'Ông vua vũ khí' từng bỏ mức lương 22 lượng vàng ở Pháp theo Bác Hồ về nước
Ông được mệnh danh là 'ông vua vũ khí' của Việt Nam, từng từ bỏ mức lương 22 lượng vàng tại Pháp theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc.
Người được nhắc tới chính là Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Hiệu trưởng đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trần Đại Nghĩa (1913-1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra tại Chánh Hiệp, Tam Bình, Vĩnh Long.
Năm 1935, ông sang Pháp du học. Sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ nhận cùng lúc ba bằng đại học: kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân Toán học. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác, gồm: hàng không, mỏ - địa chất và chế tạo máy.
Trong 11 năm du học ở nước ngoài, ông âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí. Tháng 9/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết mới các nhân sĩ về cống hiến cho đất nước, Phạm Quang Lễ là một trong số những thanh niên, trí thức ưu tú đó. Khi ấy, ông chủ động đề đạt nguyện vọng về nước, dùng những kiến thức đã tích lũy phục vụ sự nghiệp cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giáo sư Trần Đại Nghĩa. (Ảnh tư liệu)
Theo cuốn hồi ký "Trở về Tổ quốc kính yêu", ngày 19/9/1946, Phạm Quang Lễ về nước cùng Bác, mang theo 1 tấn tài liệu được đóng hòm dán nhãn "ngoại giao". Trước đó, ông được hưởng mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 franc/tháng, tương đương khoảng với 22 lượng vàng lúc bấy giờ.
Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Cùng nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông cái tên Trần Đại Nghĩa.
Được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ, Trần Đại Nghĩa cùng đồng đội xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ, góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.
Bên cạnh chế tạo súng, ông còn chỉ đạo anh em Cục Quân giới chế tạo bom bay. Đầu năm 1948, sau gần 3 tháng nghiên cứu thành công, bom bay do Việt Nam chế tạo ra đời.
Đầu năm 1949, bộ đội ta bắn thử loại bom này. Khi bắn quả đạn bay qua sông Hồng rơi đúng vào trung tâm chỉ huy của Pháp. Tuy thiệt hại vật chất không lớn, nhưng loại bom này khiến quân Pháp khiếp sợ, hoang mang.
Ngoài chế tạo vũ khí, ông còn mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật vũ khí và trực tiếp đứng lớp. Hầu hết học viên do ông đào tạo sau này đều là những cán bộ chủ chốt.
Ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), Trần Đại Nghĩa viết vào cuốn sổ tay của mình: "Đã hoàn thành nhiệm vụ!". Cả cuộc đời mình, ông đã sống và làm việc xứng đáng với ý nghĩa của cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác đã từng nói: "Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với Nhân dân, với đất nước".