Ông Trump định hình lại Trung Đông bằng cách gần gũi với kẻ thù của Israel

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang định hình lại Trung Đông bằng cách xích lại gần hơn với những kẻ thù lâu năm của Israel, khiến những người chỉ trích cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, một đồng minh quan trọng, đã bị gạt sang một bên.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Amiri Diwan ở Doha, Qatar, ngày 14/5/2025. Ảnh: AP.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Amiri Diwan ở Doha, Qatar, ngày 14/5/2025. Ảnh: AP.

Donald Trump đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Houthi ở Yemen, làm trung gian cho thỏa thuận con tin với Hamas, xích gần Qatar, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, ca ngợi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và mở các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran - tất cả đều không có sự tham gia của Israel.

Những động thái gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu nguy cơ rạn nứt với Israel, một đồng minh quan trọng và là một trong những người ủng hộ Donald Trump mạnh mẽ nhất, đồng thời đặt ra câu hỏi về mức độ hỗ trợ của Mỹ đối với Israel trong nhiều thập kỷ.

Netanyahu, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Donald Trump tại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, đã bị loại khỏi các cuộc họp cấp cao khi Donald Trump lên đường thực hiện chuyến công du Trung Đông mà không ghé thăm Israel.

Đàm phán với các nhóm tấn công Israel

Mỹ đã đảm bảo việc thả con tin cuối cùng còn lại ở Gaza thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Hamas lần thứ hai. Một tuần trước đó, Donald Trump đã quyết định dừng các cuộc không kích nhắm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen để đổi lấy việc họ ngừng các cuộc tấn công vào Mỹ, vài ngày sau cuộc tấn công bằng tên lửa của họ gần sân bay Ben Gurion của Tel Aviv. Thỏa thuận này không ngăn cản họ tấn công Israel.

Đẩy mạnh ngoại giao với Iran

Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy một thỏa thuận mới với Tehran để hạn chế chương trình hạt nhân của Inước này, đồng thời khẳng định ông thích ngoại giao hơn là hành động quân sự mà Israel thường ca ngợi. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã cáo buộc Israel và các nhóm lợi ích đồng minh cố gắng phá hoại các cuộc đàm phán.

Donald Trump cho biết Iran đã loại trừ một thỏa thuận với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này, một thỏa thuận mà ông hy vọng sẽ đảm bảo “hòa bình lâu dài”.

Ca ngợi các đối thủ của Israel

Theo Axios, trong cuộc gặp với Netanyahu vào tháng 4, Donald Trump đã gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của Israel, là “rất thông minh”.

Tuần này tại Riyadh, Donald Trump đã gặp và khen ngợi Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, một cựu chiến binh thánh chiến, tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với quốc gia mà Israel vẫn coi là mối đe dọa ngay cả khi nước này không còn là cầu nối cho ảnh hưởng của Iran như dưới thời cựu Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã đảm bảo cam kết kinh tế trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la tại Qatar, trong khi chính quyền của ông đang tích cực tham gia với chính phủ Qatar trong các cuộc đàm phán giữa Hamas và Israel.

Căng thẳng giữa Israel và Qatar bùng phát do mối quan hệ giữa Qatar với Hamas và cáo buộc “Qatargate” rằng một số cố vấn của Netanyahu nằm trong danh sách trả lương của quốc gia vùng Vịnh này để gia tăng ảnh hưởng của mình.

Đồng minh chiến lược, khác biệt chiến thuật

Tuy nhiên hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump từ bỏ Israel. Trong khi ông bỏ qua Israel trong chuyến công du Trung Đông, lời lẽ của ông vẫn gần gũi với chính sách đối ngoại của Israel, đặc biệt là về Iran, tái khẳng định Iran phải từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông cũng nhắc lại khả năng tấn công Houthi khi ở Qatar, theo Al-Arabiya News. Nhóm này vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Israel và nhắm vào sân bay Ben Gurion.

Các cuộc đàm phán trực tiếp với Hamas không dẫn đến quyết định đơn phương của Mỹ gây sức ép với Israel về Gaza, bao gồm cả lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo. Trong khi Donald Trump lên tiếng thông cảm với dân thường và mong muốn chấm dứt xung đột, Washington vẫn đổ lỗi cho Hamas về cuộc chiến bắt đầu khi họ tấn công Israel vào tháng 10/2023.

Hamas muốn đưa ngay viện trợ nhân đạo vào Gaza và lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, đồng thời chỉ trích việc không đáp ứng được những kỳ vọng đó, cảnh báo điều này có thể làm trì hoãn các cuộc đàm phán trong tương lai. Nhưng Israel vẫn muốn tiêu diệt Hamas cũng như đảm bảo trả tự do cho các con tin còn lại bị nhóm này bắt giữ.

Donald Trump và chính quyền của ông cũng đang thúc đẩy nhiều quốc gia Ả Rập ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel.

Vào tháng 3, Netanyahu phát biểu: "Trong chuyến thăm Washington, tôi đã nói Donald Trump là người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có tại Nhà Trắng. Và Tổng thống Trump thể hiện tình bạn đó mỗi ngày."

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng James Hewitt cho biết: "Israel chưa từng có người bạn nào tốt hơn Tổng thống Trump trong lịch sử. Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đồng minh Israel để đảm bảo các con tin còn lại ở Gaza được giải thoát, Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và tăng cường an ninh khu vực ở Trung Đông."

Trong khi đó, Hellyer tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh cho biết việc Israel không bình thường hóa quan hệ trong khu vực không liên quan đến bất kỳ tổng thống Mỹ nào, dù là Trump hay Biden, mà liên quan đến chính sách của Israel. Theo ông, Israel đã đẩy mạnh việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine và hiện đang chiếm đóng cả các vùng lãnh thổ của Syria và Lebanon; tất cả đều là những trở ngại cốt lõi đối với mọi nỗ lực cải thiện quan hệ trong khu vực, bất kể chính sách của Mỹ là gì.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ong-trump-dinh-hinh-lai-trung-dong-bang-cach-gan-gui-voi-ke-thu-cua-israel-248914.htm