Ông Trump và ý tưởng sáp nhập Canada
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề xuất biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Mới đây nhất, trong bài phát biểu tại Mar-a-lago, ngày 7/1, hai tuần trước lễ nhậm chức, ông Trump nói rằng ông có thể sử dụng sức mạnh kinh tế Mỹ để hiện thực hóa ý tưởng này.
Đề xuất sáp nhập Canada của ông Trump
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 7/1, chỉ 1 ngày sau khi Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Donal Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, Tổng thống đắc cử Mỹ thừa nhận rằng ông không có "thẩm quyền" để sáp nhập Canada, nhưng chỉ trích việc Mỹ đang mất nhiều hơn được khi nhập khẩu hàng hóa từ Canada và khẳng định Mỹ không có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho nước láng giềng.
Ông cho rằng Mỹ đang tiêu tốn khoảng 200 tỷ USD mỗi năm và thiệt hại thêm từ thâm hụt thương mại, trong khi Mỹ có thể tự sản xuất mọi hàng hóa đang nhập khẩu từ Canada.
"Chúng ta đang chịu thiệt thòi theo thói quen, vì chúng ta thích những người hàng xóm và đã là hàng xóm tốt trong thời gian dài, nhưng chúng ta không thể tiếp tục mãi mãi", ông nói.
Hôm 6/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đăng tải một dòng trạng thái trên mạng xã hội Truth Social, phản ứng với tuyên bố từ chức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
“Nhiều người Canada muốn đất nước họ trở thành tiểu bang thứ 51 của chúng tôi. Mỹ không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng thâm hụt thương mại và trợ cấp khổng lồ mà Canada cần để duy trì nền kinh tế. Ông Justin Trudeau biết điều này và đã từ chức”, ông Trump viết.
“Nếu Canada sáp nhập với Mỹ, sẽ không còn thuế quan, tiền thuế sẽ giảm mạnh và Canada sẽ hoàn toàn an toàn trước mối đe dọa từ tàu thuyền Nga và Trung Quốc... Cùng nhau, chúng ta sẽ là một quốc gia vĩ đại”, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Ông Trump đã đề cập đến ý tưởng Canada sáp nhập vào Mỹ với Thủ tướng Trudeau từ khi hai người gặp nhau tại Mar-a-Lago vào cuối tháng 11/2024, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ đe dọa áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác bỏ ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc biến quốc gia láng giềng phía Bắc của Mỹ thành tiểu bang thứ 51. Viết trên mạng xã hội X mới đây, ông Trudeau cho rằng "người lao động và cộng đồng ở cả hai quốc gia của chúng ta đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau".
Ông Pierre Poilievre, lãnh đạo Đảng Bảo thủ đối lập, cũng đã đưa ra một phản ứng mạnh mẽ với đề xuất của ông Trump. "Canada sẽ không bao giờ là tiểu bang thứ 51. Chấm hết. Chúng ta là một quốc gia vĩ đại và độc lập", Poilievre viết trên mạng xã hội X.
Ông tiếp tục lập luận rằng Canada là "người bạn tốt nhất của Mỹ", nhấn mạnh đến thương mại và đầu tư song phương, cũng như sự đóng góp của Canada trong việc "giúp người Mỹ đáp trả các cuộc tấn công ngày 11/9 của Al-Qaeda".
Ông Poilievre đưa ra lời hứa rằng nếu được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông sẽ "tái thiết quân đội và giành lại quyền kiểm soát biên giới để bảo vệ cả Canada và Mỹ".
Ông Trump dọa áp thuế Canada
Phát biểu trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông Trump nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp thương mại cứng rắn chỉ chưa đầy hai tuần trước khi chính thức nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Trong cuộc họp báo, ông Trump có đề cập đến việc sáp nhập Canada vào Mỹ nhưng nhấn mạnh rằng điều này sẽ không được thực hiện bằng biện pháp quân sự. Ông khẳng định quyết tâm sử dụng thuế quan như một công cụ gây áp lực kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh biên giới.
Ngoài vấn đề kiểm soát biên giới, ông Trump cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Canada. Ông chỉ trích việc Canada sản xuất khoảng 20% tổng số ô tô tiêu thụ tại Mỹ, cho rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô trong nước và bày tỏ mong muốn đưa hoạt động sản xuất trở lại Detroit nhằm tạo thêm việc làm cho người Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump còn đề cập đến các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Canada sang Mỹ như gỗ và sữa, cho rằng đây là những mặt hàng không thiết yếu và Mỹ hoàn toàn có thể tự cung cấp mà không cần nhập khẩu từ nước láng giềng. Ông nhấn mạnh việc xem xét lại mối quan hệ thương mại với Canada nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài và thúc đẩy sản xuất nội địa.
Nếu mức thuế quan 25% được hiện thực hóa, không có gì phải nghi ngờ về những tác động tiêu cực to lớn mà nó có thể gây ra cho khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là hai nền kinh tế Canada và Mexico.
