Ông Nguyễn Văn Bình làm việc với Tân Cảng Sài Gòn
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chú trọng 3 lĩnh vực cảng biển, logistics, vận tải biển trong mục tiêu vươn tới tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu.
Ngày 13/1, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình có buổi làm việc tại cảng Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Buổi làm việc có sự tham gia của Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Theo đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các cơ sở hạ tầng dịch vụ của khu Tân Cảng Cát Lái đều mang tính lưỡng dụng. Để đảm bảo hoạt động quốc phòng tại cảng, mọi phương tiện, kho bãi, cầu cảng tại đây đều sẵn sàng tiếp nhận khí tài, trang thiết bị quân sự để phục vụ các đơn vị hải quân. Bên cạnh đó, Tân Cảng luôn có đầy đủ phương tiện, con người phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn...
Sản xuất kinh doanh đi đôi với nhiệm vụ an ninh - quốc phòng
Ngoài sản xuất kinh doanh, Tân Cảng Sài Gòn còn thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà Bộ Chính trị giao phó. Đơn vị đảm nhiệm việc xây dựng các công trình quân sự tại vùng biên giới hải đảo. Lực lượng hoa tiêu, tàu lai dắt và các phương tiện tại cảng luôn ở thế chủ động, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tổng công ty tham gia cùng Quân chủng Hải quân xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa. Hiện, Bộ Quốc phòng đang hoàn chỉnh đề án này và trình Thủ tướng. Trong đề án Tân Cảng được giao nhiều nhiệm vụ liên quan việc quản lý xây dựng, cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật...
"Đây là nhiệm vụ rất lớn, khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa nằm ở vị trí trọng yếu về quân sự của hải quân và Bộ Quốc phòng", đại tá Ngô Minh Thuấn chia sẻ.
Tân Cảng Sài Gòn xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics gắn với xây dựng và phát triển Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa.
"Có thể đánh giá Tân Cảng Sài Gòn là điểm sáng trong quân đội về việc phát triển kinh tế đi liền với công tác quốc phòng - an ninh. Với tầm nhìn chiến lược, Tân Cảng Sài Gòn đã từng bước trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận xét.
3 lĩnh vực cần tập trung phát triển
Để đạt được những kết quả cao hơn giúp đảm bảo tăng trưởng và phát triển ngành vận tải biển, ông Nguyễn Văn Bình góp ý Tân Cảng tập trung nguồn lực vào 3 lĩnh vực chính là logistics, vận tải biển và các dịch vụ cảng biển.
Khi tới thăm phòng điều hành của tổng công ty, ông Nguyễn Văn Bình nhận định nhờ áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, tổng công ty đã bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa ngành vận tải biển. Với việc giám sát toàn bộ bến bãi, kho hàng bằng hệ thống camera phủ kín, việc giám sát, điều phối sẽ chỉ tính bằng phút chứ không còn tốn nhiều thời gian như trước đây.
"Dù chưa thể bắt kịp với hạ tầng hiện đại của các cảng biển trên thế giới nhưng chúng ta cần hướng tới việc tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực, điển hình như Singapore", Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng bày tỏ sự ấn tượng trước tốc độ phát triển của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Chỉ sau hơn 30 năm hoạt động, Tân Cảng đã trở thành 1 trong 30 cảng hàng hóa đứng đầu thế giới.
Nói về hệ thống bến cảng của nước ta, ông Nguyễn Văn Bình nhận định hiện có rất nhiều cảng trải dọc 3 miền nhưng số cảng có chất lượng, quy mô lớn còn hạn chế. Điều này khiến tốn kém chi phí và không đem lại nhiều hiệu quả.
"Địa phương nào có biển cũng đòi làm cảng nên các cảng rải rác cả nước. Theo tôi, cả 3 miền chỉ cần 5 cảng biển chất lượng là đủ", ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.
"Nước ta có hạn chế là số lượng các cảng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế còn chưa được đầu tư thích đáng. Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để đưa ra những cơ chế, đầu tư phù hợp nhằm phát huy những lợi thế trong lĩnh vực vận tải hàng hóa biển", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương góp ý Tân Cảng nói riêng và hệ thống cảng biển trên cả nước nói chung cần chú trọng đến việc kết nối giao thông, tận dụng lợi thế đường bờ biển dài để lưu thông hàng hóa với số lượng lớn hơn. Ngoài ra, các kho chứa logistics cần được nghiên cứu đầu tư xây dựng tại các địa điểm thích hợp nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng lợi nhuận, đồng thời các kho này có thể trở thành nơi dự trữ hàng hóa chiến lược phục vụ an ninh - quốc phòng.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ong-nguyen-van-binh-lam-viec-voi-tan-cang-sai-gon-post1035614.html