Ông Trump lại tranh cãi nảy lửa tại Phòng Bầu dục
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng đã biến thành màn đối đầu căng thẳng về cáo buộc 'diệt chủng người da trắng'.

Cuộc gặp mặt nảy tại Phòng Bầu dục của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa biến Phòng Bầu dục, nơi vốn được coi là biểu tượng trang trọng của ngoại giao Mỹ, thành sân khấu chính trị, khi ông bất ngờ hạ thấp ánh đèn và đối đầu trực diện với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trước ống kính truyền hình hôm 21/5.
Đây được coi là “cuộc phục kích ngoại giao” thứ hai do chính Nhà Trắng dàn dựng, tái hiện không khí căng thẳng như trong cuộc gặp đầy tranh cãi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 2.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi đang rơi vào tình trạng lạnh nhạt với các cáo buộc vô căn cứ về “tội diệt chủng người da trắng” và trở nên leo thang hơn sau khi chính quyền Trump chấp nhận cho 59 người Nam Phi gốc Hà Lan (Afrikaners) nhập cảnh với tư cách tị nạn.
Tham dự cuộc họp tại Phòng Bầu dục còn có tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk - người từng nhiều lần chia sẻ các bài viết về “diệt chủng người da trắng” ở Nam Phi trên nền tảng X.
Video gây tranh cãi
Trong phần mở đầu, ông Trump đã gọi cuộc gặp là “vinh dự lớn”, nhưng lại nhanh chóng chuyển sang chủ đề gây tranh cãi: “Diệt chủng người da trắng”.
Ông yêu cầu nhân viên tắt bớt đèn và cho chiếu một video cùng các bài báo in về các vụ bạo lực nhằm vào nông dân da trắng tại Nam Phi.
Hình ảnh trong video cho thấy hàng loạt thánh giá trắng, mà ông Trump cho là tượng trưng cho các mộ phần của người da trắng bị sát hại, thực chất là từ một cuộc biểu tình năm 2020 ở Normandien để lên án nạn giết người trong khu vực nông thôn, không phân biệt chủng tộc, theo CBS News.
“Chúng tôi có những người da trắng bị giết, chủ yếu là nông dân da trắng”, ông Trump phát biểu sau đoạn phim. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề nghiêm trọng, và trích dẫn “hàng nghìn câu chuyện, tài liệu” nói về hiện tượng này.
Tổng thống Ramaphosa lập tức phản bác. Ông khẳng định video không đại diện cho chính sách của chính phủ Nam Phi, và ông cùng đảng cầm quyền kiên quyết bác bỏ luận điệu trong video.
“Tội phạm là vấn đề nghiêm trọng ở đất nước chúng tôi. Nhưng nạn nhân không chỉ là người da trắng, phần lớn là người da đen”, ông nói rõ. Phái đoàn Nam Phi cũng đồng thuận rằng đây là vấn đề tội phạm nói chung chứ không phải “diệt chủng” như ông Trump cáo buộc.

Ông Trump giơ lên một bản sao bài báo mà ông nói là về những người Nam Phi da trắng đã bị sát hại, trong Phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters.
Ramaphosa cho biết ông đã mang theo nhiều nhân vật có tiếng nói trong xã hội Nam Phi như các vận động viên golf Ernie Els, Retief Goosen và tỷ phú Johann Rupert, nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nhà Trắng.
“Tổng thống Trump cần lắng nghe tiếng nói từ chính những người bạn Nam Phi của mình, những người có mặt tại đây”, ông nói.
Phái đoàn Nam Phi cũng nhất quán khẳng định: Vấn đề không phải là “diệt chủng người da trắng”, mà là tội phạm nói chung - điều ảnh hưởng tới tất cả sắc tộc.
“Chúng tôi không phủ nhận các thách thức, nhưng cũng không thể chấp nhận sự bóp méo thực tế để phục vụ mục tiêu chính trị”, một thành viên trong đoàn phát biểu.
"Elon Musk muốn những người Afrikaners được vào Mỹ"
Đáng chú ý, ông Trump nhiều lần đề cập đến vai trò của Elon Musk trong việc thúc đẩy chấp thuận cho người Afrikaners nhập cư vào Mỹ, với lý do bị “bức hại”. Trong suốt thời gian báo chí có mặt tại phòng họp, Musk không phát biểu lời nào.
Tuy nhiên, trước đó, ông từng hai lần đăng tải video gây tranh cãi về những cây thánh giá trắng với thông điệp ám chỉ “nông dân da trắng bị sát hại hàng loạt”.
Việc chính quyền Trump gần đây đẩy nhanh quy trình tiếp nhận 59 người Afrikaners vào Mỹ theo diện tị nạn đã dấy lên cáo buộc rằng ông đang thiên vị người da trắng. Trong khi đó, chính phủ của ông lại tìm cách tạm ngừng hoặc thu hẹp các chương trình tiếp nhận người tị nạn đến từ các khu vực có xung đột nghiêm trọng như Afghanistan, Myanmar, Cuba, Venezuela hay Trung Đông.

