Ông Tập ký kết với Myanmar một loạt thỏa thuận thúc đẩy 'Vành đai và Con đường'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Myanmar vào hôm 18.1 sau khi ký kết các thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD, bao gồm một dự án cảng quan trọng ở Ấn Độ Dương.
Khoản đầu tư này đã được cả hai bên ca ngợi là đánh dấu một kỷ nguyên mới của mối quan hệ hợp tác song phương vốn mang lại sự thúc đẩy kịp thời cho nền kinh tế Myanmar, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách củng cố ảnh hưởng tại Myanmar, giữa lúc quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng từ phương Tây, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan đến việc đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Myanmar 2 ngày từ thứ sáu 17.1. Đây là chuyến công du Myanmar đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc trong 19 năm qua. Sau khi đến thủ đô Naypyidaw, ông Tập đã gặp một số nhân vật chủ chốt của chính phủ Myanmar, bao gồm Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi - người đứng đầu chính phủ, và tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang Myanmar, tướng Min Aung Hlaing.
Ngoài ra, ông Tập cũng gặp các chính trị gia từ các khu vực, những nơi có xung đột sắc tộc mà có các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang được lên kế hoạch hoặc đang được tiến hành.
Trong buổi lễ đón tiếp hôm 17.1, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát biểu rằng: "Chúng tôi đang vạch ra một lộ trình trong tương lai mang lại sức sống cho mối quan hệ song phương dựa vào mối quan hệ gần gũi giữa 2 nước láng giềng để cung cấp hỗ trợ cho nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn".
Truyền thông địa phương cho biết, mặc dù không có thỏa thuận lớn nào được công bố, nhưng ông Tập và bà Aung San Suu Kyi cũng đã ký kết tới 33 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận, trao đổi thư từ và giao thức, 13 trong số đó có liên quan đến thỏa thuận củng cố các dự án quan trọng nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” - tầm nhìn của Trung Quốc về các tuyến đường thương mại mới được gọi là “con đường tơ lụa thế kỷ 21”.
Trong một động thái mà các nhà quan sát cho rằng có thể củng cố thêm ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý thúc đẩy các kế hoạch phát triển Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar, đặc biệt là Đặc khu kinh tế Kyaukphyu dọc theo bờ biển vịnh Bengal.
Đây là một dự án hạ tầng khổng lồ trị giá hàng tỉ USD, bao gồm các thỏa thuận về các tuyến đường sắt kết nối tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một cảng nước sâu tại bang Rakhine, một đặc khu kinh tế giáp biên giới hai nước cùng dự án về một thành phố mới nằm trong thành phố thương mại Yangon.
Trao đổi với bà Suu Kyi vào sáng 18.1, ông Tập nói rằng việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar là ưu tiên hàng đầu của sáng kiến Vành đai và Con đường, một cơ sở hạ tầng toàn cầu vốn đã trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Được biết, các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng tại Myanmar đã bị thất bại lớn sau dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD, một kế hoạch có trước Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn bị đình chỉ gần 10 năm trước vì sự phản đối mạnh mẽ của địa phương và sự hoài nghi về ý định của Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm lần này, cả Chủ tịch Tập và chính phủ Myanmar đều đã không đề cập đến dự án gây tranh cãi trên. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định với người đứng đầu chính phủ Myanmar rằng, Bắc Kinh sẽ là một người bạn đáng tin cậy của Naypyidaw và hai bên nên đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng lớn, theo Tân Hoa Xã.
Đáp lại, nữ lãnh đạo Suu Kyi trả lời rằng, sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau là chìa khóa cho mối quan hệ song phương giữa hai nước, và cho biết Myanmar sẽ không bao giờ chịu áp lực hay can thiệp vào các vấn đề trong nước như nhân quyền hay quan hệ tôn giáo và sắc tộc.
Đáng chú ý, trong một cuộc họp riêng với chỉ huy lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing, ông Tập cũng cam kết Bắc Kinh sẽ làm việc với quân đội Myanmar để đảm bảo sự ổn định của biên giới hai nước.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài thứ nhì, sau Singapore, ở Myanmar, nước thành viên ASEAN. Chỉ trong 11 tháng đầu 2019, đầu tư từ TQ đạt con số 20 tỉ USD.
Trung Quốc và Myanmar có mối quan hệ lịch sử không mấy nồng ấm, nhưng hai bên đã gần gũi nhau hơn kể từ năm 2017, thời điểm Trung Quốc có những động thái "mạnh mẽ" trong việc bảo vệ Myanmar khi quốc gia Đông Nam Á này bị cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc lên án về việc đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, giáp với Bangladesh. Trung Quốc cũng được cho là có cách hành xử tương tự Myanmar liên quan đến các cáo buộc “giữ” người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở các “cơ sở giáo dục” tại Tân Cương.
Hoàng Vũ (theo SCMP)