Ông Trump đặt mục tiêu hoàn tất 'Vòm vàng' trị giá 175 tỉ USD trong 3 năm
Tại Phòng Bầu dục hôm 20.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự hiện diện của các tướng lĩnh quân đội và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đã công bố những thông tin chi tiết mới về dự án lá chắn tên lửa Golden Dome (Vòm vàng).
Theo Defense News, đây là một trong những sáng kiến quốc phòng then chốt của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2, với tổng kinh phí dự kiến lên tới 175 tỉ USD và mục tiêu hoàn thành trong vòng 3 năm.
“Tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã chính thức lựa chọn kiến trúc cho hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này. Hệ thống sẽ bao gồm các công nghệ tiên tiến hoạt động trên đất liền, trên biển và ngoài không gian từ cảm biến cho tới các tên lửa đánh chặn quỹ đạo. Khi hoàn thiện, Golden Dome sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa từ bất kỳ đâu trên thế giới, kể cả khi được phóng từ không gian. Và chúng ta sẽ có hệ thống tốt nhất từng được chế tạo”, ông Trump cho hay.

Mỹ muốn xây dựng hệ thống phòng thủ Golden Dome tương tự Iron Dome của Israel - Ảnh: AFP
Đồng thời, Tổng thống Mỹ thông báo đã chỉ định tướng Michael Guetlein, Phó chỉ huy Lực lượng không gian, làm người giám sát chính dự án. Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump đã biến Golden Dome thành một trong những trọng tâm quốc phòng.
Tướng Guetlein từng lãnh đạo Bộ Tư lệnh hệ thống không gian, đơn vị chịu trách nhiệm chính về mua sắm và phát triển hệ thống, nơi ông giúp cải tổ quy trình mua sắm vốn được đánh giá là phức tạp. Trước đó, ông từng giữ chức phó chỉ huy tại Văn phòng trinh sát quốc gia và là giám đốc chương trình tại Cơ quan phòng thủ tên lửa. Đây là hai cơ quan sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng kiến trúc Golden Dome.
“Tôi rất biết ơn sự tin tưởng mà ngài tổng thống đã dành cho tôi và đội ngũ của chúng tôi để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hôm nay là một ngày đáng nhớ đối với nước Mỹ”, Guetlein phát biểu.
Từ ý tưởng đến kế hoạch triển khai
Ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu đánh giá kiến trúc cho một hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp trong vòng 60 ngày. Dự án được định hình để kết hợp giữa các hệ thống đánh chặn mặt đất, trên không và ngoài không gian, có khả năng ứng phó với nhiều mối đe dọa từ vũ khí cỡ nhỏ cho đến tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh.
Hiện tại, các hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa của Mỹ chủ yếu nhằm vào các mối đe dọa từ những quốc gia được coi là bất ổn như Triều Tiên và Iran. Theo ông Trump, Golden Dome sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ để bao gồm cả những đối thủ có năng lực quân sự tương đương như Trung Quốc và Nga.
Ngoài việc đề cập đến chi phí và thời hạn, ông Trump còn khẳng định Canada đã ký kết tham gia dự án, nhưng không cung cấp thêm thông tin về vai trò cụ thể của quốc gia láng giềng. Việc có thêm các đồng minh tham gia sẽ giúp Golden Dome trở thành một mạng lưới phòng thủ đa quốc gia, mở rộng phạm vi bảo vệ không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho các đối tác chiến lược.
Tuy vậy, Tổng thống Trump không tiết lộ chi tiết cụ thể về thiết kế hay phương pháp triển khai hệ thống. Ông chỉ đề cập đến khả năng sử dụng tên lửa đánh chặn siêu thanh và thiết bị đánh chặn không gian, những công nghệ vẫn đang trong quá trình phát triển.
Sự ủng hộ từ quốc hội Mỹ
Dự án Golden Dome nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Vào tháng 2, thượng nghị sĩ Dan Sullivan (bang Alaska) và Kevin Cramer (North Dakota) đã có mặt tại sự kiện Phòng Bầu dục để đề xuất đạo luật Golden Dome, với ngân sách 19,5 tỉ USD cho năm tài chính 2026.
