Ông Y Thanh Hà Niê KĐăm kêu gọi đồng bào Tây Nguyên giữ vững khối đại đoàn kết

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, người con của núi rừng Tây Nguyên kêu gọi đồng bào không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu; cùng chung tay giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Từ vụ tấn công vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) vào sáng 11/6, để hiểu rõ hơn về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng như các chính sách chăm lo cho bà con ở đây, PV VietNamNet phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm.

Tôi rất căm phẫn trước hành động man rợ của những kẻ sát nhân

Là người con của núi rừng Tây Nguyên, từng là Bí thư Huyện ủy Cư M’Gar, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước sự việc đáng tiếc ngày 11/6 xảy ra tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk?

Tôi là người con của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được lớn lên và trưởng thành tại tỉnh Đắk Lắk, gia đình, dòng họ của tôi gắn bó lâu đời với vùng đất Bazan Tây Nguyên. Lớn lên trong bối cảnh đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc ngoại xâm, đất nước độc lập, thống nhất, non sông liền một dải, tôi thấm thía sâu sắc giá trị của độc lập, tự do.

Để có được ngày hôm nay, các thế hệ ông, cha, anh đi trước, trong đó có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, kề vai sát cánh, bền bỉ, kiên cường chiến đấu và chiến thắng trước kẻ thù xâm lược.

Có được cuộc sống hôm nay là nhờ ơn Đảng và các bậc tiền bối đã cống hiến xương máu của mình để gìn giữ hòa bình, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển văn minh, dân giàu, nước mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm. Ảnh: Quốc hội

Sự kiện rạng sáng ngày 11/6/2023, một số đối tượng nghe theo sự dụ dỗ, xúi giục đã manh động, liều lĩnh tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), sát hại cán bộ, công an và người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Khi hay tin sự việc xảy ra, tôi rất căm phẫn trước hành động man rợ của những kẻ sát nhân. Tôi mong đồng bào các dân tộc chúng ta đừng để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động mà làm điều trái với lương tâm, trái với pháp luật, trái với truyền thống tốt đẹp của đồng bào.

Am hiểu về đời sống cũng như các tập tục, sinh hoạt, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ông có nhìn nhận như thế nào về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của bà con ở đây?

Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là địa bàn cư trú của 52/54 thành phần dân tộc cả nước, trong đó có 51 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người.

Đây là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc, với sức sống trường tồn của những áng sử thi, thơ ca, gắn liền với phong tục tập quán, nghi lễ và ca, múa, nhạc, các lễ hội truyền thống, những quan niệm về vũ trụ, về con người một cách độc đáo; là tinh hoa của văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng, về giá trị nghệ thuật, giá trị vật chất, giá trị tinh thần cố kết, giá trị lịch sử của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường. Trong suốt chiều dài của lịch sử, các dân tộc sinh sống nơi đây đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, son sắt một lòng đi theo Bác Hồ, theo Đảng.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết, tương thân tương ái, coi đây là nền tảng chính yếu cho cuộc sống cộng đồng, là cơ sở để thể hiện tính cộng đồng của mình.

Trong kháng chiến và xây dựng, bảo vệ đất nước, bà con luôn đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ trong các cuộc đấu tranh cách mạng.

Trong hòa bình, chia sẻ cùng khó khăn chung của cả nước, của vùng, người dân ở đây đã nhường đất, góp công cho những công trình hạ tầng thiết yếu, các tổ hợp sản xuất, cùng đội ngũ cán bộ chăm lo sản xuất, chăm chỉ làm ăn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Rừng ở Tây Nguyên có tầm quan trọng đặc biệt

Khi sự việc xảy ra, với vai trò là cơ quan giám sát của Quốc hội về các vấn đề liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc, Hội động Dân tộc đã có những động thái gì?

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Hội đồng Dân tộc được phân công chủ trì giúp Quốc hội triển khai thực hiện chuyên đề giám sát này.

Ngay trong ngày 11/6, Tổ giám sát của Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát tại tỉnh Đắk Lắk; đồng thời khảo sát nắm bắt tình hình liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Sắp tới, Hội đồng dân tộc phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Công an tổ chức hội nghị tại Tây Nguyên để bàn về việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách phát triển kinh tế, chăm lo đến an sinh xã hội cũng như việc bảo tồn không gian sống, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên?

Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Kinh tế vùng Tây Nguyên đã đạt được kết quả khá toàn diện, chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất trọng điểm của một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn. Tây Nguyên đang hình thành chuỗi phát triển du lịch liên vùng, dần trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa đặc sắc, có sức hấp dẫn, cuốn hút du khách.

Trong ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các thôn, buôn thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk vào tháng 11/2018 - Ảnh: Lao Động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu trưng bày các mặt hàng nông sản ở Tây Nguyên bên lề Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên vào ngày 20/11/2022. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, tặng quà công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19 vào sáng 30/6/2021. Ảnh: Quốc hội

Đời sống văn hóa của nhân dân Tây Nguyên ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các tộc người được nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy, một số di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa của Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; chỉ số sức khỏe của người dân trong vùng cải thiện tích cực; mạng lưới y tế dự phòng tại các tỉnh Tây Nguyên được củng cố.

Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nước đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng, xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng.

Rừng ở Tây Nguyên có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng, tăng cường thế trận phòng thủ Quốc gia. Rừng Tây Nguyên còn là một phần tự nhiên trong bản sắc văn hóa hàng ngày của các dân tộc thiểu số tại chỗ, là không gian sống, một phần không thể bị đánh mất của văn hóa Việt Nam.

Chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Qua vụ việc này, theo ông cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm gì để tránh sự việc tương tự xảy ra?

Theo tôi, các chính sách phát triển Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ về cả chính trị - tư tưởng, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh; chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo.

Sự ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng trong đảm bảo ổn định và phát triển vùng Tây Nguyên và là cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là đoàn kết Kinh - Thượng.

Vì vậy, phải có chính sách, giải pháp đúng đắn nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; coi trọng tính đặc thù, đặc điểm, tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào khi giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể.

Bên cạnh đó, chúng ta cần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo của người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm cùng bà con xã Ea Tiêu dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 tại Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm cùng bà con xã Ea Tiêu dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 tại Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Một điều không thể thiếu đó là tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách đến người dân để cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của từng địa phương; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, cần chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định cùng phát triển với các nước láng giềng.

Đồng thời cần coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Theo ông, trong thời gian tới, Nhà nước cần có những chính sách gì ưu tiên hơn nữa dành cho khu vực Tây Nguyên?

Với vị trí chiến lược quan trọng, các thế lực thù địch, phản động luôn xác định Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó là triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để người dân thể hiện được vai trò vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể tham gia đầu tư.

Điều này cũng là để Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, ổn định sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ông có gửi gắm thông điệp gì đến đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung?

Trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, JRai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: tư liệu

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: tư liệu

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước đã và đang quan tâm, đề ra những chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện để chăm lo, săn sóc cho đồng bào, mang đến những điều kiện tốt nhất để đồng bào phát triển toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội.

Vì vậy, đồng bào chúng ta hãy yên tâm, tin tưởng, đoàn kết một lòng, không nghe theo lời dụ dỗ, xúi giục, kích động, lôi kéo, chia rẽ của kẻ xấu. Cùng chung tay giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên chính mảnh đất quê hương tươi đẹp, yêu dấu của chúng ta.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-y-thanh-ha-nie-kdam-keu-goi-dong-bao-tay-nguyen-giu-vung-khoi-dai-doan-ket-2156078.html