Qatar chi hàng chục tỷ USD để 'mua ảnh hưởng' tại Mỹ như thế nào?
Thông qua các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào quân đội, giáo dục và vận động hành lang, Qatar đang từng bước củng cố vị thế tại Washington.

Cover
Dù có diện tích chỉ bằng tiểu bang Connecticut của Mỹ, Qatar lại sở hữu một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, trị giá 524 tỷ USD.
Nhờ vào nguồn thu dồi dào từ khí đốt tự nhiên, quốc gia vùng Vịnh này đã trở thành nhân tố quan trọng trong các cuộc đối thoại địa chính trị toàn cầu, trong đó có cả tại Washington.
Từ quốc phòng, giáo dục đến chuyên cơ
Chiến lược “ngoại giao tài chính” của Qatar được triển khai toàn diện tại Mỹ, trải dài từ các khoản tài trợ giáo dục hàng tỷ USD, đầu tư vào các dự án bất động sản, hợp tác quân sự đến các chiến dịch vận động hành lang nhằm ảnh hưởng chính sách.
Một ví dụ gần đây là đề xuất tặng Mỹ chiếc máy bay Boeing 747 trị giá 400 triệu USD, có khả năng được sử dụng làm chuyên cơ Khộng lực Một cho tổng thống.
Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền, Tổng thống Donald Trump hy vọng có thể sử dụng chiếc máy bay Boeing 747 từ Qatar vào cuối năm 2025.
Đề xuất này đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nếu chấp nhận quà tặng từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ các lo ngại và gọi việc từ chối chiếc máy bay là “ngu ngốc”. Ông khẳng định đây là một thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội kiến Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al Thani tại thủ đô Doha hôm 14/5 trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông. Ảnh: Reuters.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Qatar tại Washington, ông Ali Al Ansari, nói: “Các luật sư quân sự từ cả hai phía đang xem xét việc chuyển giao theo hình thức chính phủ với chính phủ”.
Ông Al Ansari cũng nói rằng Qatar không mong đợi nhận được bất cứ điều gì để đổi lại và xem đây là “sự phản ánh của mối quan hệ an ninh bền chặt với Mỹ”.
Đáng chú ý, Qatar từng nhiều lần tặng máy bay sang trọng cho nguyên thủ quốc gia khác, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cố Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh và thậm chí cả chính phủ Iraq dưới thời Saddam Hussein.
Bên cạnh các thỏa thuận mang tính biểu tượng, Qatar còn đầu tư rất mạnh vào hạ tầng quân sự Mỹ. Từ năm 2003, nước này đã chi hơn 8 tỷ USD để xây dựng và duy trì căn cứ không quân Al Udeid, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ và khoảng 10.000 binh sĩ.
Căn cứ này đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch tại Iraq, Afghanistan và hiện vẫn là địa điểm quan trọng trong các hoạt động chống khủng bố. Mỹ đã đồng ý gia hạn hiện diện quân sự tại đây thêm một thập kỷ.

Một sĩ quan quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar. Ảnh: Reuters.
Cùng lúc đó, Qatar trở thành nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất cho các trường đại học Mỹ, với hơn 6 tỷ USD được chuyển qua các hợp đồng và tài trợ từ năm 2009 đến nay, theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Mỹ.
Nhiều khoản tài trợ gắn với việc thành lập các cơ sở vệ tinh tại “thành phố giáo dục” ở Doha – nơi tập trung các trường đại học danh tiếng như Cornell, Georgetown, Northwestern, Texas A&M và Carnegie Mellon.
Tuy nhiên, dòng tiền từ Qatar cũng làm dấy lên nhiều luồng tranh cãi. Trong bối cảnh xung đột Israel–Gaza leo thang, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và chính quyền Trump cáo buộc các khoản tài trợ từ Qatar và các quốc gia Arab khác đã tác động đến cách giảng dạy về Israel tại các trường đại học Mỹ.
Đáp lại, ông Ansari bác bỏ các cáo buộc này và gọi đó là “thông tin sai lệch có chủ ý từ những đối tượng xấu” nhằm làm suy yếu quan hệ song phương và phá hoại vai trò trung gian của Qatar tại Trung Đông.
Vận động hành lang
Song song với đầu tư tài chính, Qatar cũng tăng cường chi tiêu cho các hoạt động vận động hành lang. Theo các tài liệu công bố liên bang, Qatar hiện thuê hơn 18 công ty vận động và truyền thông, với chi phí hơn 6,5 triệu USD trong năm 2024.
Điểm bùng nổ trong hoạt động vận động hành lang của Qatar là vào năm 2017, sau khi các nước láng giềng vùng Vịnh áp đặt lệnh phong tỏa thương mại và hàng không. Qatar ngay lập tức tăng cường quan hệ tại Washington nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược.
Một số nhà vận động thậm chí nhắn tin và gọi điện trực tiếp cho các nhà lập pháp, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Lindsey Graham từ bang South Carolina, để cập nhật tình hình về Gaza và các vấn đề an ninh.
Một nhà vận động nổi bật cho Qatar là bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida. Bà từng làm việc cho một công ty đại diện Qatar với mức phí 115.000 USD mỗi tháng cho đến năm 2020, theo tiết lộ của người phát ngôn.

Cựu Tổng chưởng lý Florida Pam Bondi. Ảnh: Reuters.
Qatar cũng liên đới đến các vụ việc pháp lý gây chú ý, trong đó có trường hợp cựu Thượng nghị sĩ Bob Menendez, bị kết án 11 năm tù vì nhận hối lộ để giúp Qatar chuyển hàng triệu USD đầu tư cho một doanh nhân tại New Jersey.
Một vụ việc khác liên quan đến Viện Brookings, nơi cựu Tướng thủy quân lục chiến John Allen bị điều tra vì vận động hành lang cho Qatar. Ông Allen phủ nhận sai phạm và cho biết mình hành động vì lợi ích của Mỹ. Vụ việc sau đó khép lại mà không có cáo buộc hình sự nào.
Sở dĩ Qatar tích cực tìm kiếm ảnh hưởng quốc tế là do vị trí địa lý đặc biệt: Nằm giữa hai cường quốc khu vực là Arab Saudi và Iran, nước này luôn lo sợ nguy cơ bị "xóa khỏi bản đồ", theo Wall Street Journal.
Để giảm thiểu rủi ro, Qatar đã thực hiện chiến lược “đa phương hóa” quan hệ, đồng thời đầu tư mạnh vào truyền thông như mạng lưới Al Jazeera, hỗ trợ các lực lượng nổi dậy ở Syria và tài trợ cho những quốc gia ít phát triển hơn.
Gần đây, Qatar cũng có dấu hiệu tăng cường quan hệ với gia đình Trump. Một bộ trưởng Qatar đã xuất hiện cùng Eric Trump trong lễ công bố dự án sân golf mang thương hiệu Trump tại Doha, một phần của dự án phát triển bất động sản do nhà nước bảo trợ.
Ngoài ra, quỹ đầu tư của Qatar cũng liên kết với một quỹ của UAE để rót thêm 1,5 tỷ USD vào quỹ đầu tư tư nhân do Jared Kushner, con rể ông Trump, sáng lập. Ông Kushner khẳng định đã nói rõ với các nhà đầu tư rằng họ “không nên mong đợi lợi ích chính trị”.
“Qatar là đối tác an ninh và năng lượng không thể thiếu của Mỹ”, phát ngôn viên Al Ansari nói. “Quan hệ hợp tác với chính quyền Trump rất hiệu quả và nước Mỹ luôn là điểm đến ưu tiên cho các khoản đầu tư của chúng tôi”.