Ông Trump hoãn áp thuế với Trung Quốc, mở ra triển vọng đàm phán
Trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi tạm hoãn áp thuế đối với Trung Quốc và không nhắc đến quốc gia này như một mối đe dọa, dấy lên hy vọng về việc hai cường quốc sẽ xích lại gần nhau để tìm kiếm lợi ích chung thay vì tiếp tục đối đầu.
Trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức, ông Trump tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc dù ông nhấn mạnh rằng thuế quan từng mang lại nguồn thu lớn cho Mỹ. Sự im lặng này mở ra khả năng khởi động các cuộc đàm phán mới với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, ông Trump cũng quyết định hoãn lệnh cấm TikTok, ứng dụng của công ty Trung Quốc, nhưng lại đưa ra yêu cầu chưa từng có: Mỹ nên sở hữu 50% hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ để đổi lại việc cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động. Ông cho rằng TikTok có thể đạt giá trị hàng trăm tỷ USD.
Các nhà phân tích nhận định, cả Washington và Bắc Kinh đều đang tìm kiếm lộ trình mới để thúc đẩy lợi ích song phương. Tuy nhiên những vấn đề chưa được giải quyết từ trước, như thỏa thuận thương mại năm 2020, vẫn có thể là rào cản lớn trong quá trình xây dựng mối quan hệ mới.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và gặp gỡ nồng nhiệt tại Florida và Bắc Kinh.
Nhưng mối quan hệ này nhanh chóng xấu đi, dẫn đến một cuộc chiến thương mại kéo dài với những biện pháp thuế trả đũa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, hiện cả hai bên dường như muốn tạm gác căng thẳng và quay lại bàn đàm phán.
Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế tại Natixis, nhận định: "Ông Trump muốn có một thỏa thuận. Nếu không, ông ấy đã áp thuế ngay từ ngày đầu tiên". Bà cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng nhượng bộ một số lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính đến việc kiểm soát đồng nhân dân tệ, để đạt được thỏa thuận.
Trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn so với khi ông Trump lần đầu áp thuế năm 2018. Quốc gia này đang phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, nhu cầu tiêu dùng yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 16%.
Tuy nhiên, một số rào cản đối với mối quan hệ Mỹ - Trung có thể đến từ chính nội bộ chính quyền Tổng thống Trump. Ông Marco Rubio, một chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Ngược lại, Elon Musk, người đứng đầu một cơ quan cố vấn của ông Trump, lại có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc và có thể có quan điểm mềm mỏng hơn.
Ông Trump được cho là sẽ tự mình đảm nhận vai trò nhà ngoại giao chính, thay vì dựa vào các quan chức như ông Rubio hay các bộ trưởng khác. Bo Zhengyuan, chuyên gia tại công ty tư vấn Plenum ở Thượng Hải, cho rằng ông Trump là người duy nhất Bắc Kinh có thể nói chuyện từ góc độ thực tế, vì ông mang tư duy của một doanh nhân.
Các nhà quan sát cũng dự đoán nếu chủ nghĩa thực dụng chiếm ưu thế, Trung Quốc có thể thuyết phục ông Trump dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như chất bán dẫn.
Wang Dong, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét rằng ông Trump không quá quan tâm đến hệ tư tưởng hay các vấn đề địa chính trị như Đài Loan. Ông dự đoán nếu hai nước tiếp tục duy trì sự thực dụng, mối quan hệ Trung - Mỹ có thể trở lại trạng thái ổn định và bền vững hơn.
Một số chuyên gia thậm chí so sánh khả năng này với chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, mở ra thời kỳ quan hệ ngoại giao mới giữa hai nước. Để đạt được điều đó, cần phải vượt qua nhiều thách thức từ cả hai phía.