Ông Phan Văn Mãi: Dự án Vành đai 3 TP.HCM áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường.

Ngày 18/6, lễ khởi công 3 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM với các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các cấp Trung ương và địa phương tham dự tại 3 điểm cầu.

Vành đai 3 TP.HCM là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ

Trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương phát biểu tại lễ khởi công dự án. Ông Phan Văn Mãi đánh giá đây là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thành Nhân)

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thành Nhân)

Dịp này TP cũng mong muốn các địa phương cùng nhau phối hợp chặt chẽ, bà con tiếp tục ủng hộ, đồng là tác giả con đường này - vành đai 3 TP.HCM”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Ông cam kết với Chính phủ và Trung ương, sẽ cùng các tỉnh, thành toàn tâm toàn ý, đốc thúc, sáng tạo để dự án Vành đai 3 sẽ thông xe cuối 2025, hoàn thành vào 2026. Ông mong nhân dân, các tổ chức là "đồng tác giả" dự án lớn này.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, tặng bản vẽ thiết kế cho người trong vùng dự án…

Đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn cùng áp lực thời gian; mục tiêu phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường vành đai 3 vào năm 2026 theo yêu cầu Chính phủ và Quốc hội đặt ra là thách thức rất lớn”, ông Mãi nói và cho rằng đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với TP.HCM và 3 tỉnh.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khởi công dự án.

Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt 90%. Tỉnh đã bố trí đủ vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung công việc thuộc nhiệm vụ của địa phương; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án như lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu, bảo đảm có thể triển khai thi công dự án ngay sau lễ khởi công.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại lễ khởi công.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại lễ khởi công.

Theo ông Thọ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 51 hiện hữu.

"Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70' thay vì 150' như hiện nay. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển"

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực - là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây....

Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên... Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện khởi công thực hiện dự án...

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại điểm cầu tỉnh này.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại điểm cầu tỉnh này.

Ông Nghị cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đồng thời giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật...

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ong-phan-van-mai-du-an-vanh-dai-3-tp-hcm-ap-dung-nhieu-cach-lam-chua-co-tien-le-ar800394.html