Ông Trump mất kiên nhẫn với ông Putin nhưng không chắc về động thái tiếp theo
Các nhà lập pháp Mỹ đã nhìn thấy cơ hội áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng tổng thống Donald Trump vẫn chưa sẵn sàng đưa ra quyết định.
Tổng thống Trump hết kiên nhẫn
Tổng thống Donald Trump ngày 27/5 đã phát tín hiệu rằng sự kiên nhẫn của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cạn kiệt, cảnh báo nhà lãnh đạo Nga rằng ông đang "đùa với lửa" khi từ chối tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
"Ông Putin đang tiến rất gần đến việc đốt cháy cây cầu vàng mà Tổng thống Trump đã đặt ra trước mắt", một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho biết.

Ông Trump mất kiên nhẫn với ông Putin nhưng không chắc về động thái tiếp theo. Ảnh: Reuters.
Theo bốn quan chức Mỹ, hiện ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nên áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga hay không để đáp trả việc nước này tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine.
"Điều mà Vladimir Putin không nhận ra là nếu không có tôi, rất nhiều điều thực sự tồi tệ đã xảy ra với Nga, và ý tôi là THỰC SỰ TỆ HẠI", ông Trump viết trong bài đăng trên Truth Social ngày 27/5. "Ông ấy đang đùa với lửa!".
Hôm 25/5, Tổng thống Trump cũng nói với các phóng viên rằng ông đang cân nhắc các lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga và mô tả Tổng thống Putin là "hoàn toàn điên rồ" trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Ông Trump từng đưa ra những lời đe dọa tương tự, nhưng không thường xuyên, kể từ những ngày đầu nhậm chức. Nhưng trên thực tế là ông chưa thực hiện các biện pháp nhằm gia tăng áp lực lên Moscow.
“Tôi hiện rất, rất hoài nghi rằng Tổng thống Trump sẽ áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt hoặc biện pháp nghiêm khắc nào đối với Nga”, Kurt Volker - người từng là đặc phái viên của ông Trump tại Ukraine trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, cho biết. “Ông ấy [Tổng thống Trump – ND] đã có rất nhiều cơ hội để làm điều đó và ông ấy luôn né tránh”.
Những phê phán của ông Trump đối với Tổng thống Putin dường như cũng bị “pha loãng” với những lời chỉ trích ông nhằm vào người tiền nhiệm Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky. Hôm 25/5, ông Trump cho rằng ông Zelensky và ông Biden phải chịu một phần trách nhiệm cho những gì xảy ra ở Ukraine hiện tại.
“Cuộc chiến này là lỗi của Joe Biden và Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông ấy muốn thấy các bên đàm phán một thỏa thuận hòa bình”, thư ký báo chí Karoline Leavitt cho biết trong một tuyên bố với POLITICO. “Tổng thống Trump cũng đã khôn khéo giữ mọi lựa chọn trên bàn”.
Fred Fleitz, phó chủ tịch tại Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, người thân cận với chính quyền dành lời ca ngợi ông Trump vì “đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề này”, nhưng khẳng định rằng “nếu vì lý do nào đó họ không thể giải quyết được thì thất bại đó là của Biden”.
Theo ông Fleitz, sự kiên nhẫn của Tổng thống Trump với ông Putin đang cạn kiệt. "Sẽ đến lúc trong vòng từ 1-6 tuần tới, ông Trump có thể chấm dứt đàm phán và áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn", ông Fleitz nói.
Khi ông Trump nói chuyện với một số nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần trước sau các cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin, ông dường như đã tìm cách lý giải cho sự miễn cưỡng của ông Putin trong việc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, theo nguồn tin thân cận với ông Trump. Những người này cho biết, Tổng thống Trump đã đưa ra giả thuyết rằng Tổng thống Putin có thể đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn sau khi Mỹ và châu Âu đưa ra những lời đe dọa trừng phạt kinh tế.
Những người này cũng cho biết, mặc dù ông Trump thất vọng với Tổng thống Putin, nhưng ông đã cho người châu Âu thấy rõ rằng ông không thích các lệnh trừng phạt và hy vọng có thể khiến nhà lãnh đạo Nga tham gia mà không cần ép buộc. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu lại hy vọng ông Trump hiểu rằng việc tiếp cận nhẹ nhàng với Điện Kremlin không hiệu quả và sẽ có điều chỉnh phù hợp hơn.
