Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bộ Công an cáo buộc ông Quyết đã tăng vốn điều lệ khống của Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng rồi bán toàn bộ cổ phiếu, thu về hơn 6.400 tỷ đồng.

Tối 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhà chức trách cũng khởi tố bổ sung tội danh trên đối với bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS, Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC).

Ngoài ra, 2 em gái của ông Quyết gồm Trịnh Thị Thúy Nga (cựu thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC cùng bị khởi tố bổ sung về tội danh trên. Nhóm bị can này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

 Hai bị can Trịnh Văn Quyết và Hương Trần Kiều Dung.

Hai bị can Trịnh Văn Quyết và Hương Trần Kiều Dung.

Theo điều tra, từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quyết và 3 bị can trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do bị can Quyết nhờ dựng tên). Sau đó, các bị can thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trước đó, hồi tháng 3 và tháng 4, Bộ Công an khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và các bị can Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng 2 lãnh đạo FLC là Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh để làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Quyết về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Theo điều tra, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán tập đoàn) liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Quyết, bị can Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty. Các bị can còn mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán.

Theo cáo buộc, ông Quyết và các bị can đã thực hiện hành vi thao túng nhằm đẩy giá chứng khoán FLC lên giá "trần" cao nhất. Sau đó, ông Quyết tiếp tục chỉ đạo nhiều người khác đặt lệnh bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định các bị can liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán. Các mã chứng khoán này gồm: Mã FLC của Tập đoàn FLC; mã ROS của Công ty CP Xây dựng FAROS; mã ART của Công ty CP Chứng khoán BOS; mã HAI của Công ty CP Nông dược HAI; mã AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và mã GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Bộ Công an cho rằng thông qua hành vi trên, các bị can đã thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Khám xét trụ sở FLC đến nửa đêm 1h ngày 30/3, công tác khám xét trụ sở của Tập đoàn FLC hoàn tất. Nhiều xe của Bộ Công an rời hiện trường cùng nhiều thùng tài liệu thu giữ được.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-trinh-van-quyet-bi-khoi-to-them-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-post1349159.html