Ông Trần Ngọc Hà bị bắt, nhà máy ôtô VEAM hoành tráng ngập trong thua lỗ

Từ một nhà máy hiện đại, được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, không chỉ đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, nhưng vì đâu mà đến nay VEAM đang ngập trong thua lỗ và khó khăn?

Vào năm 2000, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự định đầu tư 1 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hóa, với số vốn khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó điều chỉnh lại bằng việc mua nguyên một nhà máy cũ của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).

Từ nhà máy ô tô hiện đại

Tập đoàn Samsung có 2 nhà máy sản xuất ô tô con và ô tô tải, đặt tại Hàn Quốc, hoạt động từ 1996 và ngừng vào tháng 10/2000 vì khủng hoảng tài chính (năm 1997). Samsung quyết định bán cả 2 nhà máy để trả nợ. Toàn bộ nhà máy sản xuất ô tô con được bán cho cho hãng Reunault (Pháp), còn nhà máy sản xuất ô tô tải bán cho VEAM vào đầu năm 2004.

Nhà máy sản xuất ô tô tải Samsung được đầu tư bài bản, với sự chuyển giao công nghệ của công ty Nissan Motor Nhật Bản, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD, đã từng sản xuất xe tải nhẹ và xe tải nặng xuất khẩu. Nhà máy có Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) với các phòng thí nghiệm ô tô, động cơ ô tô, sức bền vật liệu,... và các dây chuyền sản xuất chính như sơn tĩnh điện, sơn phủ; hàn ca bin; lắp ráp động cơ xe tải nhẹ và xe tải nặng; lắp ráp hộp số; lắp nội thất xe; dây chuyền dập chi tiết thân xe,...

VEAM mua được cả nhà máy ô tô đồng bộ, hiện đại với chi phí thấp.

VEAM mua được cả nhà máy ô tô đồng bộ, hiện đại với chi phí thấp.

Đánh giá chung của các nhà chuyên môn khi đó đều cho rằng, nhà máy sản xuất ô tô tải Samsung được đầu tư đồng bộ và rất hiện đại. Tất cả thiết bị của nhà máy đều được chế tạo vào những năm 1995, 1996, 1998... tại Nhật, các nước G7 và Hàn Quốc, đảm bảo sản xuất được các xe tải nhẹ và nặng đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Qua các thông tin có được, từ cuối năm 2002, VEAM đã bắt đầu nghiên cứu việc mua lại nhà máy này, đến 1/3/2004 đã nộp hồ sơ dự thầu và cuối cùng thắng thầu. Tổng giá trị khoảng 30 triệu USD, tương đương với khoảng 600 tỷ đồng khi đó, tính cả chi phí tháo dỡ, vận chuyển về nước,...

Ngày 18/7/2004, VEAM tiến hành lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Dự kiến sau 18 tháng tháo dỡ tại Hàn Quốc, chuyển về Việt Nam lắp ráp, nhà máy sẽ hoàn tất và đi vào sản xuất.

Các sản phẩm của nhà máy gồm xe tải nhẹ (dưới 1 tấn) công suất 25.000 xe/năm, dựa trên công nghệ gốc của Samsung; xe tải trung và nặng (dưới 10 tấn) 5.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Daewoo và Nga; xe khách 3.000 xe/năm, dựa trên chuyển giao công nghệ của Yutong (Trung Quốc).

Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, có ý kiến ca ngợi rằng: Đây là nhà máy sản xuất ô tô bài bản nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay do DN trong nước tự đầu tư; một dự án điểm nằm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến 2020. Việc thắng thầu quốc tế là thành công lớn của VEAM, là cơ hội để Việt Nam có được nhà máy sản xuất ô tô với giá thấp, nhưng hiệu quả cao.

