Ông Trump mất dần kiên nhẫn, chuyển sang dùng 'cây gậy' với Nga?

Những lời khen ngợi xen lẫn sức ép, cùng với sự thất vọng ngày càng gia tăng của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Vladimir Putin, đang góp phần tạo đà cho một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới.

Ông Trump dần mất kiên nhẫn với Tổng thống Putin

Kể từ khi Tổng thống Trump quay trở lại Nhà Trắng, các lãnh đạo châu Âu đã thúc giục ông ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn trong cuộc xung đột với Nga. Những tuần gần đây, một số người trong số họ đã thử tiếp cận theo cách mới trong những cuộc trao đổi riêng với một tổng thống vốn thường phản ứng tích cực với những lời khen ngợi.

Theo 2 quan chức châu Âu am hiểu vấn đề, trong các cuộc trao đổi với ông Trump, các lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Đức Friedrich Merz, đã ca ngợi ông vì đã điều máy bay ném bom Mỹ tấn công mạnh vào chương trình hạt nhân của Iran. Họ nói với ông Trump rằng ông cũng có thể làm điều tương tự với Ukraine, không phải bằng bom, mà bằng một loạt lệnh trừng phạt mới nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Những lời kêu gọi này là diễn biến mới nhất trong nỗ lực lâu dài nhằm thuyết phục ông Trump đứng chung thuyền với châu Âu để xoay chuyển cục diện tại Ukraine thông qua đòn đánh mạnh vào kinh tế Nga.

Giờ đây, Tổng thống Mỹ có vẻ như đang dần nghiêng về ý tưởng đó.

Ông Merz cùng các lãnh đạo Pháp, Anh và Italy đã công khai khẳng định với ông Trump rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể buộc Tổng thống Putin phải nghiêm túc đàm phán về việc chấm dứt xung đột. Họ cho rằng, nếu không có chúng, Moscow sẽ tiếp tục leo thang và kéo dài các cuộc tấn công nhằm phá vỡ khả năng phòng thủ của Ukraine.

Những động thái leo thang này dường như đã làm ông Trump mất kiên nhẫn với ông Putin. Chúng diễn ra sau nhiều tháng điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, giữa bối cảnh Nhà Trắng ngày càng ít hy vọng rằng ông Trump có thể tận dụng mối quan hệ cá nhân với ông Putin, đồng thời gây sức ép lên Ukraine để làm trung gian hòa giải chấm dứt xung đột.

Ngày 8/7, ngay sau một cuộc điện đàm mà ông mô tả là “gây thất vọng” với ông Putin, ông Trump tuyên bố ông đang “rất nghiêm túc” cân nhắc ủng hộ một dự luật lưỡng đảng tại Thượng viện, theo đó sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên các quốc gia mua dầu của Nga. Trong số này có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số thành viên của Liên minh châu Âu.

Ngành sản xuất dầu là trụ cột của nền kinh tế Nga và là nguồn tài chính quan trọng cho cuộc xung đột ở Ukraine. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, các nhà lãnh đạo phương Tây đã nỗ lực bóp nghẹt nguồn thu này thông qua trừng phạt, nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Một nỗ lực mới nhắm vào ngành này được đưa vào dự luật do ông Lindsey Graham - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina và ông Richard Blumenthal - Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bang Connecticut đề xuất. Dự luật hiện nhận được sự ủng hộ của 83 thượng nghị sĩ.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu được thông qua, đạo luật này có thể tạo ra tác động lớn hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào từng áp dụng với Nga trước đây.

“Tác động kinh tế của dự luật là rất lớn và toàn diện”, ông Ben Harris, Phó Chủ tịch và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Brookings, nhận định. Ông từng tham gia xây dựng các nỗ lực kiểm soát doanh thu từ dầu mỏ của Nga khi còn phục vụ trong chính quyền ông Biden.

“Cuối cùng, chỉ có ba kết quả có thể xảy ra. Đó là Nga rút quân, thị trường năng lượng toàn cầu rơi vào khủng hoảng, hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu do thương mại thế giới lao dốc. Không có kịch bản nào khác. Vì vậy, dự luật này vừa can đảm nhưng cũng vừa đầy rủi ro".

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cảnh báo, các biện pháp trừng phạt mới cần thời gian để giáng một đòn đủ mạnh buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và ông Trump có thể không thực hiện đầy đủ các biện pháp đó.

"Hầu hết các lệnh trừng phạt Nga thiếu thực tế và sẽ không bao giờ được thực hiện", ông Janis Kluge, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức, nhận định.

