Tín hiệu lạnh từ Mỹ khi ông Trump bỏ qua Israel trong chuyến công du Trung Đông
Việc ông Trump bỏ qua điểm dừng chân Israel trong chuyến công du Trung Đông tuần này có thể là một tín hiệu không mấy khả quan đối với Tel Aviv.
Điểm dừng chân đầu tiên là Riyadh.
Chỉ vài tháng sau trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ đặt chân đến thủ đô của Saudi Arabia, khởi đầu một hành trình ngoại giao được xem là nỗ lực nối lại và làm mới mối quan hệ giữa Washington với thế giới Arab. Sau đó, đoàn đến một thủ đô Trung Đông khác, nơi nhà lãnh đạo Mỹ có bài phát biểu được chờ đợi từ lâu, vạch ra một tầm nhìn hoàn toàn mới cho toàn khu vực.
Điều đáng chú ý là ông Trump dường như đã bỏ qua điểm dừng Tel Aviv. Trong chuyến công du Trung Đông hồi năm 2009, Tổng thống Barack Obama khi ấy cũng né tránh điểm dừng này và không gặp mặt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Giới quan sát gọi xem đây là một tín hiệu “lạnh” từ Nhà Trắng, khởi đầu cho một giai đoạn căng thẳng và đầy hoài nghi trong quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Israel, đặc biệt là giữa ông Obama và vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Tel Aviv Netanyahu.

Ông Obama. Ảnh: Reuters
Mười sáu năm sau, một tổng thống Mỹ khác lên đường đến Trung Đông. Và lần này, "con voi trong phòng" – hình ảnh ẩn dụ cho một vấn đề không ai muốn nhắc tới, lại hiện diện rõ ràng rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo dự kiến, Tổng thống Trump sẽ tới Riyadh vào ngày 13/5, trước khi tiếp tục hành trình đến Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Israel, một lần nữa, không xuất hiện trong lịch trình.
Nhà Trắng mô tả chuyến đi là "một sự trở lại lịch sử tại Trung Đông", với lời hứa về "một tầm nhìn chung cho sự ổn định, những cơ hội và sự tôn trọng lẫn nhau". Tuy nhiên, sau hàng loạt động thái bất ngờ từ phía ông chủ Nhà Trắng, nhiều quan chức Israel e ngại rằng một "cú sốc" khác đang chực chờ.
“Không có kết quả rõ ràng, ông Trump sẽ không đến Israel”
Theo một nguồn tin thân cận, các quan chức Israel đã không ít lần dò hỏi về khả năng Tổng thống Trump sẽ dừng chân tại Jerusalem hoặc Tel Aviv trong hành trình Trung Đông lần này. Nhưng tuần trước, Tổng thống Trump đã dập tắt tia tia hy vọng đó bằng một lời từ chối dứt khoát.
"Chúng tôi sẽ làm điều này vào một thời điểm nào đó", ông Trump nói. "Nhưng không phải cho chuyến đi này".
Có lẽ Tổng thống Trump đã cân nhắc việc bổ sung Israel vào lịch trình Trung Đông của mình, nếu như ông có thể công bố một thành tựu rõ rệt nào đó: một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, một sáng kiến viện trợ nhân đạo quy mô lớn hay ít nhất là một cử chỉ biểu tượng mang tính chiến thắng. Nhưng với việc Israel đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, viễn cảnh đạt được bất kỳ đột phá ngoại giao nào càng trở nên xa vời. Ngay cả khi một con tin mang quốc tịch Mỹ - Edan Alexander được thả vào ngày 12/5, điều đó vẫn chưa đủ để thay đổi thực tế rằng cuộc xung đột ở Gaza còn rất lâu mới chạm tới điểm kết.
“Không có kết quả rõ ràng, ông ấy sẽ không đến Israel”, CNN dẫn một nguồn thạo tin cho biết.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu – nguyên thủ của một quốc gia đầu tiên từng đến thăm Nhà Trắng trong lần tại nhiệm thứ hai của ông Trump, giờ đây lại cảm thấy không chắc chắn về tương lai quan hệ Mỹ-Israel. Trong lần gặp gần nhất, vào tháng 4/2025, ông Netanyahu trở lại Nhà Trắng với kỳ vọng khởi động một thỏa thuận thương mại mới sau khi ông Trump công bố chính sách thuế quan toàn diện. Nhưng nhà lãnh đạo Israel đã rời đi mà không có gì trong tay, ngoại trừ một mối lo mới: tuyên bố gây sốc của Trump rằng ông sẽ mở đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với đối thủ Iran.
Theo nhà ngoại giao Israel đã nghỉ hưu, ông Alon Pinkas, điều đáng lo nhất với ông Netanyahu lúc này là việc ông không còn có đòn bẩy nào ở Washington.
“Hiện Israel không thể mang lại cho ông Trump bất kỳ thứ gì mà ông ấy muốn, khác với Saudi Arabia, Qatar hay các Tiểu vương quốc Arab thống nhất”, ông Pinkas chia sẻ với CNN.