Một quan chức Mỹ cho biết, cũng có một số người trong và ngoài chính quyền đã nói với Tổng thống Trump rằng "các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại đến các công ty Mỹ và đẩy Nga ra khỏi các cuộc đàm phán".
Thượng viện Mỹ sẽ ra tay trừng phạt Nga?
Một số nhà lập pháp Cộng hòa hiện đang khuyến khích ông Trump sử dụng đòn trừng phạt. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện ủng hộ một dự luật trừng phạt lưỡng đảng nhưng đang tìm kiếm sự chấp thuận chính thức từ Tổng thống rằng ông sẽ ủng hộ luật này.
Nếu ông Trump không “bật đèn xanh”, đảng Cộng hòa lo ngại rằng dự luật có thể bị hủy bỏ khi đến Hạ viện. Lãnh đạo phe đa số John Thune cho biết dự luật trừng phạt sẽ dễ dàng được Thượng viện thông qua và ông sẽ ủng hộ việc đưa dự luật này ra thảo luận. Nhưng ông cũng thận trọng, không đi trước chính quyền.
Tuần trước, ông Thune cho biết, nếu Nga không "tham gia vào hoạt động ngoại giao nghiêm túc, Thượng viện sẽ làm việc với chính quyền để xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung".
Thượng nghị sĩ John Barrasso - thành viên quyền lực thứ hai trong đảng Cộng hòa tại Thượng viện trong một bài đăng trên X hôm 27/5 cảnh báo "nếu Nga trì hoãn, Thượng viện sẽ hành động quyết đoán để tiến tới hòa bình lâu dài".
Ông Thune cũng đang phải đối mặt với áp lực từ các thượng nghị sĩ khác thông qua luật trừng phạt ngay cả khi Trump không đưa ra sự chấp thuận rõ ràng. Theo hai nguồn tin giấu tên, các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã thảo luận về luật trừng phạt Nga trong một bữa trưa kín vào tuần trước.
Thượng nghị sĩ Kevin Cramer ngày 27/5 lên tiếng cho rằng ông có thể thấy ông Thune đưa dự luật ra thảo luận mà không cần sự chấp thuận của Tổng thống Trump, mặc dù ông cho biết nhà lãnh đạo này muốn có một tín hiệu từ Nhà Trắng.
“Chúng tôi muốn trở thành một phần của giải pháp và tạo đòn bẩy cho tổng thống, nhưng không phải là ông ấy không biết chúng tôi đang làm gì”, Cramer nói.
Đảng Cộng hòa chủ yếu để Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thúc đẩy Tổng thống Trump áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga. Trong một lá thư gửi cho tờ Wall Street Journal hôm qua, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina này lưu ý rằng ông đã làm việc chặt chẽ với chính quyền để hiệu chỉnh dự luật trừng phạt của mình.
Thượng nghị sĩ Graham gần đây cũng đã có chuyến công tác cùng Ngoại trưởng Marco Rubio và cho biết ông đã sử dụng chuyến đi để thảo luận về dự luật trừng phạt và nói với các đồng minh nước ngoài rằng Thượng viện là “một cơ quan độc lập và chúng tôi đang tiến tới việc buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm”.
Các quan chức châu Âu và những người theo dõi Nga lâu năm lưu ý rằng Moscow đã tìm cách tách cuộc chiến ở Ukraine khỏi mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Nga, nơi cả ông Putin và ông Trump đều thấy tiềm năng đáng kể cho sự xích lại gần nhau về mặt kinh tế.
“Đối với chúng tôi, có vẻ như người Nga muốn tách biệt hai chủ đề”, một quan chức châu Âu cho biết. “Một là mối quan hệ Nga-Mỹ. Và sau đó là Ukraine, như một chủ đề riêng biệt”.
Các quan chức Mỹ và Nga đều đã ám chỉ đến những cơ hội béo bở có tận dụng được nếu hai nước bình thường hóa quan hệ song phương sau các cuộc đàm phán hòa bình.
Sau cuộc gọi gần đây nhất với ông Putin, Tổng thống Trump đã đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội nói rằng, Nga muốn hợp tác thương mại quy mô lớn với Mỹ khi cuộc xung đột thảm khốc ở Ukraine kết thúc và ông đã đồng ý.