Ông 'trùm' từ Mỹ chỉ đạo qua nhóm chat kín, chuyển hàng ngàn tỉ trái phép
Mặc dù cư trú tại Mỹ, Trịnh Tiến Dũng thông qua các nhóm chat phần mềm Whats App đã điều hành thành lập các công ty ma, khống hàng hóa và vận chuyển trái phép tiền tệ trị giá hàng ngàn tỉ đồng qua biên giới
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu phó cục trưởng Cục thuế TP HCM cùng 66 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House). Ngoài bị can Hạnh còn 17 cựu là lãnh đạo, cán bộ của Cục thuế TP HCM và 7 người thuộc Cục hải quan TP HCM.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng còn cáo buộc Trịnh Tiến Dũng (đang bỏ trốn, bị truy nã quốc tế) cầm đầu 23 bị can khác trong đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, buôn lậu… Từ năm 2016 - 2020, Dũng thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm. Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông, Malaysia, Các tiểu Vương quốc Ả rập, Dũng sử dụng các pháp nhân như Công ty Lams, Avi, Fomula, Rothady…
Tại Việt Nam, Dũng thuê người dùng chứng minh nhân dân để lập công ty. Sau đó, Dũng chỉ đạo các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa bán hàng nhằm chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam; Hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.
Để tạo nguồn hàng xuất khẩu, Dũng chỉ đạo làm giả linh kiện điện tử (ram, chip) rồi vận chuyển đến Campuchia hoặc Hồng Kông (Trung Quốc) rồi quay vòng về Việt Nam (gửi lẫn với hàng hóa khác hoặc thuê xe khách vận chuyển đường bộ).
Mặc dù cư trú tại Mỹ từ năm 2019 song Dũng điều hành toàn bộ hoạt động ở Việt Nam thông qua các nhóm chat phần mềm Whats App để trao đổi về việc thành lập các công ty "ma", khống hàng hóa cũng như vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong vụ án này, các đối tượng vận chuyển trái phép hàng ngàn tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam.
Hồ sơ thể hiện, Dũng chỉ đạo 18 công ty ở Việt Nam ký hợp đồng mua CD Rom chứa phần mềm Adobe giả từ 7 công ty của Dũng ở nước ngoài. Ngoài ra, Dũng dùng 14 công ty ở Việt Nam để kí hợp đồng bán hàng hóa gồm ram, chip, tranh gỗ cho 6 công ty nước ngoài mục đích tạo dòng tiền cho các công ty. Dũng thu phí dịch vụ chuyển tiền từ 0,8-1,2% trên số tiền cần chuyển…
Cáo trạng xác định, Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép 1.205 tỉ đồng (hơn 51,6 triệu USD) từ Việt Nam ra nước ngoài. Với số tiền này, Dũng chuyển 10,2 triệu USD là tiền dịch vụ cho các khách hàng cá nhân để thu phí chuyển tiền; chuyển 12,8 triệu USD về Việt Nam thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu chip, ram; chi tiêu cá nhân…
Cơ quan tố tụng cho biết, Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế của Interpol nhưng đến nay chưa có kết quả.
Do đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an quyết định tách các vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép hàng hóa; tiền tệ qua biên giới; buôn lậu; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức và một số sai phạm khác liên quan đến Trịnh Tiến Dũng. Qua đó, cơ quan chức năng cũng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được Trịnh Tiến Dũng sẽ phục hồi điều tra và xử lý.