Tỷ phú Elon Musk trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ramaphosa và ông Trump ngày 21/5. Ảnh: Reuters.
Cuộc phục kích ngoại giao
Dù đã có sự chuẩn bị để đối phó với những cáo buộc này, Tổng thống Ramaphosa dường như vẫn bị bất ngờ trước “màn kịch chính trị” của người đồng cấp Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn giữ phong thái bình tĩnh và lịch thiệp, cố gắng phản biện mà không trực tiếp chỉ trích hay thách thức ông Trump - người vốn nổi tiếng là dễ bị động chạm.
"Rất tiếc, tôi không có máy bay để tặng ông”, Ramaphosa mỉm cười nói, ám chỉ đến chiếc chuyên cơ hạng sang mà Qatar từng ngỏ ý dành tặng ông Trump để thay thế chiếc Không lực Một.
Người phát ngôn của ông Ramaphosa, ông Vincent Magwenya, sau đó chia sẻ với kênh truyền hình Newzroom Afrika rằng “ai cũng có thể thấy Tổng thống Ramaphosa đang bị khiêu khích”. “Ông ấy bị lôi kéo vào cái bẫy, nhưng đã không mắc bẫy,” Magwenya khẳng định.
Ông Patrick Gaspard - cựu Đại sứ Mỹ tại Nam Phi dưới thời Tổng thống Barack Obama - không giấu được sự bức xúc khi gọi cuộc gặp là “một màn trình diễn đáng xấu hổ” và cáo buộc ông Trump “tra tấn vị khách ngoại giao bằng những thước phim tuyên truyền bạo lực và luận điệu sai lệch”.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Gaspard khẳng định: “Không ai có thể giành phần thắng nếu chấp nhận chơi theo luật của Trump”.

Doanh nhân Johann Rupert phát biểu bên cạnh hai tay golf nổi tiếng Retief Goosen và Ernie Els trong Phòng Bầu dục, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phái đoàn Nam Phi. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, ông Cameron Hudson - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington - nhận định rằng tuy cuộc gặp giống như “rạp xiếc truyền hình” nhưng “nó chưa vượt quá giới hạn của sự giận dữ hay thù địch nên vẫn chưa trượt dốc hoàn toàn”.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra phản hồi trước câu hỏi liệu cuộc gặp có thực sự được dàn dựng để khiến ông Ramaphosa rơi vào tình huống khó xử, và điều đó có khiến các lãnh đạo nước ngoài khác ngần ngại đến thăm Mỹ hay không.
Những hành động này không chỉ khiến nhiều người sửng sốt, mà còn đặt ra câu hỏi về việc ông Trump đang sử dụng Phòng Bầu dục để gây sức ép và làm bẽ mặt những lãnh đạo đến từ các quốc gia kém thế hơn, thay vì thể hiện sự tôn trọng dành cho họ như thông lệ ngoại giao truyền thống.
Việc Tổng thống Trump tận dụng không gian quyền lực này để thực hiện các màn đối chất bất ngờ có thể khiến các lãnh đạo nước ngoài phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận lời mời tới Washington khi nguy cơ bị bôi nhọ công khai có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Điều này càng làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong việc củng cố quan hệ với các quốc gia đang bị Trung Quốc ráo riết tranh giành ảnh hưởng, Reuters cho biết.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trump-lai-tranh-cai-nay-lua-tai-phong-bau-duc-post1554864.html