Ông Putin và cuộc bầu cử Tổng thống 2024
Ngày 8/12/2023, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) tuyên bố cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/3/2024. Đây không những là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Nga sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, mà còn là lần thứ 5 Tổng thống Vladimir Putin tham gia tranh cử. Các chính đảng của Nga lần lượt tổ chức đại hội đại biểu để xác định ứng cử viên và cương lĩnh tranh cử của đảng mình, các ứng cử viên độc lập cũng lần lượt nộp đơn đăng ký.
Ứng cử viên độc lập
Tính đến ngày 26/12/2023, CEC đã tiếp nhận 33 đơn đăng ký tranh cử, đồng thời công bố thông tin của một số ứng cử viên. Trong đó, nhận được nhiều sự chú ý nhất là đương kim Tổng thống Putin, người tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Việc ông Putin tái tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cũng có một số cân nhắc. Vì bản chất phi đảng phái của các ứng cử viên khiến họ có tính đại diện cao hơn, có lợi cho việc thu hút được nhiều cử tri hơn thay vì chỉ đại diện cho một chính đảng hoặc một nhóm nào đó. Tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập có nghĩa là ông Putin nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân Nga, hoàn toàn có thể tập hợp được sức mạnh và đoàn kết được quần chúng nhân dân.
Trong số các chính đảng ở Quốc hội Nga, đảng Nước Nga thống nhất và đảng Nước Nga công bằng - Vì sự thật đều ủng hộ ông Putin tranh cử mà không đề cử các ứng viên khác. Đảng Cộng sản Liên bang Nga đề cử cựu quân nhân Nikolai Kharitonov, hiện là Chủ tịch Ủy ban Phát triển vùng Viễn Đông và Bắc cực thuộc Duma Quốc gia Nga (Hạ viện). Ông từng thay mặt đảng Cộng sản Nga tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 và giành vị trí thứ 2 với 13,69% phiếu bầu.
Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) đề cử ông Leonid Slutsky, Chủ tịch đảng và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga tham gia tranh cử. Đảng Nhân dân mới của Nga vào Quốc hội lần đầu tiên năm 2021 đề cử Vladislav Davankov, 39 tuổi, hiện đang là Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và là ứng cử viên trẻ nhất tham gia tranh cử. Ngoài các chính đảng trong Quốc hội, các đảng như đảng Sáng kiến công dân, Liên minh nhân dân toàn nước Nga, đảng Chính nghĩa và Tự do cũng đề cử các ứng cử viên mà đảng mình ủng hộ. Cựu nhà báo Yekaterina Dontsova nhận được nhiều sự quan tâm nhưng không thể vượt qua các bước xét duyệt của CEC, do đó không đủ tư cách tranh cử.
Theo quy định của pháp luật Nga, các ứng cử viên được Duma Quốc gia đề cử có thể trực tiếp tranh cử. Các ứng cử viên do các chính đảng đề cử không có đại diện trong Duma Quốc gia hoặc trong 1/3 số nghị viện địa phương của Nga cần thu thập 100.000 chữ ký ủng hộ. Sau khi thông qua xem xét, các ứng cử viên độc lập phải thu thập 300.000 chữ ký ủng hộ từ ít nhất 40 chủ thể liên bang.
Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Putin. Xét từ tình hình bầu cử hiện nay, các ứng cử viên mà các chính đảng khác ở Nga đề cử đều đã tuổi cao sức yếu hoặc thiếu kinh nghiệm chính trị, năng lực và ảnh hưởng cũng không bằng ông Putin, các ứng cử viên độc lập khác cũng khó thu thập đủ chữ ký.
Theo quy định của cuộc bầu cử Tổng thống Nga, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên giành được trên 50% số phiếu sẽ được bầu làm tổng thống. Nếu không có ai giành được trên 50% số phiếu trong vòng này, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra sau 3 tuần giữa 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất, theo đó, người có số phiếu cao hơn sẽ được bầu làm tổng thống.
Hoạt động tranh cử
Kể từ tháng 11/2023, ông Putin thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện như Diễn đàn Văn hóa quốc tế St. Peterburg, Đại hội người nói tiếng Nga trên toàn thế giới, Hội nghị học giả trẻ, Diễn đàn đầu tư “Nước Nga đang kêu gọi” do VTB Capital tổ chức và Ngày các anh hùng tổ quốc. Ngày 8/12/2023, ông Putin chính thức tuyên bố tranh cử tại sự kiện kỷ niệm Ngày các anh hùng tổ quốc. Ngày 14/12/2023, tại cuộc họp báo thường niên và được phát sóng trực tiếp, ông Putin đã trả lời 67 câu hỏi trong hơn 4 giờ đồng hồ, trình bày toàn diện quan điểm của mình về cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình phát triển của Nga cũng như mối quan hệ của Nga với phương Tây, mối quan tâm của người dân.
Trước cuộc bầu cử, việc ông Putin có các cuộc tiếp xúc với người dân, các giới như học thuật, văn hóa, tôn giáo, kinh doanh, quân đội không chỉ giúp ông đến gần hơn với cử tri thuộc mọi tầng lớp xã hội, thể hiện được sự tự tin và tích cực, mà còn để gạt bỏ những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông, cho thấy ông vẫn có thể gánh vác trọng trách khi tái đắc cử Tổng thống Nga.
