Óng vàng những phên tre bánh tráng

Đến thôn Thanh Bình (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) vào những ngày này, dọc con đường từ đầu thôn, chúng tôi bất ngờ bởi hình ảnh hàng trăm tấm phên tre phơi bánh tráng giăng kín. Được biết, ít nhất cũng có 4 cơ sở đang sản xuất bánh tráng tại đây.

Chị Tô Thị Hiền gầy dựng xưởng làm bánh tráng tại thôn Thanh Bình

Chị Tô Thị Hiền gầy dựng xưởng làm bánh tráng tại thôn Thanh Bình

Trong khuôn viên ngôi nhà tường rộng rãi, sạch đẹp, chị Tô Thị Hiền (31 tuổi) cặm cụi cắt từng chiếc bánh tráng để xếp vào thùng. Gắn bó với nghề làm bánh tráng đã 4 năm, chị Hiền bắt đầu câu chuyện với chúng tôi rằng, ngày còn học nghề ở Đức Trọng, chị đã được tiếp cận và được làm sơ qua bánh tráng. Rồi sau một thời gian, khi mọi thứ đã bắt đầu ổn định, thành thục, chị trở về thôn và phát triển nghề làm bánh tráng từ tháng 3/2022.

Bánh tráng ở thôn Thanh Bình được làm từ những nguyên liệu có sẵn, không có chất phụ gia. Gạo ngâm kỹ, xay thành bột, pha chút mì, muối cho bánh có thêm độ dẻo, đậm đà, nếu là bánh nướng (bánh đa theo cách gọi của người miền Bắc) thì rắc thêm mè đen hoặc mè trắng và trộn thêm bột nghệ để tạo màu vàng cho bánh. Pha bột tráng bánh thường phải để cho người có kinh nghiệm, quen cữ làm, bột pha đúng, đủ liều lượng thì bánh tráng mới không bị dính khuôn, dễ lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh cũng phải là người quen tay thạo việc thì miếng bánh thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Bánh phơi cũng phải biết lựa chọn thời điểm vừa đủ độ nắng, khoảng 2 tiếng là bánh giòn nhưng vẫn còn độ dẻo mịn, nếu thiếu nắng thì bánh bị chai sần và còn vị ngái, nếu nắng gắt quá thời gian, bánh sẽ dễ bị gẫy khi đóng gói và khô, không còn độ thơm ngọt. Trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh tráng nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng tốn bao công sức, thời gian, kể cả sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm.

Dành giụm số tiền khoảng 300 triệu đồng để đầu tư máy móc và diện tích khoảng chừng 100 m2 để làm bánh, chị Hiền cho biết, thời gian làm việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều. Số lượng làm ra trong 1 ngày được 8.000 bánh và được thương lái ở Đà Lạt và Quảng Ngãi vào thu mua tại chỗ. Hiện, xưởng của chị đang nhận làm công theo thời vụ, mỗi đợt như thế có khoảng 7 đến 8 nhân công và mức lương trả theo thâm niên làm nghề của mỗi người.

Khéo léo trong lúc đặt bánh lên phên, chị Mông Thị Vân - người cùng thôn làm việc tại cơ sở bánh tráng của chị Hiền chia sẻ: “Trước đây, người dân địa phương phần lớn chỉ biết lên rẫy làm cà phê. Gia đình nào kinh tế ổn định một chút thì sẽ đầu tư vào trồng cây sầu riêng hoặc trồng dâu nuôi tằm. Sau khi thấy chị Hiền về đây mở xưởng làm bánh tráng, tôi xin vào làm và gắn bó từ lúc thành lập xưởng tới nay. Trước đó, bản thân cũng đã phụ làm bánh tráng cho người trong thôn nên mọi thứ cũng không quá khó. Hiện mức thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng. Tôi thấy công việc này phù hợp, vừa có thu nhập trong gia đình lại gần nhà nên tương đối thuận lợi”.

Cũng như hộ gia đình chị Hiền, gia đình anh Luân Văn Thông (42 tuổi) bỏ số vốn 250 triệu đồng để đầu tư máy tráng bánh, nồi hấp, máy cắt bánh để phát triển. Vốn gắn bó với nghề trong thời gian 5 năm qua, vợ chồng anh hằng tháng đã có mức thu nhập ổn định cho gia đình và 6 nhân công làm thời vụ.

Anh Thông cho hay, thời gian trước, vợ chồng làm thủ công. Tuy nhiên, càng về sau này, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, đặc biệt là những ngày cận kề Tết, nhu cầu mua bán của các thương lái đòi hỏi vợ chồng phải mạnh dạn đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh tráng. Từ đó, năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công như trước đây.

Hiện nay, mặt hàng bánh tráng ở đây tiêu thụ rất dễ, các hộ làm xong, không cần phải mang đi bán, mà sang ngày hôm sau thương lái đến thu mua. Mỗi hộ có khoảng 7 đến 8 lao động thời vụ làm nghề bánh tráng, bảo đảm có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Nghề làm bánh tráng, tuy phải thức dậy sớm, nhưng không quá nặng nhọc, những người ngoài 50 tuổi vẫn làm tốt công việc này. Nhờ làm bánh tráng mà có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình một bộ phận dân cư trong thôn luôn ổn định về kinh tế.

Ông Hoàng Trần Phú Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết, thôn Thanh Bình hiện có 4 xưởng làm bánh tráng và mỗi xưởng như thế nhận từ 7 đến 8 nhân công thời vụ để làm. Nhờ mạnh dạn đầu tư để cải thiện kinh tế, việc này không những tăng thu nhập trong gia đình mà còn chủ động tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Xã cũng đang khuyến khích bà con đầu tư máy móc để phát triển sản phẩm, nhất là sản phẩm bánh tráng đang được thị trường ưa chuộng.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202211/ong-vang-nhung-phen-tre-banh-trang-3144968/