Ông Trump: Đàm phán thương mại với EU 'khó chịu' hơn với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) khi cho rằng họ 'khó chịu hơn Trung Quốc' trong việc đàm phán thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 12/5: "Liên minh châu Âu ở nhiều khía cạnh còn khó chịu hơn Trung Quốc. Họ đối xử với chúng tôi rất bất công. Họ bán cho chúng tôi 13 triệu chiếc ô tô, trong khi chúng tôi không bán được cho họ chiếc nào. Họ cũng bán cho chúng tôi nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhưng chúng tôi thì không. Họ thậm chí còn liên tục khởi kiện tập đoàn của Mỹ như Apple, Google và Meta".
Tổng thống Trump khẳng định EU sẽ phải "xuống nước" trong thời gian tới, vì Mỹ đang "nắm giữ tất cả lá bài" để đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Cùng với đó, ông Trump tuyên bố EU đáng trách và phải chịu trách nhiệm một phần về việc người dân Mỹ đang phải mua thuốc với giá cao. Theo tổng thống Trump, Brussels gây áp lực không công bằng lên nhiều công ty dược phẩm để giữ giá thấp ở châu Âu và từ chối chia sẻ chi phí nghiên cứu, phát triển cùng các chi phí liên quan khác.
Ông Trump nhấn mạnh: "Châu Âu sẽ phải trả giá nhiều hơn một chút và nước Mỹ sẽ trả ít hơn rất nhiều".
Hồi đầu tháng 4, Washington áp đặt mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa của EU và mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu ô tô, kim loại. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn 90 ngày đối với hầu hết khoản thuế thương mại, mức thuế cơ bản 10%, nhưng mức thuế 25% nêu trên vẫn có hiệu lực cho đến khi đạt thỏa thuận.
Cùng thời điểm, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các công ty dược phẩm có 30 ngày để tình nguyện giảm giá thuốc kê đơn tại Mỹ. Nếu không các công ty sẽ phải đối mặt với các giới hạn mới về mức giá mà chính phủ liên bang sẵn sàng chi trả.
Sắc lệnh giao Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. đàm phán lại giá thuốc với các hãng dược trong vòng một tháng. Nếu các thỏa thuận không đạt được, ông Kennedy sẽ phải xây dựng quy định mới, gắn giá thuốc của Mỹ với mức giá thấp hơn mà các quốc gia khác đang trả.
Hiện tại, chưa rõ sắc lệnh sẽ ảnh hưởng thế nào đến hàng triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế tư nhân, vì chính phủ liên bang chủ yếu chi phối giá thuốc thông qua các chương trình Medicare và Medicaid.