'Ông Xích Lô' có bí quyết 'khơi gợi' tinh thần làm du lịch cho nông dân

Thay vì đọc văn bản với quyết định này, nghị quyết kia một cách khô khan, khó thẩm thấu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp hay còn được gọi là ông Xích Lô - có bí quyết lạ, 'khơi gợi' tinh thần làm du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương, đó là thông qua những câu chuyện kể gần gũi và mộc mạc, nhưng hàm chứa những bài học sâu sắc.

 Ông "Xích Lô" Lê Minh Hoan có bí quyết lạ, "khơi gợi" tinh thần làm du lịch nông nghiệp cho người dân. Ảnh: Trung Chánh

Ông "Xích Lô" Lê Minh Hoan có bí quyết lạ, "khơi gợi" tinh thần làm du lịch nông nghiệp cho người dân. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” do nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang, Đài Phát thanh Truyền hình Hậu Giang (HGTV) tổ chức hôm 8-7, thông qua những câu chuyện kể giản dị và mộc mạc, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp muốn “khơi gợi” cho người nông dân nhận ra được những giá trị vô hình từ nông nghiệp; cách để người nông dân thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp hay tiếp cận cách làm ăn mới, đó là làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Còn tại tọa đàm “Phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp” được tổ chức vào hôm nay, 11-7, trong khuôn khổ tuần lễ văn hóa du lịch Đồng Tháp 2019 ở địa phương này cũng bằng cách kể chuyện, ông đã truyền đi ba thông điệp, đó là thứ nhất, phải định hình lại cái suy nghĩ; thứ hai, phải có tính kiên trì trong công việc mới và thứ ba là xây dựng một niềm tin.

Trước khi đi vào câu chuyện, ông Hoan nói: “Tôi có câu chuyện này, tôi kể xong và mong muốn quý vị (đại biểu tham dự tọa đàm- PV) sẽ “có cảm xúc gì đó” và tôi sẽ dẫn giải thêm ý tôi”.

Mở đầu câu chuyện anh thanh niên đi câu cá và ông ăn xin - một câu chuyện tưởng chừng không liên quan gì đến làm du lịch nông nghiệp - ông nói: “Có một anh thanh niên đi câu cá, trên đường về anh gặp ông ăn xin nằm đói lã bên vệ đường nên đã lấy con cá trong giỏ đem cho ông ăn xin nướng ăn”.

Theo ông Hoan, sau khi cho ông ăn xin con cá, người thanh niên đi câu cá về làng khoe với một người bạn rằng anh đã làm được một việc tốt, đó là cho ông ăn xin con cá.

Tuy nhiên, ông Hoan cho biết, anh bạn của anh thanh niên đi câu cá khi nghe câu chuyện, dù khen “cho con cá cũng được đó”, nhưng đặt câu hỏi: “Không lẽ mỗi ngày đều đem cho ông ăn xin con cá hay sao?” và khuyên nên cho cần câu để ông ăn xin đi câu kiếm sống.

Theo ông Hoan, đến ngày hôm sau, ông ăn xin nhận được cần câu và được chỉ cách thức câu cá để kiếm sống ở ngày sau đó nữa.

Tuy nhiên, ông Hoan cho biết, cả ba người thanh niên (tức người cho cá, người cho cần câu và người chỉ cách thức câu cá cho ông ăn xin) khi kể câu chuyện này với một lão ngư, thì lão ngư nói: “Cho ông ăn xin con cá, cần câu và chỉ cách câu, các cháu làm việc đó cũng tốt, nhưng hình như chưa đủ”.

Ba người thanh niên mới hỏi lão ngư chưa đủ vì sao, thì lão ngư cho biết lão đã nói chuyện với ông ăn xin mấy lần và thấy có ba điều đối với ông ăn xin này: thứ nhất, ông ăn xin thấy cuộc đời mình không có gì khác ngoài ăn xin, tức trong tâm thức suy nghĩ chỉ có "ăn xin và ăn xin", chứ không nghĩ gì khác, thành ra, đầu tiên phải “định hình lại cái suy nghĩ” của ông ăn xin, chứ không phải cho con cá, cần câu hay kỹ năng đi câu; thứ hai, việc câu cá không phải lúc nào cũng có, tức đôi khi cũng không có cá, thành ra, phải nói cho ông ăn xin biết kiên trì trong công việc mới; thứ ba, là xây dựng cho ông ăn xin một niềm tin rằng ông có thể làm được.

Từ câu chuyện kể của mình, ông Hoan quay lại chuyện làm du lịch nông nghiệp và nhấn mạnh: “Như tôi nói, đối với một nghề nghiệp mới mà chúng ta tiếp cận giống như ông ăn xin muốn chuyển đổi nghề, từ đi ăn xin con cá qua đi câu cá là cả một hành trình và nó đòi hỏi phải định hình lại suy nghĩ, phải kiên trì, nhẫn nại trước công việc mới và phải xây dựng được niềm tin rằng (bà con nông dân) sẽ làm được”.

Cụ thể hơn, theo ông Hoan, trước giờ người nông dân mấy đời làm lúa, làm vườn, tức nông dân nhiều khi cũng cố hữu, suy nghĩ chỉ có làm nông, làm ruộng. “Bây giờ, chuyển sang làm du lịch nông nghiệp, tức một chân trời mới mở ra nên đòi hỏi nông dân phải thay đổi”, ông cho biết.

Cũng theo ông Hoan, câu chuyện ở trên là “cái cẩm nang” chỉ ra trong những giáo trình để chứng minh rằng, sự thành công trong mỗi con người, thì kiến thức, kỹ năng chỉ chiếm 30% (gồm 25% kiến thức, 5% kỹ năng) và 70% còn lại là thái độ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291364/ong-xich-lo-co-bi-quyet-khoi-goi-tinh-than-lam-du-lich-cho-nong-dan.html