Ông Vi Kiến Thành: Tôi từng đề nghị cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh, tức là tôi

Tại hội thảo 'Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học' thuộc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 7 (9/11), một lần nữa bộ phim 'Đất rừng phương Nam' lại được làm nóng.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio chủ trì hội thảo đưa ra các vấn đề xoay quanh phim lịch sử hiện nay với các khách mời là nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đạo diễn Charlie Nguyễn; ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất As One Production.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, PGS. Bùi Hoài Sơn, ông Qian Zhongyuan, đạo diễn Charlie Nguyễn (từ trái qua).

Bà Đinh Thị Thanh Hương, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, PGS. Bùi Hoài Sơn, ông Qian Zhongyuan, đạo diễn Charlie Nguyễn (từ trái qua).

Ông Vi Kiến Thành từng đề nghị cách chức chính mình

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về chính sách của Trung Quốc tạo điều kiện ra sao cho sự phát triển điện ảnh, ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất As One Production cho biết: "Khi chúng tôi quay các bộ phim về đề tài lịch sử, điện ảnh, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, Cục Điện ảnh và các chuyên gia về lịch sử văn hóa. Để làm được một bộ phim lịch sử, chúng tôi có một nhóm chuyên gia lịch sử, văn hóa hỗ trợ ngay từ cảnh quay, phân tích các chi tiết nhỏ nhất.

Chúng tôi nhận được tài chính và sự hỗ trợ cho các cảnh quay từ chính phủ và các cơ quan chức năng, địa phương, nơi mà chúng tôi đến quay. Bắt đầu khi viết kịch bản, chế tác làm phim, lên sóng, chúng tôi nhận được hỗ trợ về tài chính ở tất cả các giai đoạn.

Tính chính xác của lịch sử vẫn được tôn trọng, đưa lên hàng đầu, không bóp méo nhưng trên nền tảng tính chất lịch sử đó thì người làm nghệ thuật vẫn sẽ phát huy được. Và chúng tôi cũng có ban ngành để thẩm định nghiêm khắc việc này".

Điện ảnh Việt Nam 5 năm vừa qua.

Trả lời câu hỏi về việc "nhiều bộ phim có yếu tố lịch sử sau khi đã được Hội đồng thẩm định phim trực thuộc Cục Điện ảnh kiểm duyệt và cho ra mắt nhưng vẫn vấp phải sạn và những tranh luận trên mạng xã hội cũng như trên báo chí. Trách nhiệm điều này thuộc về ai?", ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh) cho hay, hiện nay, việc các nhà làm phim tuân thủ theo Luật và với việc được Hội đồng thẩm định đánh giá và khán giả vẫn chưa có tiếng nói chung.

"Hội đồng và khán giả có luồng suy nghĩ cho rằng đã là phim lịch sử, huyền sử, dã sử phải bất di bất dịch, không có một chút nào sai với lịch sử. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói trước đó là khái quan niệm, kiểm nhận không đúng và không khách quan, không phù hợp với việc làm phim lịch sử.

Nhân đây tôi xin chia sẻ một câu nói của một nghệ sĩ, đạo diễn, một NSND khi phim "Đất rừng phương Nam" đang rộ lên trên cộng đồng mạng. Anh ấy có nói với tôi là: 'Các nhà làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh như người nông dân đang cày cuốc ở dưới ruộng. Còn ở trên bờ thì cường hà ác bá rất nhiều, chửi mắng dữ dội'.

Ông Vi Kiến Thành tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 7 (Ảnh: Thùy Dung).

Ông Vi Kiến Thành tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 7 (Ảnh: Thùy Dung).

Câu chuyện của "Đất rừng phương Nam" cũng là câu chuyện kéo dài. Cục Điện ảnh đã 3 lần lên báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Lần thứ 3 không khí rất căng thẳng. Bởi theo tôi hiểu, lúc đấy người ta rất muốn tìm ra một đơn vị, cá nhân cụ thể phải nhận trách nhiệm, phải nhận tội vì đã cho phép phim được phổ biến.

Tại đây, tôi trả lời rằng: Nếu chúng ta cần việc đấy để giải quyết vấn đề khủng hoảng truyền thông, tôi đề nghị chúng ta không nên quy kết cho đoàn làm phim cũng như nghệ sĩ làm phim "Đất rừng phương Nam", vì tôi thấy họ không sai, không có vấn đề gì cả. Tốt nhất để giải quyết vấn đề khủng hoảng truyền thông, tôi đề nghị là cách chức Cục trưởng Cục Điện ảnh - tức là tôi".

Nỗi sợ hãi mơ hồ về nhân vật, đề tài lịch sử

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay, một tác phẩm phim lịch sử ở Việt Nam lâu nay gặp khó khăn khi biên kịch và nhà làm phim tôn trọng lịch sử quá, dẫn đến nỗi sợ hãi mơ hồ về nhân vật, đề tài lịch sử làm kìm hãm sự sáng tạo.

"Chúng ta phải được quyền tạo ra một không gian sáng tạo nhân vật hay giai đoạn lịch sử đó. Ở Việt Nam có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình. Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử. Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy", ông Thiều cho hay.

Nối tiếp ý kiến này, Nhà sản xuất - Đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay, khi khán giả đón nhận một tác phẩm điện ảnh lịch sử là chúng ta đón nhận phim chứ không phải lịch sử. Nhưng nhiều người đón nhận tác phẩm điện ảnh đấy như một bộ phim tài liệu, điều này khó cho người làm phim.