Đến ngập trong khó khăn

Theo dự kiến, Nhà máy ô tô VEAM sẽ đi vào hoạt động sau 18 tháng tháo dỡ, vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam lắp đặt. Ban đầu ô tô xuất xưởng sẽ có tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%. Giá bán xe sẽ thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước. Khi tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì giá xe sẽ giảm xuống. Sau 7 năm sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70%, sẽ có 3 lần giảm giá xe.

Tuy nhiên, ngay sau đó mọi chuyện đã trục trặc. Do gặp nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, cũng như những yếu tố không tương thích về hạ tầng sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thời gian hoàn thành nhà máy kéo dài hết năm này qua năm khác. Có lẽ, đầu tư cho 1 nhà máy mới cũng không mất nhiều thời gian đến vậy.

 VEAM đang ngập trong thua lỗ và khó khăn

VEAM đang ngập trong thua lỗ và khó khăn

Phải đến cuối 9/2009, sau hơn 5 năm, tính từ ngày khởi công, Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa mới xuất xưởng chiếc xe đầu tiên. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010 đạt sản lượng khoảng 2.500 xe các loại, lộ trình đến năm 2018, sẽ đạt 100% công suất với 33.000 xe/năm và phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.

Ông Trần Ngọc Hà, khi đó là Phó tổng giám đốc VEAM kiêm Giám đốc Nhà máy ô tô, cho biết, mục tiêu là khi phát triển lớn mạnh hơn, nhà máy sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ ở địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với mong muốn. Kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy ô tô VEAM chỉ đạt sản lượng 3.000 xe các loại/năm. Trong khi đó, theo tính toán phải đạt 15.000 xe/năm mới có hiệu quả. Chính vì vậy mà cứ lỗ dài và hàng năm vẫn phải nhận tiền từ VEAM để duy trì hoạt động.

Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương đầu năm 2019 cho thấy, đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm 31/12/2018 là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ 2017 trở về trước là 2.355 và xe sản xuất từ 2015 về trước là 219 xe.

Các ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là VEAM không có đối tác và sản phẩm chủ đạo, phát triển dàn trải, không phù hợp với thị trường nên không bán được.

Trong số các sản phẩm của VEAM, chỉ có các loại xe thương hiệu Hyundai lắp ráp đã được tiêu thụ gần hết, tính đến thời điểm 31/12/2018. Các xe này được đánh giá là có lợi nhuận tương đối tốt. Còn lại xe không mang thương hiệu Hyundai đều bán chậm, tồn kho nhiều và lỗ. Đặc biệt là xe thương hiệu VEAM, được lắp từ các cụm linh kiện khác nhau, của nhiều nhà cung cấp, không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ, tồn kho chiếm phần lớn.

Tỷ lệ nội địa hóa cũng không đạt như kế hoạch ban đầu. Các xe tải chỉ có thùng xe và các chi tiết như xăm lốp, ắc quy,... được sản xuất trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Tại Đại hội cổ đông năm 2019 diễn ra mới đây, lãnh đạo VEAM thừa nhận: “Hoạt động của Nhà máy ô tô VEAM gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 rất lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng vốn không hiệu quả”.

Tồn kho sản phẩm đến nay có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, có nguy cơ mất vốn rất lớn do xe sản xuất từ lâu, đã lỗi thời và hư hại. Việc phát triển xe tiêu chuẩn Euro 4 như đã nói, đến nay vẫn chưa định hình ổn định, trong khi nhiều DN khác đã cho ra đời sản phẩm này và bán trên thị trường. Vì vậy, tương lai của nhà máy rất mịt mờ.

Từ một nhà máy hiện đại, được hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng, không chỉ đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại sự phát triển cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, nhưng đến nay đang ngập trong thua lỗ và khó khăn.

Nếu không được tiếp tục rót vốn chắc khó tồn tại, nhưng càng rót vốn thì nguy cơ thua lỗ càng lớn, không biết có thu hồi được không.

Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/nha-may-o-to-veam-hien-dai-mot-thoi-ngap-trong-thua-lo-vi-dau-556264.html