Áp lực từ tuyên bố áp thuế của ông Trump lớn tới mức ngày 17-12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã từ chức, mà theo truyền thông Canada là do căng thẳng với Thủ tướng Trudeau về vấn đề thuế quan với Mỹ. "Trong vài tuần qua, chúng ta đã có những bất đồng về con đường tương lai tốt nhất cho Canada", bà Freeland thừa nhận trong bức thư gửi Thủ tướng Trudeau.
Ngoài ra, áp lực ấy cũng buộc Canada phải đề ra các đối sách nhằm tăng cường an ninh biên giới. Theo đó, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã công bố kế hoạch chi tiêu 1,3 tỷ dollar Canada (CAD), chủ yếu để tháo gỡ những lo ngại về tình trạng di cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy xuyên biên giới. Các quan chức thực thi pháp luật của Canada cho rằng, thời gian gần đây, Chính phủ Canada đã cam kết điều thêm nhân viên và áp dụng cả công nghệ vào việc kiểm soát dòng người di cư từ nước này vào Mỹ, song hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Cùng với đó, dường như một số địa phương của Canada đang chuẩn bị các phương án đáp trả nếu lời đe dọa áp thuế của ông Trump trở thành hiện thực.
Áp lực khiến Thủ tướng Canada từ chức
Ngày 6/1, ông Justin Trudeau đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Tự do và vị trí Thủ tướng Canada, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên chính trường nước này. Ông Trudeau, người giữ chức Thủ tướng Canada từ năm 2015 cho biết sẽ giữ vị trí này cho tới ngày 24/3 để nội bộ đảng Tự do có thể tìm được người đứng đầu. Thông báo từ chức được Thủ tướng Trudeau đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ đảng Tự do cầm quyền gần đây tăng sức ép buộc ông từ chức, khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng này sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới cùng với đó là lời đe dọa áp thuế Canada của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Cuối năm ngoái, gần hai chục nghị sĩ đảng Tự do đã ký một lá thư kêu gọi thủ tướng từ chức, nếu không ông sẽ đối mặt với khả năng thất bại thảm hại. Nhưng mãi đến giữa tháng 12/2024, phó tướng trung thành của ông Trudeau, bà Chrystia Freeland, mới đột ngột từ chức, công khai chỉ trích thủ tướng và nêu nghi vấn liệu ông có thể xử lý được các vấn đề phát sinh trong nhiệm kỳ thứ hai ở Mỹ của ông Donald Trump hay không.
Sự ra đi của bà Freeland đã phơi bày những rạn nứt trong chính đảng của ông Trudeau và đã khuyến khích nhiều thành viên trong nhóm của ông kêu gọi ông từ chức.
Giống như nhiều nhà lãnh đạo ở phương Tây, Thủ tướng Trudeau đã phải gánh chịu tình trạng lạm phát kỷ lục và giá thực phẩm cao.
Cuộc khủng hoảng nhà ở trong nước, khiến giá nhà ở một số khu vực tăng vọt 30-40% trong những năm gần đây, đã làm gia tăng sự phẫn nộ với chính phủ Canada.
Người Canada lo ngại trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế
Các thủ hiến và lãnh đạo đảng tại Canada đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau khi Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố về kế hoạch từ chức của mình.
Ông Doug Ford, thủ hiến của Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, cho rằng Thủ tướng Trudeau cần tập trung vào vấn đề thuế quan trong thời gian ông còn tại nhiệm.
“Thủ tướng Justin Trudeau đã nói rằng ông sẽ từ chức thủ tướng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông không còn là thủ tướng trong một hoặc hai tháng tới. Chúng ta cần Thủ tướng tập trung 100% vào vấn đề thuế quan của Mỹ. Chúng ta còn chưa đầy 2 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức và chúng ta cần tập trung để đảm bảo rằng các mức thuế quan này không được áp dụng. Và nếu chúng được áp dụng, chúng ta cần đảm bảo rằng chính phủ liên bang có một kế hoạch vững chắc.”, ông Doug Ford chia sẻ quan điểm của mình.
Người dân Canada đang tỏ ra bi quan về nền kinh tế so với thời điểm 1 năm trước do Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất của nước này – sắp chuyển giao chính quyền mới với sự trở lại của ông Donald Trump.
Theo khảo sát đo niềm tin của người dân Canada hàng tuần Bloomberg Nanos Canadian Confidence Index, điểm số giảm xuống 49,08, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Điểm số dưới 50 cho thấy tâm lý tiêu cực và bi quan. Ngược lại, điểm số trên 50 thể hiện tâm lý tích cực và lạc quan.
Chỉ số niềm tin này bắt đầu giảm kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11. Tâm lý bi quan cho thấy sự lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ áp thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Canada.
Một số nhà kinh tế dự báo thuế quan của ông Trump có thể khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Canada giảm 2-4%, tùy thuộc vào mức độ triển khai của Washington và phản ứng của Ottawa.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ong-trump-va-y-tuong-sap-nhap-canada-294489.htm