Ông Trầm Bê: 'Làm việc có ích vậy mà VKS đòi cách ly xã hội'
'Tui làm việc có ích cho xã hội nhiều... vậy mà VKS nói tui gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, cần cách ly xã hội...', bị cáo Trầm Bê nói.
Sáng 29-7, TAND TP.HCM tiếp tục tranh luận vụ siêu lừa Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) và Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các đồng phạm gây thất thoát 505 tỉ đồng.
Tại tòa, đại diện Agribank CN 6 cho rằng bản án đang có hiệu lực pháp luật tuyên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ, tại huyện Bình Chánh) tiếp tục kê biên, bồi thường cho Agribank 171 tỉ đồng và để khắc phục hậu quả cho Ngân hàng Phương Nam.
Đại diện này trình bày 23 GCSQSDĐ này trước được thế chấp tại Agribank sau đó Cường mượn mang đi photocoppy nhưng lại mang sang Ngân hàng Phương Nam thế chấp để vay tiền.
Nay hai bị cáo Bê và Cường trình bày là có giá trị rất cao. Từ đó, Agribank đề nghị HĐXX tuyên phần dôi dư tiếp tục xem là phần Cường bồi thường thiệt hại các khoản vay khác cho Agribank.
Tự bào chữa, trước tòa, ông Trầm Bê (bị đề nghị 6-7 năm tù) khóc: "... Tui làm việc có ích cho xã hội nhiều, được 100 giấy khen, mua đất cất nhà cho bà con, xin giấy phép luôn, rồi sợ bà con bán đi, tui giữ 1.000 sổ hồng để bà con không bán nhà... vậy mà VKS nói tui gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, cần cách ly xã hội...”.
Trần tình thêm, bị cáo này nói ông hạn chế kiến thức pháp luật. "Tuy nhiên tôi cũng biết, theo quy định ngân hàng thì không được mang các tài sản thế chấp, như GCNQSDĐ... ra khỏi ngân hàng. Đằng này, Agribank đã cho Dương Thanh Cường mượn mang đi rồi mãi ba năm sau Agribank mới lên tiếng".
“Để xảy ra vụ án này, bây giờ các bị cáo ngồi đây, bắt nguồn từ Agribank cho ông Cường mượn 23 GCNQSDĐ. Nếu không cho mượn, hoặc cho mượn chừng 1 tháng thì thu hồi thì làm sao ông Cường thế chấp bên ngân hàng tui được. Chúng tôi cho vay nắm đằng cán, có trong tay 23 GCNQSDĐ, có kiểm tra tài sản, còn Agribank thì mang 23 GCNQSDĐ đưa lại cho ông Cường, từ đó Cường mới lừa chúng tôi” ”, ông Bê lý giải.
Trước đó, luật sư của ông Trầm Bê cho rằng VKS cáo buộc thân chủ không thuyết phục. Ông Bê đóng vai trò thứ yếu trong toàn bộ quá trình xét duyệt cho Công ty Bình Phát vay.
Về lỗi chủ quan mờ nhạt, chữ ký phê duyệt cho giải ngân chỉ là hình thức. Và trên thực tế, ngân hàng có thể xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, không có thiệt hại xảy ra. Nhưng đến nay chưa xử lý được do Trầm Bê và cấp dưới bị Cường lừa gán tài sản là vật chứng trong một vụ án hình sự xảy ra tại Agribank Chi nhánh 6.
Về việc muốn nộp ngay 171 tỉ khắc phục hậu quả, ông Bê cho biết muốn khắc phục hậu quả cho bị cáo Cường nhằm lấy 23 GCNQSDĐ để giải quyết cho cả hai ngân hàng dứt điểm, chứ bản thân không gây thiệt hại.
Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐTD Ngân hàng, bị đề nghị 5-6 năm tù), luật sư cho rằng VKS đề nghị mức án quá nặng. Đồng thời, luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để trưng cầu thiệt hại của vụ án.
Luật sư phân tích tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là tội phạm cấu thành vật chất. Tức hành vi trái quy định pháp luật nhưng nếu không có thiệt hại về vật chất thì không đủ cấu thành tội phạm.
Vì vậy, tòa cần trả hồ sơ để trưng cầu giám định thiệt hại của vụ án để xác định các bị cáo thuộc ngân hàng Phương Nam có phạm tội hay không. Vì trên thực tế 23 GCNQSDĐ Cường gán cho ngân hàng vẫn có giá trị quy đổi thành tiền.
"Với ông Khang, vi phạm hoàn toàn xuất phát từ sự tin tưởng thuộc cấp báo cáo về hồ sơ vay của Dương Thanh Cường, tất cả vì lợi ích của ngân hàng, không tư lợi cá nhân. Do đó, HĐXX cần có đánh giá toàn diện vụ án để có phán quyết hợp tình, hợp lý", luật sư nêu.