“Thành tựu chính của dự luật là giữ cho cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga tiếp tục diễn ra - điều đó tự thân đã là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là nhân tố làm thay đổi cục diện xung đột và các nhà lãnh đạo châu Âu không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó", ông Kluge đánh giá.

Mỹ có chuyển sang dùng “cây gậy” với Nga?

Các quan chức Nga dường như không mấy lo lắng trước viễn cảnh Tổng thống Trump sẽ ủng hộ một vòng trừng phạt mới. Ông Trump chưa ban hành bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Nga trong năm nay. Điều này trên thực tế đã cho phép Moscow tiếp tục tiếp cận các nguồn tài chính và vật tư cần thiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov cáo buộc các thượng nghị sĩ đứng sau dự luật đang tìm cách phá hoại nền tảng cho các tương tác bình thường giữa Mỹ và Nga. Phát biểu hôm 10/7, ông Ryabkov cho rằng các bước đi này sẽ “gây tổn hại cho chính nước Mỹ”. Ông nói thêm rằng Nga sẽ cần phân tích và đánh giá tác động của bất kỳ đạo luật trừng phạt nào mới, nhưng với khoảng 30.000 biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với Nga, điều đó “sẽ không làm thay đổi cục diện một cách căn bản".

Tuy vậy, chuyến thăm của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tới Berlin và một số thủ đô châu Âu vào tháng trước đã tạo ra làn sóng lạc quan đáng kể. Trong chuyến đi, ông Graham đã gặp Thủ tướng Friedrich Merz – hiện cũng là Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng các lãnh đạo khác để thảo luận về dự luật. Ngay sau đó, ông Merz bay tới Washington và kêu gọi ông Trump ủng hộ dự luật này, đồng thời nói với ông Trump và báo giới tại Phòng Bầu dục rằng Tổng thống Mỹ là “nhân vật then chốt trên thế giới” để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Ông Trump nói với báo giới rằng ông có một “thời hạn trong đầu” về việc liệu có ủng hộ các lệnh trừng phạt mới hay không và ám chỉ rằng các nghị sĩ cuối cùng sẽ đi theo định hướng của ông. Ngày 10/7, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết, chính quyền đang làm việc cùng các nghị sĩ để định hình dự luật.

Trong những tuần gần đây, Thượng nghị sĩ Graham và Blumenthal đã tìm cách điều chỉnh dự luật sao cho phù hợp hơn với quan điểm của ông Trump, trong bối cảnh Tổng thống ngày càng mất thiện cảm với ông Putin. Các sửa đổi mới trong dự luật sẽ trao cho ông Trump quyền tự do đáng kể trong việc quyết định cách thức và thời điểm áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.

Cùng lúc, các lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục gây sức ép với ông Trump cả công khai lẫn kín đáo. Họ cũng đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới tại Ủy ban châu Âu, đồng thời gia tăng viện trợ cho Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 10/7 thông báo khởi động một quỹ cổ phần mới nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết Ukraine sau xung đột. Bà von der Leyen cho biết, quỹ này nhận được sự hậu thuẫn từ Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy và Ba Lan.

Số vốn ban đầu của quỹ, khoảng 250 triệu USD, chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng chi phí cần thiết để tái thiết Ukraine - một con số được Ngân hàng Thế giới ước tính lên đến hơn 500 tỷ USD. Trong khi đó, tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock đã tạm ngưng triển khai một quỹ phục hồi trị giá hàng tỷ USD do lo ngại chính quyền ông Trump có thể rút lui khỏi cam kết với Ukraine.

Các lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh với ông Trump rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ Mỹ sẽ tạo ra sức ép với Nga mà không quốc gia nào khác có thể làm được.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hà Lan cuối tháng trước, ông Merz cho biết ông đã một lần nữa nói với ông Trump rằng chính ông là người có vị thế tốt nhất để giúp Ukraine. Ông Merz tiết lộ ông đã khuyến khích Tổng thống Trump tận dụng động lực từ các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Iran - “không phải về mặt quân sự, mà về mặt chính sách thương mại". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông Trump vẫn chưa bị thuyết phục.

“Một quá trình hình thành quan điểm đang diễn ra nhưng theo tôi, nó vẫn chưa hoàn tất", Thủ tướng Đức nhận định.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-mat-dan-kien-nhan-chuyen-sang-dung-cay-gay-voi-nga-post1213979.vov