Dự luật này cũng bao gồm các đề xuất như bổ sung hệ thống Aegis Ashore vào lãnh thổ Mỹ - hiện đang được triển khai tại Romania và Ba Lan; sử dụng khinh khí cầu để phát hiện các mối đe dọa tên lửa phức tạp; mở rộng hệ thống Phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) tại Fort Greely, Alaska với việc tích hợp các thiết bị đánh chặn thế hệ mới; xây dựng một cơ sở đánh chặn mới tại khu vực Bờ Đông nước Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện cũng đã phân bổ 25 tỉ USD cho dự án trong gói ngân sách năm tài chính 2025, con số được ông Trump đề cập và xác nhận trong bài phát biểu.
Khi được hỏi về khả năng quốc hội sẽ tài trợ toàn bộ 175 tỉ USD như đề xuất, ông Trump tỏ ra lạc quan. “Thật đáng kinh ngạc khi khoản tài trợ này được chấp thuận dễ dàng đến vậy. Khi chúng ta nói rằng mình đang bảo vệ sinh mạng trong một thế giới đầy bất ổn, thì rất dễ để nhận được sự ủng hộ”, ông nói.
Triển vọng sản xuất trong nước
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng toàn bộ hệ thống Golden Dome sẽ được sản xuất tại Mỹ, mặc dù chưa xác nhận liệu các hợp đồng cụ thể đã được ký kết hay chưa.
Thượng nghị sĩ Jim Banks (Indiana) đã đề cập đến công ty L3Harris, trụ sở tại bang quê nhà của ông, hiện đang tham gia phát triển kiến trúc cảm biến ngoài không gian, một phần trong các hệ thống giám sát tên lửa tiên tiến.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Sullivan cũng nhắc đến Lockheed Martin và RTX (tên mới của Raytheon Technologies) - hai công ty hiện đang phát triển tên lửa đánh chặn mặt đất. Lockheed đã giành được hợp đồng vào năm ngoái để chế tạo thế hệ tên lửa mới thay thế các hệ thống hiện tại.
“Chúng tôi vừa gặp gỡ một số công ty quan tâm đến dự án này. Ngành công nghệ quốc phòng của chúng ta là vượt trội so với bất kỳ nơi nào trên thế giới và họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực lần này”, ông Sullivan cho biết. Ông cũng lưu ý rằng dự án có thể thu hút sự tham gia của nhiều nhà thầu quốc phòng phi truyền thống, mở rộng cơ hội hợp tác ra ngoài phạm vi các tập đoàn lớn quen thuộc.
Những thách thức về mặt công nghệ
Cam kết triển khai hệ thống Golden Dome trong vòng 3 năm là một mục tiêu đầy thách thức, trong bối cảnh nhiều thành phần kỹ thuật chủ chốt vẫn chưa hoàn thiện.
Ví dụ, các tên lửa đánh chặn hoạt động trong không gian, một phần cốt lõi của kiến trúc Golden Dome, hiện chưa được phát triển đầy đủ. Trong khi đó, các vũ khí đánh chặn siêu thanh cũng chưa được kỳ vọng sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng trước giữa thập niên 2030.
Dù vậy, một số thành phần khác của hệ thống đã trong quá trình triển khai. Điển hình là lớp cảm biến và hệ thống theo dõi tên lửa tầm cao đặt ngoài không gian của Cơ quan phát triển không gian Mỹ. Những năng lực này hiện đang được lực lượng không gian và Cơ quan phòng thủ tên lửa phát triển, và có thể tích hợp vào Golden Dome trong tương lai.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome của Mỹ, được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 20.5.2025, là một dự án tham vọng trị giá 175 tỉ USD, lấy cảm hứng từ Iron Dome của Israel. Golden Dome có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, sử dụng mạng lưới vệ tinh và công nghệ laser tiên tiến. Hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa từ đất liền, biển, không trung và cả không gian, với mục tiêu vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa toàn cầu.
Dự án Golden Dome thể hiện tham vọng rõ ràng của Tổng thống Trump trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện và hiện đại, phù hợp với bối cảnh an ninh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.