Đồng thời, các cơ quan liên quan như Văn phòng Tổng thống Nga, CEC, Duma Quốc gia Nga cùng phối hợp để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi. Dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Tổng thống Nga, người đứng đầu các chủ thể Liên bang Nga đã tăng cường trao đổi với người dân để giải quyết các vấn đề đời sống trong xã hội của họ. Văn phòng Tổng thống Nga còn tổ chức các hội thảo chính sách trong nước dành cho quan chức địa phương và ủy ban bầu cử khu vực để tổng kết kinh nghiệm bầu cử địa phương và xây dựng các kế hoạch trong tương lai, nỗ lực đảm bảo cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi và ngăn chặn nguy cơ can thiệp từ bên ngoài.
Để đoàn kết nhân dân và nâng cao lòng tự hào dân tộc, một triển lãm quốc tế mang tên “Nước Nga” đã khai mạc tại Phòng triển lãm thành tựu kinh tế quốc gia ở Moscow ngày 4/11/2023 (Ngày thống nhất dân tộc Nga). Triển lãm này sẽ kéo dài trong 161 ngày, cho đến hết Ngày hàng không vũ trụ Nga (12/4/2024), để giới thiệu những thành tựu phát triển của Nga dưới thời ông Putin.
CEC tập trung vào các quy tắc bầu cử và không ngừng hoàn thiện trình tự bầu cử. Sau khi thử nghiệm và điều chỉnh trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, sửa đổi hiến pháp năm 2020 và cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2021, Nga dần tìm ra một bộ quy tắc bầu cử hiệu quả. Chính quyền trung ương và địa phương Nga đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ trên cơ sở đảm bảo an toàn cho cử tri. CEC còn kéo dài thời gian bỏ phiếu lên 3 ngày, cho phép khoảng 38 triệu cử tri ở 29 khu vực bỏ phiếu theo hình thức điện tử, đồng thời cho phép các khu vực khó tiếp cận và vùng sâu vùng xa được bỏ phiếu trước 1 tháng.
Thử thách phía trước
Cuộc bầu cử tổng thống lần này cũng là phép thử đối với mức độ tín nhiệm và sự ủng hộ của cử tri Nga đối với chính quyền ông Putin. Sự tự tin của ông Putin trong lần tranh cử này xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội ổn định của nước Nga. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Nga tiếp tục duy trì ổn định trong nước và giảm nhẹ tác động của cuộc chiến. Về đối nội, Nga đẩy mạnh đầu tư vào sinh kế của người dân, nâng cao rõ rệt mức lương hưu, trợ cấp sinh hoạt và lương hưu tối thiểu, đồng thời nỗ lực hạn chế phạm vi huy động lực lượng cho quân đội, nhiều lần nhấn mạnh quân số đã đáp ứng đủ, do đó sẽ không bắt đầu một đợt tuyển quân và động viên mới.
Giới tinh hoa Nga cơ bản đều ủng hộ các quyết sách của trung ương và người dân được hưởng lợi từ nhiều khoản trợ cấp khác nhau của chính phủ. Nền kinh tế Nga có khả năng phục hồi cao, thông qua việc tăng cường đầu tư và mở rộng mua sắm của chính phủ (mua sắm công) để khôi phục nền kinh tế. Tài chính Nga trong năm 2023 cơ bản ổn định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 3,5% và trở lại mức trước khi xảy ra xung đột. Về đối ngoại, Nga chủ động phá vỡ thế bị cô lập, vẫn có thể duy trì các mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và kinh tế của mình. Đầu tháng 12/2023, ông Putin liên tiếp đến thăm Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) và Saudi Arabia, gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, mở rộng các kênh nhập khẩu và củng cố ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ.
Nhật báo Kommersant của Nga bình luận rằng, bầu cử thời chiến phải có tác dụng “chữa lành tâm lý”, cho thấy cuộc sống bình thường mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, nói thế không phải là không có những thách thức trước bầu cử. Tình hình an ninh của Nga thực tế có phần xấu đi. Với một cuộc chiến như vậy, người lạc quan nhất cũng không thể khẳng định đảm bảo được hoàn toàn an ninh, chí ít là những vùng giáp ranh chiến sự.
Hơn nữa, tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế Nga đang chưa được giải quyết. Điểm mấu chốt để Nga duy trì hoạt động bình thường của nền kinh tế là liệu có thể tiến hành hoạt động thương mại xuất nhập khẩu để giành lấy đồng tiền ổn định thông qua xuất khẩu năng lượng hay không.
Cùng với việc Mỹ và châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một số chỉ số kinh tế của Nga đang thay đổi. Chẳng hạn, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, do xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng, thặng dư cán cân thanh toán của Nga giảm xuống còn 50,5 tỷ USD, chỉ bằng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 10/2023, Mỹ trừng phạt 2 tàu chở dầu và chủ tàu vì cho rằng dầu mà 2 tàu này đang vận chuyển có giá vượt trần 60 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên liên minh giới hạn giá có hành động kiểu này. Tháng 12/2023, Mỹ tiếp tục trừng phạt 3 công ty thương mại và 1 công ty vận chuyển đầu tiên liên quan đến giao dịch dầu mỏ của Nga. Mỹ còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tháng 11/2023, Mỹ đã đưa dự án LNG-2 ở Bắc Cực của Nga vào danh sách trừng phạt, buộc các đối tác quốc tế của Nga phải rút lui và công kích kế hoạch tăng thị phần của Nga ở thị trường LNG quốc tế. Ngoài ra, các yếu tố như thiếu hụt lao động, thiếu hụt về trang thiết bị kỹ thuật vẫn sẽ hạn chế quá trình chuyển đổi kinh tế của Nga.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/ong-putin-va-cuoc-bau-cu-tong-thong-2024-i725535/