Ông Vũ Đình Độ lý giải việc Tasco chọn đối tác Trung Quốc Geely

Theo Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ, Tasco lựa chọn Geely làm đối tác vì bên cạnh là một nhà sản xuất xe lớn của Trung Quốc, tập đoàn còn sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Volvo, Lotus...

Ông Vũ Đình Độ (giữa) chủ trì đại hội, bên cạnh Tổng giám đốc Hồ Việt Hà (trái) và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thế Minh. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Ông Vũ Đình Độ (giữa) chủ trì đại hội, bên cạnh Tổng giám đốc Hồ Việt Hà (trái) và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thế Minh. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Tại đại hội thường niên năm 2025 của CTCP Tasco (HNX: HUT), một vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu là dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô (CKD) do Tasco liên doanh cùng Geely – tập đoàn Trung Quốc sở hữu nhiều thương hiệu quốc tế lâu đời như Volvo, Polestar, Lotus.

Dự án có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến ở mức 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Geely sẽ góp vốn 36%.

Trả lời cổ đông tại đại hội, ông Phạm Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco Auto cho biết Tasco đang triển khai dự án tại tỉnh Thái Bình. Nhà máy này sẽ phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, đặc biệt là các nước ASEAN, Đông Âu, Nam Mỹ và Trung Đông.

Về tiến độ, dự án dự kiến khởi công trong năm 2025 và có sản phẩm ra thị trường từ năm 2026. Bên cạnh việc xây dựng nhà máy, Tasco có kế hoạch hợp tác với các nhà cung ứng phụ tùng để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phục vụ tốt hơn cho định hướng xuất khẩu trong tương lai.

Đánh giá tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam, ông Phạm Văn Dũng cho biết hiện nay biên lợi nhuận ngành chưa cao, nhưng tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Số lượng ô tô trên 1.000 dân tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, mở ra dư địa phát triển mạnh trong trung và dài hạn.

Chiến lược của Tasco Auto là tích hợp toàn bộ chuỗi giá trị ngành ô tô. Trong ngành này, doanh thu và lợi nhuận từ bán xe mới chỉ chiếm khoảng 25%, trong khi 75% còn lại đến từ các dịch vụ sau bán hàng và giá trị vòng đời của xe. Do đó, việc tích hợp này sẽ giúp Tasco Auto cải thiện biên lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.

“Hiện Tasco Auto đang phân phối các thương hiệu như Volvo, Lynk & Co, và trong năm qua, chúng tôi cũng đã chính thức đưa Geely Auto vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu này đang trong giai đoạn xây dựng hình ảnh và độ phủ thị trường, đóng vai trò là bước đệm quan trọng để tạo ra đột phá về sản lượng khi nhà máy CKD đi vào hoạt động,” ông Phạm Mãnh Dũng cho biết tại đại hội.

Ông Vũ Đình Độ trả lời cổ đông tại đại hội ngày 26/5. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Ông Vũ Đình Độ trả lời cổ đông tại đại hội ngày 26/5. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Khi được cổ đông hỏi về lý do lựa chọn Geely làm đối tác, Chủ tịch HĐQT Tasco Vũ Đình Độ cho biết nếu nhìn lại lịch sử ngành ô tô, 50 năm trước là thời kỳ thăng hoa của Nhật Bản, trong khi 20 năm trở lại đây là sự trỗi dậy của Hàn Quốc.

“Trong 20 năm tới đây, chúng ta không thể không nhắc đến Trung Quốc với tư cách là một trong những quốc gia giữ vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô thế giới, nhờ vào lợi thế cạnh tranh của họ,” ông Vũ Đình Độ nói.

“Trong bối cảnh đó, Tasco cố gắng chọn một đơn vị phù hợp nhất và tạo ra sự yên tâm nhất, đó chính là Geely – doanh nghiệp Trung Quốc nhưng quốc tế nhất. Điều này cho phép chúng tôi có nhiều sản phẩm khác nhau để phân phối ở cùng một địa điểm bán hàng, tăng lựa chọn cho khách hàng và tối ưu nhất về hạ tầng,” ông Vũ Đình Độ chia sẻ thêm.

Theo Chủ tịch Tasco, Geely là một tập đoàn tư nhân lớn mạnh, không chỉ sở hữu thương hiệu nội địa Trung Quốc mà còn đầu tư vào Volvo, Lotus, liên doanh sản xuất xe thông minh với Mercedes. Lynk & Co – thương hiệu Tasco đang phân phối cũng chính là kết quả hợp tác giữa Volvo và Geely, kết nối giữa phong cách Bắc Âu và công nghệ sản xuất Trung Quốc.

Ông Vũ Đình Độ đánh giá Việt Nam còn có lợi thế địa lý gần Trung Quốc, là điểm trung chuyển lý tưởng trong chuỗi cung ứng, giúp tăng tốc độ và hiệu quả trong sản xuất – xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường ASEAN.

Về chiến lược triển khai, Tasco lựa chọn làm phân phối và bán lẻ trước khi đầu tư nhà máy. Theo Chủ tịch Tasco, công ty ưu tiên kiểm nghiệm phản ứng thị trường thực tế, xem dòng xe nào phù hợp, được ưa chuộng rồi mới quyết định đầu tư sản xuất. Cách làm này giúp giảm rủi ro “chọn nhầm” sản phẩm và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.

“Như nội bộ chúng tôi vẫn nói 'phải đi buôn trước khi đầu tư", để có thể lựa chọn đúng và tránh đi vào lối mòn sản xuất trước mà không biết có bán được hay không,” ông Vũ Đình Độ cho biết thêm.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ong-vu-di-nh-do-ly-giai-viec-tasco-chon-doi-tac-trung-quoc-geely-41941.html