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (từ trái qua).

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (từ trái qua).

"Cái khó khăn cho một bộ phim lịch sử là thực tế sẽ có câu hỏi: Ai? Ở đâu? Sự kiện diễn ra là gì?". Nhưng trong điện ảnh thì nhân vật lịch sử, câu chuyện lịch sử phải có tinh thần, nội tâm, xúc cảm, … của nhân vật. Và đây là trách nhiệm vai trò của nhà làm phim và biên kịch ý giúp khán giả yêu lại nhân vật lịch sử nhờ xúc cảm. Chứ điện ảnh mà giống lịch sử thì sẽ khô khan", vị đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh.

Đồng ý với quan điểm của Charlie Nguyễn, PGS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Tôi thấy ý kiến của mọi người rất xác đáng, nhất là ý kiến của anh Charlie Nguyễn là: Làm thế nào để chúng ta có một bộ phim lịch sử? Tôi cho rằng phim lịch sử sẽ là dòng phim quan trọng đối với đất nước chúng ta. Chúng ta luôn mong muốn phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam.

Phim lịch sử truyền tải rất nhiều những thông điệp. Không chỉ là thông điệp về nghệ thuật, mà còn là thông điệp về lịch sử, văn hóa, chính trị… Đó chính là lý do tại sao chúng ta luôn luôn mong muốn và khuyến khích thực hiện một bộ phim lịch sử. Từ đó, các thông điệp trở nên hấp dẫn hơn và dễ hiểu hơn".

PGS. Hoài Sơn cho biết, mình từng quan sát và thấy có rất nhiều những nguyên nhân cản trợ sự phát triển của phim lịch sử ở Việt Nam. Đặc biệt từ các cơ quan quản lý. Theo ông, "Cái này vừa đúng vừa sai".

Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm của mỗi người

Vẫn theo ý kiến của PGS. Hoài Sơn, tôn trọng lịch sử là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là của giới văn nghệ sĩ. Lịch sử cần phải được tôn vinh, tôn trọng, cần phải trở thành một nguồn lực để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Trên cơ sở đó, cần giáo dục đạo đức, xây dựng niềm tự hào, tự tin, tự tôn dân tộc. Đó là một trách nhiệm rất là lớn của tác phẩm nghệ thuật.

"Chúng ta có rất nhiều những chính sách để khuyến khích các dòng phim lịch sử nhưng khi ban hành sửa đổi Luật Điện ảnh năm 2022 tại Điều 9 - Khoản D, mọi người nghĩ rằng điều khoản này cản trở sự phát triển hoặc gây ra những khó khăn cho dòng phim lịch sử. Cụ thể 'Cấm xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận danh tiếng cách mạng, xúc phạm dân tộc, doanh nhân, anh hùng dân tộc, thể hiện không đúng để xâm phạm chủ quyền quốc gia, vu khống, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức và danh dự nhân phẩm của cá nhân', nhưng khi xây dựng luật ở bất cứ đất nước nào, cũng đều có những điều cấm, điều này là cần thiết", ông Sơn nhấn mạnh.

Một phần khung cảnh hội thảo.

Một phần khung cảnh hội thảo.

PGS. Bùi Hoài Sơn đồng ý rằng lịch sử có rất nhiều những chi tiết đúng như "ai, làm gì, ở đâu" nhưng cũng có rất nhiều những góc khuất, chính những góc khuất này, chúng ta có thể có sáng tạo làm cho lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim của mọi người hơn.

"Đó là lý do tại sao chúng ta mong luôn rằng các nghệ sĩ, những người sáng tạo có thể dựa trên những tình tiết lịch sử có thật. Phải tôn trọng những giá trị lịch sử như là trách nhiệm đạo đức, nhưng hoàn toàn có thể sáng tạo được.

Mong muốn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, nhưng không phủ nhận những giá trị của lịch sử, không phủ nhận những cái gì mà tất cả mọi người đã thừa nhận. Còn lại những góc khuất hoàn toàn có thể sáng tạo được. Để làm điều đó, nhà nước của chúng ta cũng khuyến khích rất nhiều.

Hàng năm, nhà nước vẫn đặt hàng để khuyến khích mọi người quan tâm nhiều hơn đến chủ đề lịch sử. Từ đó, tạo điều kiện cho phong trào yêu thích lịch sử, tìm hiểu lịch sử.

Nhà nước đã tạo điều kiện tối đa cả về việc sửa đổi Luật Điện ảnh theo hướng của công nghiệp văn hóa. Tức là tất cả các khâu từ sáng tác, khai thác các chủ đề lịch sử, văn hóa dân tộc, hay tập trung cho công nghệ và kỹ năng kinh doanh điện ảnh để từ đó hình thành đến thị trường điện ảnh tốt.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn. Chúng ta cũng có hành lang pháp lý, chính sách rồi. Tất nhiên, tất cả mọi thứ cần thời gian để thích nghi, phù hợp hơn với cuộc sống. Nhưng tôi tin rằng, chúng ta đang đi trên một con đường đúng đắn!", ông Sơn khẳng định tại hội thảo.

An An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-kien-thanh-toi-tung-de-nghi-cach-chuc-cuc-truong-cuc-dien-anh-tuc-la-toi-192241109165836758.htm