Ông Trump tái khẳng định muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới

Ngày 22/12, phát biểu trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo việc mua hòn đảo Greenland của Đan Mạnh là hoàn toàn cần thiết.

Những tảng băng trôi ở Baffin Bay, đảo Greenland, ngày 18/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Những tảng băng trôi ở Baffin Bay, đảo Greenland, ngày 18/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, ông Trump đã viết: "Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ nhận thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết". Nội dung trên được ông đưa ra trong bài thông báo đề cử nhà đồng sáng lập PayPal Ken Howery làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch. Greenland là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Trước đó vào năm 2019, ông Trump từng đưa ra ý tưởng về việc Mỹ mua lại hòn đảo Greenland trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Khi đó, Thủ tướng Đan Mạch là bà Mette Frederiksen đã bác bỏ đề xuất này và cho rằng điều này là phi lý.

Thời điểm đó, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng ông Trump đang cân nhắc việc cố gắng thâu tóm Greenland vì nguồn tài nguyên thiên nhiên của nơi này và để trao cho ông một di sản, tương tự như việc cố Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã công nhận Alaska là một bang của Mỹ.

Tờ Wall Street Journal tường thuật: "Trong các cuộc gặp, tại các bữa ăn tối và trong các cuộc nói chuyện thoáng qua, ông Trump đã hỏi các cố vấn liệu Mỹ có thể mua lại Greenland hay không. Ông đã chăm chú lắng nghe khi các cố vấn thảo luận về nguồn tài nguyên dồi dào và tầm quan trọng địa chính trị của hòn đảo này. Và theo lời kể, ông đã yêu cầu nhóm cố vấn Nhà Trắng xem xét ý tưởng đó".

Theo một số nguồn tin, ông Trump đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch vào năm 2019 sau khi thủ tướng nước này từ chối đề xuất mua Greenland của ông.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã từng tìm hiểu về thương vụ mua lại Greenland. Năm 1867, một báo cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến những thông tin về địa điểm và trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên trên hòn đảo – một cơ sở quan trọng và lý tưởng để thảo luận việc mua lại Greenland.

Vào năm 1946, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Harry Truman đã đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch với giá 100 triệu USD. Tờ The Washington Post đưa tin, vào những năm 1970, Phó Tổng thống Mỹ Nelson Rockefeller cũng đã thảo luận về việc mua Greenland vì nguồn tài nguyên khoáng sản của hòn đảo này.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới và nằm giữa hai đại dương là Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Đây là một hòn đảo bị băng bao phủ tới 80% và có khoảng 60.000 dân sinh sống. Theo CNN, có nhiều lý do để các nhà lãnh đạo nước Mỹ muốn mua lại Greenland.

Trước hết, đó là vì hòn đảo Greenland được đánh giá là có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và đa dạng như: quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu. Với công nghệ hiện nay, các khoáng sản ở đây bị đánh giá là khó có thể khai thác vì một lượng lớn băng tuyết và tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Tuy nhiên, với sự ấm lên của toàn cầu, lớp băng đó đang dần tan chảy mở ra nhiều cơ hội để khai thác nguồn khoáng sản này.

Thứ hai là nguyên nhân về địa chính trị. Mỹ hiện đang có căn cứ tại hòn đảo lớn nhất thế giới. Theo báo Wall Street Journal, nằm ở vị trí cách vòng Bắc Cực khoảng 1.200km về phía Bắc, căn cứ này có một trạm rada thuộc hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo của Mỹ. Không chỉ Mỹ, các cường quốc như Nga và Trung Quốc cũng đang mở rộng hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng tại Bắc Cực. Việc sở hữu Greenland sẽ giúp Mỹ củng cố thêm vị thế tại Bắc Cực cũng như mọi khu vực trên toàn cầu.

Thứ ba, Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo Mỹ được đánh giá vô cùng quan tâm tới di sản của mình nên việc mua lại Greenland sẽ là một thành công lớn trong nhiệm kỳ tổng thống.

An Minh/Báo Tin tức (Theo CNN, Newsweek)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ong-trump-tai-khang-dinh-muon-mua-hon-dao-lon-nhat-the-gioi-20241223160225894.htm