Ông Trần Đình Thiên: 40 năm qua, chỉ 2 năm Việt Nam đạt tăng trưởng 9,3% và 9,5%

Suốt 40 năm qua, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời cơ đang mở ra là chưa từng có và nếu không hành động kịp thời, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ.

Tăng trưởng chưa từng chạm mốc hai con số

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới” ngày 7/5, chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, trong suốt 40 năm qua, chỉ có hai năm Việt Nam đạt mức tăng trưởng 9,3% (năm 1996) và 9,5% (năm 1995), chưa từng chạm mốc hai con số. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân lại có xu hướng giảm rõ rệt theo từng chu kỳ 10 năm...

“Với việc giảm tốc độ tăng trưởng đó, chúng ta lại đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Vậy đâu là cơ sở để đảm bảo nền kinh tế có thể nhanh chóng đảo ngược xu thế hiện tại và tạo 'thần kỳ' trong giai đoạn được dự báo khó khăn, khó lường và nhiều rủi ro hơn?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đòi hỏi thực tiễn phải tăng cường năng lực nội sinh và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và các động lực tăng trưởng truyền thống dần cạn kiệt, Việt Nam buộc phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để Việt Nam tăng trưởng hai con số. Ảnh: Nguyễn Lê

Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để Việt Nam tăng trưởng hai con số. Ảnh: Nguyễn Lê

TS. Trần Đình Thiên lưu ý, mục tiêu không chỉ là tốc độ mà còn là chất lượng tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng hai con số đặt ra trong bối cảnh các cuộc chiến xảy ra tại nhiều khu vực, trong khi Việt Nam là nền kinh tế mở, rủi ro rất lớn. Triển vọng của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang bị thách thức bởi xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Nói về ba động lực tăng trưởng bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, ông Thiên phân tích đầu tư nhìn chung tăng trưởng không thấp nhưng lại có nhiều vấn đề. Đó là, đầu tư tư nhân không chỉ hạn chế về quy mô mà còn mất cân đối về cơ cấu; đầu tư công tăng "chật vật"; vòng quay tiền tệ chậm...

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng thời cơ đang mở ra chưa từng thấy nên quyết không thể bỏ lỡ.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, để phát triển, Việt Nam phải dốc sức, chấp nhận đánh đổi, tạo năng lực mới và tái cấu trúc sâu nền kinh tế.

"Doanh nghiệp không thể nào theo kiểu cũ, mà lực lượng doanh nghiệp cho tương lai cần được nâng tầm chất lượng và ưu tiên tối đa, tạo điều kiện tối đa", ông nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý cần thay đổi cách cải cách, cách đổi mới khi Việt Nam đã trải qua 40 năm Đổi mới. Đổi mới theo phương pháp xin - cho, tức là cá nhân hoặc địa phương nào có sáng kiến thì làm đơn xin được đổi mới, không quy trách nhiệm cho họ.

"Tư duy cải cách phải từ trên xuống, như vậy mới triệt để được", ông Trần Đình Thiên nêu rõ.

Giải pháp đột phá

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% trở lên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng một nền hành chính công dấn thân, liêm chính cùng với việc chuyển đổi mô hình quản trị sang quản trị thích ứng, định hướng sứ mệnh phát triển.

Bên cạnh đó, cần phát huy nội lực, trong đó kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính.

Đồng thời, nâng cao ba cấp độ năng lực, gồm: năng lực thể chế nhà nước về tính chính danh và cam kết phát triển, năng lực chính sách về thiết kế và thực thi đồng bộ và năng lực hành chính chuyên nghiệp, linh hoạt. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nếu thiếu những năng lực này, các cải cách dễ rơi vào tình trạng phân mảnh, ngắn hạn và bị chi phối bởi nhóm lợi ích.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cần từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động, phân bổ nguồn lực. Ông kêu gọi loại bỏ cơ chế “xin - cho”, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các quy định pháp luật chồng chéo, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, quản lý theo kết quả và phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

Cùng với đó, ông Cung đề xuất hình thành các “điểm” thể chế đột phá, như thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao và khu thương mại tự do chuyên ngành, với thể chế vượt trội theo thông lệ quốc tế tốt, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư.

TS. Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài là yếu tố then chốt để tạo đột phá, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.

Theo ông, cần nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục - đào tạo, xây dựng chế độ công vụ theo vị trí việc làm và hoàn thiện thể chế pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-tran-dinh-thien-40-nam-qua-chi-2-nam-viet-nam-dat-tang-truong-9-3-va-9-5-2398687.html