Ông Tập Cận Bình: 'Hệ thống chính trị dân chủ của Trung Quốc là sự sáng tạo vĩ đại'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi hệ thống chính trị của Trung Quốc 'là một sự sáng tạo vĩ đại' và là chìa khóa cho thành công của thế giới, trong bối cảnh đối đầu về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Xinhua)
Phát biểu tại kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng sự cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị là một “khía cạnh chủ chốt trong cạnh tranh giữa các quốc gia, có thể trở thành lợi thế chủ chốt cho đất nước để giành được sáng kiến chiến lược”, theo Xinhua.
“Lịch sử và thực tế cho thấy nước ta ổn định khi hệ thống chính trị ổn định, và đất nước vững mạnh nếu hệ thống chính trị mạnh mẽ”, ông nói.
“Dân chủ không phải vật trang trí hay chỉ để trang trí. Dân chủ là để giải quyết những vấn đề thực sự của người dân” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra tại cuộc họp của Đảng nhằm thảo luận về hệ thống Hiến pháp của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình ca ngợi hệ thống chính trị của Trung Quốc là "sự sáng tạo vĩ đại của lịch sử mà Đảng ta tạo ra, là hệ thống hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển chính trị của nước ta và thậm chí của thế giới”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng dân chủ thực sự không phải là lời hùng biện và cam kết lúc tranh cử. “Dân chủ không phải vật trang trí hay chỉ để trang trí. Dân chủ là để giải quyết những vấn đề thực sự của người dân”, ông nói.
Cuộc họp diễn ra trong giai đoạn Bắc Kinh đang gia tăng nỗ lực bảo vệ hệ thống chính trị của mình trước sức ép ngày càng lớn từ phương Tây, với nhiều biện pháp trừng phạt vì các vấn đề Tân Cương và Hong Kong.
“Tổng thống Mỹ Joe Biden dùng nhiều cách để ép Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump, và đang nhấn mạnh những vấn đề như nhân quyền và các giá trị dân chủ”, ông Qin Qianhong, một giáo sư về luật tại ĐH Vũ Hán, đánh giá.
Ông Biden dự kiến sẽ chủ trì hai hội nghị thượng đỉnh về dân chủ vào tháng 12, và Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao xem phái đoàn Đài Loan (Trung Quốc) có được mời dự hay không.
“Tôi nghĩ đây là sự đáp trả sau khi các lãnh đạo Trung Quốc gặp sức ép lớn, bao gồm hội nghị thượng đỉnh dân chủ (mà ông Biden đề xuất) và các biện pháp trừng phạt”, GS Qin nhận định.