Các quốc gia Arab vùng Vịnh đang rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, cam kết mua các hệ thống vũ khí tối tân và ký các thỏa thuận đầu tư khổng lồ. Tất cả đều có thể được ông Trump quảng bá như những chiến thắng mang đậm dấu ấn “nước Mỹ trên hết”, đặc biệt trong bối cảnh ông đang định hình lại chính sách công nghiệp và thương mại Mỹ với thế giới.
Còn Thủ tướng Netanyahu, dù từng là một trong những tiếng nói ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất, giờ đây dường như lại đứng bên lề, với rất ít lá bài để chơi.
“Ông ấy không có gì cả trong tay cả”, ông Pinkas nói.

Ông Trump (trái) và ông Netanyahu (phải). Ảnh: Reuters
Chính sách bất ngờ
Khi chuyến công du của Tổng thống Trump đến Trung Đông bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, không khí tại Jerusalem dường như nặng nề hơn từng ngày.
Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi trước ngày khởi hành, ông Trump đã đưa ra hàng loạt quyết định khiến Tel Aviv không khỏi lo ngại. Ông Trump đã khơi lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, mà không loại trừ khả năng để Tehran giữ lại một phần chương trình hạt nhân dân sự – điều từng là “lằn ranh đỏ” đối với Israel. Tổng thống Mỹ cũng đồng ý ngừng bắn với phiến quân Houthi ở Yemen mà không kèm theo cam kết ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng này vào lãnh thổ Israel. Và theo một tiết lộ từ Reuters, ông chủ Nhà Trắng thậm chí không còn buộc Saudi Arabia phải bình thường hóa quan hệ với Israel như điều kiện tiên quyết để Mỹ hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự của Riyadh. Đây được xem là một sự đảo ngược đáng kể trong chiến lược Trung Đông từng được đưa ra dưới nhiệm kỳ đầu tiên của chính ông.
Tuy nhiên, cú sốc thực sự đến vào cuối tuần qua, khi chính quyền Trump ký một thỏa thuận với Hamas để giải cứu con tin người Mỹ Edan Alexander đang bị giam giữ Gaza, mà không tham vấn công khai với Israel. Tổng thống Trump ca ngợi đây là “bước đầu tiên để chấm dứt cuộc chiến vô cùng tàn khốc này và đưa tất cả con tin còn sống và hài cốt về với gia đình họ”. Các quan chức Israel giờ đây lo ngại điều mà vài năm trước họ còn khó tưởng tượng: một tuần họp mặt giữa Trump và các lãnh đạo vùng Vịnh – những người đã công khai chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza, có thể là sự khởi đầu cho một cách tiếp cận hoàn toàn mới, nơi tiếng nói của Israel không còn có sức nặng như trước
Một nguồn tin thạo tin tiết lộ rằng trước chuyến đi, Washington đã tăng cường gây sức ép lên Ai Cập và Qatar nhằm buộc Hamas nhượng bộ, đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài và các gói viện trợ nhân đạo. Thỏa thuận giải cứu con tin Edan Alexander chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo một nguồn tin khác, thỏa thuận này có thể mở ra “các cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức” – một chiến lược hòa bình mà ông Trump dường như đang theo đuổi nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột đã kéo dài gần 2 năm ở Gaza.
Dù một thỏa thuận hòa bình toàn diện vẫn còn xa vời, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần khẳng định đó là mục tiêu cuối cùng.
“Hy vọng đây là bước đầu tiên trong những bước đi cuối cùng cần thiết để kết thúc cuộc xung đột tàn khốc này”, ông Trump viết trên trang cá nhân hôm 12/5.
Đối với ông Netanyahu, việc ưu tiên tiêu diệt Hamas có thể đặt Israel vào thế đối đầu với Mỹ. CNN dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, nếu Hamas tỏ dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ, Mỹ sẽ không ngần ngại gây áp lực lên Israel để chấp nhận thỏa thuận.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều nghi ngờ lớn về việc liệu thủ lĩnh Hamas ở Gaza, ông Mohammad Sinwar, có đồng ý với một thỏa thuận hạn chế hay không. Điều nghịch lý, theo các nhà quan sát, là Hamas, trong những ngày gần đây, dường như hiểu ông Trump hơn cả đồng minh Israel.
“Trong bối cảnh hiện nay, giữa hai Mỹ và Israel cần phải tuân thủ một quy tắc: không được gây bất ngờ”, ông Dan Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel và hiện là thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, chia sẻ.
“Nếu điều đó bị phá vỡ, lòng tin – thứ tối quan trọng cho một mối quan hệ đối tác như thế này sẽ sụp đổ và sụp đổ rất nhanh”, ông Shapiro nhấn mạnh.
Với bối cảnh ấy, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ đến Trung Đông không đơn thuần là chuỗi hoạt động ngoại giao. Đó là phép thử cho chính sách ngoại giao mới của của ông Trump và cũng là hồi chuông cảnh báo đối với Israel, rằng mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai quốc gia không còn là điều bất biến trong thế giới tái định hình của ông Trump.