Ông Trương Quốc Cường và cấp dưới cùng bút phê chỉ đạo 'ưu ái' doanh nghiệp
Bị cáo Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) bút phê vào văn bản đề nghị của doanh nghiệp và chuyển cho bị cáo Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược). Sau đó, bị cáo Châu cũng bút phê chỉ đạo nhân viên dưới quyền giải quyết sớm hồ sơ của doanh nghiệp thuốc trước gần 1.000 hồ sơ thuốc khác đã 'xếp hàng' trước đó.
Chiều 13/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Cáo trạng xác định, liên quan tới việc thẩm định, xét duyệt cấp số đăng ký cho hai loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, ngày 16/5/2010, bộ phận một cửa Văn phòng Cục Quản lý Dược tiếp nhận hồ sơ xin cấp số đăng ký cho hai loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada do Công ty Vimedimex đứng tên đăng ký.
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, vào phần mềm tiếp nhận và gắn mã số đối với hồ sơ thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin, sau đó chuyển cho Phòng Đăng ký thuốc để tổ chức thẩm định.
Mặc dù không có thẩm quyền quyết định và biết rõ việc thẩm định hồ sơ thuốc phải theo thứ tự, nhưng bị cáo Phạm Hồng Châu (khi đó là Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược) vẫn chỉ đạo đưa hồ sơ ra thẩm định sớm, tạo điều kiện để hai loại thuốc trên sớm được xét duyệt, cấp số đăng ký.
Ngày 15/7/2010, văn thư Cục Quản lý Dược tiếp nhận Công văn số 12/2010/CV-VIMECP ngày 5/7/2010 (Công văn số 12) đề nghị Hội đồng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược thẩm định sớm hồ sơ hai loại thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin.
Ngày 15/7/2010, bị cáo Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược) đã bút phê chuyển cho bị cáo Phạm Hồng Châu.
Ngày 16/7/2010, bị cáo Phạm Hồng Châu bút phê chuyển cho một số người liên quan đề nghị phối hợp giải quyết “theo chủ trương chung” của Công văn số 12.
Thời điểm đầu tháng 8/2010, hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài được phân chia cho nhóm chuyên gia thẩm định tăng cường, nhưng các chuyên viên thuộc Phòng Đăng ký thuốc là ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Phạm Hồng Châu đưa hồ sơ hai loại thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacinra thẩm định sớm, trước gần 1.000 hồ sơ thuốc khác.
Trước phiên tòa, ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương đều khai, việc đưa hồ sơ hai loại thuốc trên ra thẩm định sớm là thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Phạm Hồng Châu.
Nội dung bút phê của bà Châu tại Công văn số 12 được hiểu là ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương đưa hồ sơ hai loại thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin ra thẩm định sớm theo đề nghị của Công ty Vimedimex.
Nội dung “thực hiện theo chủ trương” được hiểu là phải “đưa hồ sơ ra thẩm định sớm” đã được bị cáo Phạm Hồng Châu trao đổi, giải thích từ trước.
Bà Vũ Bạch Dương trả lời HĐXX: “Dù không có văn bản cụ thể nào, nhưng tôi hiểu là có chủ trương giải quyết sớm hồ sơ, thông qua bút phê của lãnh đạo phòng. Và cụ thể trong trường hợp này là bị cáo Phạm Hồng Châu là Trưởng phòng Đăng ký thuốc chỉ đạo thực hiện”. Bà Vũ Bạch Dương cho biết thêm, nội dung văn bản đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc đều giống nhau. Có những cái bị cáo Phạm Hồng Châu chỉ bút phê là “giải quyết”, chứ không ghi rõ là theo chủ trương nào.
Quá trình điều tra xác định, Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược không có chủ trương hay quy định nào cho phép bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Phòng Đăng ký thuốc thuộc Cục Quản lý Dược được ưu tiên đưa hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp ra thẩm định sớm, trừ trường hợp có dịch bệnh sẽ có quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước bục khai báo, bị cáo Phạm Hồng Châu phủ nhận mình có quan hệ với các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cũng không thừa nhận có lợi ích vật chất từ các doanh nghiệp liên quan đến việc bị cáo chỉ đạo cấp dưới giải quyết sớm hồ sơ.