Ông Vũ Thế Bình: Du lịch Việt ứng phó với 'bão' tài chính bằng giá trị

Nếu ngành du lịch chỉ tập trung vào giảm giá mà không nâng cao chất lượng dịch vụ, sẽ đánh mất cả khách lẫn thương hiệu. Do đó, thay đổi tư duy để nâng cao giá trị là việc cần làm ngay.

“Cơn bão” tài chính đang cuốn giá cả từ vé máy bay đến khách sạn, dịch vụ… không ngừng leo thang. Thế nhưng trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp du lịch lại nhận ra rằng đã đến lúc câu chuyện của toàn ngành không còn là giá rẻ nữa mà chính là giá trị.

Và đây cũng là nội dung Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VITM Hà Nội 2025 (diễn ra từ 10-13/4), ông Vũ Thế Bình đề cập khi trao đổi với phóng viên về các hoạt động của mùa hội chợ năm nay. “Nếu cứ chạy theo giảm giá, du lịch Việt Nam sẽ mặc nhiên được định vị là điểm đến giá rẻ, khó lòng cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, lưu trú dài ngày,” ông Bình nhấn mạnh.

Thời của “giá trị” thay vì “giá rẻ”

Các chương trình khuyến mại vé máy bay, tour du lịch, phòng khách sạn… cho các kỳ nghỉ sắp tới được chào bán tại VITM Hà Nội 2025 như thế nào luôn là một trong những vấn đề được các tín đồ đam mê du lịch quan tâm mỗi kỳ tổ chức hội chợ.

Ông Vũ Thế Bình cho biết như mọi năm, tại VITM Hà Nội 2025, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ chào bán hàng chục nghìn vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch, combo du lịch hấp dẫn với nhiều ưu đãi. Song, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nhấn mạnh, câu chuyện các doanh nghiệp du lịch và toàn ngành sẽ bàn trong dịp này không phải là “giá rẻ” nữa mà chính là “giá trị.”

Theo ông Bình, không chỉ người “ngoài cuộc” mà hiện nhiều người trong ngành vẫn nghĩ rằng giảm giá là cách hiệu quả để kích cầu. Tuy nhiên, thực tế tư duy đó đã không còn phù hợp với xu thế ngày nay.

 Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VITM Hà Nội 2025, ông Vũ Thế Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VITM Hà Nội 2025, ông Vũ Thế Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nơi sản phẩm chính là dịch vụ. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào giảm giá mà không nâng cao chất lượng dịch vụ, sẽ đánh mất cả khách lẫn giá trị thương hiệu,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh. Bởi theo vị chuyên gia này, giảm giá quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ phá giá sau mỗi năm, giảm 20% năm nay, 20% năm sau… thì chẳng mấy chốc chỉ còn lại con số 0.

Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp du lịch cần thay đổi chiến lược: “Thay vì bán rẻ hãy tăng thêm giá trị.” Nghĩa là bổ sung các tiện ích, dịch vụ gia tăng, như tặng thêm bữa ăn, tặng quà lưu niệm hay trải nghiệm miễn phí nào đó để khách cảm thấy hài lòng, xứng đáng với chi phí họ bỏ ra. Một số doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu đi theo hướng này và bước đầu đạt được thành công.”

“Không cần nói nhiều, họ đã hành động”

Có thể nói, hậu đại dịch COVID-19, cả thế giới chứ không riêng Việt Nam đều đang phải chuyển mình. Giờ đây, cách con người tiếp cận du lịch đã khác, từ nhu cầu, hành vi tiêu dùng đến thói quen lựa chọn sản phẩm dịch vụ cũng thay đổi rõ rệt.

Những trải nghiệm thực sự an toàn và tính bền vững của điểm đến là các yếu tố du khách quan tâm hàng đầu. Vì muốn được thưởng thức, khám phá, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc nên nhiều người sẵn sàng chi nhiều hơn, miễn sao chất lượng dịch vụ tốt. Do đó, các loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch gắn với khám phá, nghiên cứu ngày càng phát triển.

Các chuyên gia nhận định, đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam chuyển mình. Một trong những xu hướng nổi bật hiện nay là du lịch xanh. Trước đây, du lịch xanh thường được thấy như là một khẩu hiệu nhiều hơn, thì nay buộc phải trở thành hành động cụ thể từ sản phẩm, dịch vụ, đến hệ sinh thái vận hành.

 Giá trị bền vững của du lịch được góp phần từ văn hóa truyền thống, từ di sản, từ lịch sử hào hùng của dân tộc... (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

Giá trị bền vững của du lịch được góp phần từ văn hóa truyền thống, từ di sản, từ lịch sử hào hùng của dân tộc... (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

“Người dân ở châu Âu hay Mỹ đã thay đổi từ rất sớm. Giờ đây vào các khách sạn, bạn sẽ không còn thấy cốc nhựa, thìa nhựa. Mọi thứ được tái chế, thân thiện môi trường. Không cần nói nhiều, họ đã hành động. Còn ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta vẫn có tâm lý có gì dùng nấy, dẫn đến lãng phí và làm chậm quá trình chuyển đổi,” ông Vũ Thế Bình nhìn nhận.

Trước thực tế cần phải thay đổi và thích nghi để bắt kịp thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định rõ, cần chuyển đổi xanh càng sớm, càng mạnh mẽ càng tốt. Mục tiêu là để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sớm đạt các tiêu chuẩn xanh, được công nhận bằng các nhãn chứng nhận uy tín, để khẳng định chất lượng dịch vụ và nâng tầm thương hiệu quốc gia.

“Triển khai định hướng đó, năm 2024 khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động khẩu hiệu ‘Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững,’ chúng tôi không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng tích cực như vậy. Trong đó, có đánh giá rất cao từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Họ cho rằng đây là một khẩu hiệu đơn giản nhưng truyền cảm hứng, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ và thôi thúc hành động thực chất từ các bên liên quan,” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.

Để tạo sự chuyển mình thực sự mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm chuyển đổi xanh không phải là một chiến dịch ngắn hạn mà là cả quá trình lâu dài, gian nan và đòi hỏi sự bền bỉ, năm nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục lấy chủ đề “Phát triển điểm đến du lịch xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam” cho VITM Hà Nội 2025.

 Nghi lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc được tái hiện trên sàn diễn thời trang tại một khu nghỉ dưỡng ở Hà Giang, mang đậm "hương vị" núi rừng vừa mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa vừa thu hút du khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nghi lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc được tái hiện trên sàn diễn thời trang tại một khu nghỉ dưỡng ở Hà Giang, mang đậm "hương vị" núi rừng vừa mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa vừa thu hút du khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Việc tập trung vào điểm đến xanh không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hiệu quả hơn, có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Vì sao du lịch cần tập trung vào yếu tố “xanh” trong dài hạn? Muốn tư duy xanh, hành động xanh thực sự thấm vào từng người lao động, từng doanh nghiệp thì toàn ngành cần phải lặp đi lặp lại, cần làm sâu và làm thật.

Bởi điểm đến chính là “linh hồn” của ngành du lịch. Cũng vì thế, các chuyên gia cho rằng muốn có sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút và níu chân du khách thì trước hết điểm đến phải đủ hấp dẫn, đủ thân thiện và đủ bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ong-vu-the-binh-du-lich-viet-ung-pho-voi-bao-tai-chinh-bang-gia-tri-post1026705.vnp