Ông Trump: Kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico sẽ được thực thi
Giới quan sát đã hy vọng hai đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ có thể thuyết phục chính quyền Trump trì hoãn thêm việc áp thuế quan lên hơn 918 tỷ USD hàng hóa...

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 24/2 tại Nhà Trắng - Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/2 cho biết kế hoạch áp thuế quan của ông đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico vào Mỹ sẽ được thực thi “đúng thời hạn và đúng kế hoạch”, mặc những cố gắng của hai quốc gia láng giềng này trong việc tăng cường an ninh biên giới và ngăn chặn dòng chất cấm fentanyl xâm nhập vào Mỹ. Theo dự kiến, việc áp thuế này sẽ bắt đầu vào ngày 4/3, sau 1 tháng tròn kế hoạch được hoãn để nhường chỗ cho đàm phán.
“Việc áp thuế sẽ được tiến hành đúng thời hạn, đúng kế hoạch”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông được được hỏi liệu Canada và Mexico đã hành động đủ để tránh được mức thuế 25% của Mỹ hay chưa.
KẾ HOẠCH THUẾ QUAN SẼ KHÔNG ĐƯỢC BÃI BỎ
Trước khi tuyên bố này của ông Trump được đưa ra, giới quan sát đã hy vọng hai đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ có thể thuyết phục chính quyền Trump trì hoãn thêm việc áp thuế quan lên hơn 918 tỷ USD hàng hóa từ hai quốc gia này vào Mỹ, gồm vô số mặt hàng ô tô đến năng lượng. Việc áp thuế quan lên số hàng hóa này có thể gây đảo lộn nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ, nơi ba nền kinh tế Mỹ, Canada và Mexico có mức độ kết nối cao. Trong đó ngành công nghiệp ô tô được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Trong câu trả lời của mình, ông Trump không đề cập cụ thể đến thời hạn 4/3 cho việc triển khai việc áp thuế quan nói trên. Sau đó, ông đề cập đến ý định áp thuế quan có đi có lại đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ để thuế suất của Mỹ tương xứng với thuế quan và các hàng hóa thương mại khác của các đối tác thương mại, bao gồm cả Pháp.
Sau khi bị ông Trump đe dọa áp thuế quan hồi đầu tháng 2, Canada và Mexico đã cam kết thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường an ninh biên giới. Nhờ đó, hai nước này được ông Trump hoãn 1 tháng việc áp thuế quan này kể từ thời hạn dự kiến lúc đầu là ngày 1/2.
Luật sư Dan Ujczo, một người chuyên về các vấn đề thương mại Mỹ-Canada, dù thuế quan có thể tiếp tục được trì hoãn thông qua đàm phán, kế hoạch đánh thuế này vẫn sẽ treo lơ lửng ít nhất cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về việc các biện pháp biên giới của Canada và Mexico mang lại hiệu quả như ông Trump mong muốn.
Ông Ujczo - hiện đang làm việc với tư cách nhà tư vấn cấp cao tại công ty luật Thompson Hine - nhận định: “Đang có những tiến bộ được ghi nhận trên mặt trận an ninh. Tuy nhiên, thật quá lạc quan khi nghĩ rằng kế hoạch thuế quan đó sẽ được bãi bỏ hoàn toàn”.
Sau khi đe dọa đánh thuế 25% đối với Canada và Mexico và triển khai áp thuế quan bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump còn có hàng loạt động thái thuế quan khác. Tất cả đều phủ bóng lên các cuộc đàm phán về các vấn đề về người nhập cư trái phép và buôn lậu chất cấm qua biên giới.
Các kế hoạch thuế quan đó bao gồm việc áp mức thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu - đồng nghĩa hủy bỏ các miễn trừ lâu dài đối với thép và nhôm từ Canada và Mexico, vốn là hai nguồn nhập khẩu kim loại lớn nhất của Mỹ. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/3.
NHỮNG NỖ LỰC CỦA CANADA VÀ MEXICO
Ông Trump cũng tuyên bố muốn áp thuế 25% lên với ô tô, dược phẩm và chất bán dẫn nhập khẩu, đồng thời đưa ra kế hoạch thuế quan có đi có lại để cân bằng với thuế quan và rào cản thương mại phi thuế quan của các nước khác.
Cung theo ông Ujczo, những mối đe dọa thuế quan này có thể dẫn tới việc khởi động sớm quá trình đàm phán lại Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Hiện tại, thỏa thuận này dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2026.
Ông Trump là người đã ký USMCA thành luật vào năm 2020 sau khi đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực năm 1994. Nhưng dù có USMCA, ông Trump ngày càng thể hiện quan điểm không hài lòng với hoạt động nhập khẩu ô tô từ Mexico và Canada vào Mỹ.
Về phía Mexico, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Marcelo Ebrard cho biết vào hôm thứ Năm tuần trước rằng ông đã có một “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” trong cuộc gặp với các quan chức thương mại hàng đầu của chính quyền Trump. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Ebrarb cho biết “công tác chung” về các vấn đề thương mại của Mỹ sẽ bắt đầu được triển khai vào ngày thứ Hai tuần này.
Mexico đã bắt đầu triển khai tới 10.000 lính vệ binh quốc gia tới biên giới phía Bắc nước này như một phần của thỏa thuận với Mỹ nhằm tăng cường bảo vệ biên giới, ngăn chặn dòng người vượt biên trái phép và chất cấm xâm nhập vào Mỹ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã nói rằng thỏa thuận này cũng kêu gọi Mỹ hành động để ngăn chặn dòng súng đạn vượt biên trái phép vào Mexico.
Canada trong tháng này đã bổ nhiệm một quan chức cấp cao mới chuyên trách vấn đề chống fentanyl để điều phối cuộc chiến chống buôn lậu loại chất cấm có thể gây chết người người này. Người được bổ nhiệm vào vị trí trên là ông Kevin Brosseau - một quan chức tình báo cấp cao.
Ngoài ra, Ottawa cũng đã phân loại lại các băng đảng buôn lậu ma túy là các tổ chức khủng bố và đã triển khai máy bay không người lái, máy bay trực thăng và các công nghệ giám sát khác ở biên giới rộng lớn phía Bắc nước Mỹ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã giữ liên lạc chặt chẽ với ông Trump về các vấn đề biên giới trong những ngày gần đây. Hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gọi hôm thứ Bảy vừa rồi để thảo luận về nỗ lực chung nhằm hạn chế hoạt động buôn bán fentanyl.
Ông Trudeau đã cảnh báo về việc Canada có thể áp thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá 155 tỷ đô la Canada (107 tỷ USD), bao gồm bia, rượu vang, rượu bourbon của Mỹ và nước cam của Florida. Nhưng vào tuần trước, ông Trudeau cho biết rằng Canada sẽ “thực hiện công việc” cần thiết để đảm bảo rằng thuế quan không được áp dụng.