Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam:: Cần phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Ông Nguyễn Văn Mười

Ông Nguyễn Văn Mười

Tại triển lãm quốc tế về Công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả Việt Nam (HortEx Vietnam) năm 2024 vừa diễn ra vào giữa tháng 3, ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam đã giới thiệu về mô hình nông nghiệp tuần hoàn (NNTH). Đây là mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam để giảm phát thải, phát triển bền vững.

Theo ông Mười, phát triển NNTH là xu hướng của các nước phát triển. Bối cảnh hiện nay đang mở ra cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nhằm phát triển NNTH gắn với sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.

Vẫn khó thu hút đầu tư NNTH

* Gần đây, NNTH được nhắc đến rất nhiều, ông có thể cho biết rõ hơn về sản xuất NNTH?

- NNTH là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Các loại phế, phụ phẩm chính trong nông nghiệp gồm: phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào.

Hội Làm vườn Việt Nam rất quan tâm giới thiệu, kết nối doanh nghiệp, nông dân tham quan, tìm hiểu những mô hình NNTH hiệu quả. Cụ thể, tháng 6 tới, hội sẽ tổ chức sự kiện với nhiều hoạt động như: triển lãm, diễn đàn, hội thảo về NNTH tại tỉnh Đồng Nai.

Tôi lấy ví dụ, tổng khối lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta gần 157 triệu tấn. Trong đó, gần 89 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến các loại nông sản của lĩnh vực trồng trọt; hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; có 5,5 triệu tấn từ ngành nông nghiệp…

Thực tế nông dân của chúng ta vẫn đang lãng phí rất nhiều nguồn nguyên liệu góp phần mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp; giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Trong đó, phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng NNTH là rất quan trọng. Tại Việt Nam, kinh tế VAC đã phát triển nhưng chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chưa phát huy được giá trị.

* Phát triển NNTH mang lại những lợi ích chính nào, thưa ông?

- NNTH mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ như xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi, người dân có thể sử dụng nguồn năng lượng này làm chất đốt. Hoặc có thể sử dụng sinh khối là phế phẩm trong lâm nghiệp, cây trồng làm viên nén chất đốt. Viên nén này, chúng ta đã xuất khẩu đi rất nhiều nước, thu về ngoại tệ. Nguồn chất thải trong chăn nuôi, xác bã thực vật hoặc phế, phụ phẩm trong chế biến nông sản là nguồn nguyên liệu rất tuyệt vời để làm phân bón hữu cơ. Với nông dân, phân bón thường chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư, thay vì bỏ rất nhiều tiền mua phân bón thì chúng ta tái sử dụng lại những phế phẩm làm phân bón sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người nông dân. Đồng thời, việc tận dụng phế phẩm sẽ ngăn chặn chất thải ra môi trường.

Trong NNTH yêu cầu sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để duy trì phát triển bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò rất quan trọng nên phải có những giải pháp để tiết kiệm nước, nhất là ở những vùng khô hạn. Chính vì vậy, tuần hoàn nước là giải pháp để tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước chúng ta đang có. Với mô hình VAC, vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây... Đặc biệt, hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần ứng dụng giải pháp tuần hoàn nước để chống xâm nhập mặn.

Thu hút bằng chính sách

Hội Làm vườn Việt Nam tham gia các hoạt động tham vấn xây dựng chính sách, khuyến khích thúc đẩy phát triển NNTH, chế biến sâu, liên kết trong tiêu thụ, xuất khẩu, chuyển giao khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc, giải pháp thương mại điện tử… cho các hợp tác xã và người nông dân.

* Theo ông, vì sao NNTH mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn khó nhân rộng?

- Các nước châu Âu đã đi trước rất lâu về phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. Lí do các mô hình VAC ở vùng nông thôn của ta chưa ứng dụng NNTH là do quy mô sản xuất hộ nông dân chưa đủ lớn nên việc thu gom các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chi phí vận chuyển cao, việc tận dụng phế, phụ phẩm đưa từ nơi xa về không hiệu quả. Thực tế, các nguyên liệu phế, phụ phẩm giá trị còn thấp nên cần cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư.

* Ông có góp ý gì cho chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển NNTH?

- Chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, NNTH nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau. Tôi lấy ví dụ như trong Luật Trồng trọt năm 2018 có nội dung khuyến khích việc sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm hàng hóa. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lí theo quy định. Chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường. Khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là những cơ sở quan trọng để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương triển khai hoạt động về quản lý phụ phẩm trồng trọt theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Mười (bìa trái), Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam tham dự diễn đàn sầu riêng năm 2023 tổ chức tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Ông Nguyễn Văn Mười (bìa trái), Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam tham dự diễn đàn sầu riêng năm 2023 tổ chức tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Tuy Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện về kinh tế tuần hoàn nhưng đến hiện tại chỉ mới bắt đầu xây dựng và chưa có những chính sách, quy định riêng giúp cho việc phát triển, tạo động lực cho các chủ đầu tư cũng như tạo điều kiện cho nông dân phát triển NNTH. Hy vọng là các cơ quan, các địa phương chủ động nhân rộng, giúp cho NNTH được triển khai nhanh chóng, giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, từ năm 2024 và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển NNTH vì đây là xu hướng phát triển hiện nay.

* Ông đánh giá như thế nào về thế mạnh phát triển NNTH của Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung?

- Vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm phát triển kinh tế xanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Vùng cũng có nhiều thế mạnh, tiềm năng để phát triển mô hình NNTH. Trong đó, Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển mô hình NNTH rất tốt. Đây cũng là một trong những địa phương chăn nuôi lớn nhất cả nước và chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn nguyên liệu chính để phát triển NNTH. Tại Đồng Nai đã có những doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi rất hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông!

Lê Quyên (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/ong-nguyen-van-muoi-truong-co-quan-phu-trach-phia-nam-hoi-lam-vuon-viet-nam-can-phat-trien-nong-nghiep-tuan-hoan-9786206/