đặt ra vấn đề ai làm bí thư, chủ tịch tỉnh, vì chọn nhân sự không đơn giản. Việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không chỉ tinh gọn.
Ví dụ 2-3 tỉnh sáp nhập làm 1 thì đồng chí nào là cán bộ chủ chốt? Mình đã có kinh nghiệm sáp nhập tỉnh trước đây rồi, quan trọng nhất là phải thực hiện sao cho được sự đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, có dân là có tất cả. Nên việc lựa chọn đồng chí lãnh đạo cũng phải rất thận trọng, dựa vào lòng dân.
Phải tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu ý thức rõ ý nghĩa rất lớn của việc sáp nhập này.
Sáp nhập, đồng nghĩa cán bộ sẽ quản lý địa bàn rộng lớn hơn, vậy yêu cầu về trình độ của cán bộ cũng cần phải cao hơn chứ thưa ông?
Đúng thế, địa bàn rộng hơn thì trách nhiệm cũng lớn và trình độ phải cao hơn rất nhiều. Khi sáp nhập, chắc chắn khó khăn là không tránh khỏi. Cần lựa chọn người đứng đầu tỉnh thành, kể cả cấp xã sau khi sáp nhập phải có bản lĩnh chính trị, vững vàng, năng lực nổi bật, đổi mới... Đồng thời có đạo đức trong sáng.
Đội ngũ cán bộ của tỉnh mới được chọn phải tiêu biểu cho sự đoàn kết nhất trí của tỉnh mới thành lập, tất cả phải vì nước, vì dân. Khi chọn được đúng cán bộ sẽ tạo được sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết trong tỉnh mới để phát triển.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước 30/6. Sau sắp xếp, chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ 1/7, trong khi cấp tỉnh sẽ vận hành sau 30/8.