Tiêm kích F-35 Anh va chạm với chim

Ngày 20/1, một chiếc F-35 Lightning II của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã gặp sự cố khi bay qua phía bắc xứ Wales, va phải một con chim và bị hư hỏng phần đầu máy bay.

Phi công ngay lập tức quyết định quay lại căn cứ RAF Marham ở Norfolk và hạ cánh an toàn. Rất may, người lái không bị thương và thiệt hại của máy bay được đánh giá là "không đáng kể".

Máy bay chiến đấu F-35.

Máy bay chiến đấu F-35.

Điều đáng chú ý là sự cố này không phải do tên lửa hay vũ khí của đối phương, mà chỉ bởi một con chim nhỏ. Dù vậy, nó cho thấy những nguy cơ thực tế và thường xuyên mà ngành hàng không phải đối mặt.

Va chạm với chim từ lâu đã là một mối đe dọa lớn đối với cả máy bay quân sự lẫn dân dụng. Các bộ phận dễ bị hư hại nhất khi xảy ra va chạm là kính chắn gió, đầu mũi máy bay và động cơ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, chim bị hút vào động cơ có thể gây hỏng hóc nặng, thậm chí dẫn đến tai nạn.

Các sự cố tương tự đã xảy ra trong những năm gần đây, làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Tháng 1/2023, một máy bay RAF Red Arrow bị va chạm với chim, làm vỡ kính buồng lái và gây nguy hiểm lớn cho phi công. Trước đó, năm 2022, một chiếc F-35 của Hàn Quốc buộc phải hạ cánh bằng bụng sau khi đâm phải một con đại bàng nặng tới 10kg. Sự cố này khiến máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng đến mức không thể sửa chữa và bị loại bỏ hoàn toàn.

Không chỉ vậy, hồi tháng 4/2024, một chiếc F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng gặp tai nạn tương tự khi bị chim đâm ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Kunsan ở Hàn Quốc. Dù phi công đã kiểm soát được tình hình và máy bay hạ cánh an toàn, thiệt hại vẫn được liệt kê vào loại tai nạn nghiêm trọng.

Theo thống kê, quân đội Mỹ ghi nhận khoảng 3.000 vụ va chạm với chim mỗi năm, tạo ra thách thức không nhỏ đối với các lực lượng không quân. Để giảm thiểu nguy cơ này, các căn cứ không quân đã áp dụng nhiều biện pháp như dọn sạch môi trường sống xung quanh, sử dụng pháo âm thanh để xua đuổi chim, và triển khai các hệ thống giám sát để phát hiện kịp thời.

UAV bầy đàn.

UAV bầy đàn.

Tuy nhiên, mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu không chỉ dừng lại ở chim. Trong chiến đấu, sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái (UAV) đang đặt ra những thách thức mới. Các đàn UAV được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện hàng loạt nhiệm vụ phức tạp, từ tấn công các mục tiêu trên không đến gây nhiễu hệ thống phòng thủ của đối phương.

Một đàn UAV có thể dễ dàng làm gián đoạn hoạt động của máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay cảnh báo sớm (AEW&C) và cả máy bay chiến đấu trong các khu vực xung đột. Nhờ chi phí thấp và khả năng hoạt động không cần người lái, UAV bầy đàn có thể thực hiện những nhiệm vụ táo bạo mà máy bay truyền thống khó lòng đảm nhận. Thậm chí, chúng có thể được lập trình để đâm trực tiếp vào máy bay đối phương, gây thiệt hại nặng nề mà không cần sử dụng vũ khí phức tạp.

Thực tế, các quốc gia như Mỹ, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các chương trình phát triển UAV bầy đàn, biến chúng thành một phần không thể thiếu trong các kịch bản chiến dịch hiện đại.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiem-kich-f-35-anh-va-cham-voi-chim-169250122111157098.htm