Ông Zelensky kiên quyết không rút quân sau cuộc điện đàm Trump-Putin
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/5 kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc rút quân Ukraine khỏi bốn khu vực hiện đang bị Moscow chiếm đóng một phần.
“Đây là đất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không rút lui khỏi lãnh thổ của mình… Điều đó chứng minh rằng phía Nga không thực sự muốn hòa bình. Nếu họ tiếp tục đưa ra những điều kiện mà họ biết rõ chúng tôi không thể chấp nhận, thì không thể có thỏa thuận nào", ông Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/5.
Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ giữa ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump mà không đạt được bước tiến nào trong việc thiết lập lệnh ngừng bắn toàn diện.
Trong cuộc gọi, ông Putin cho biết sẵn sàng thảo luận về một "bản ghi nhớ liên quan đến một hiệp ước hòa bình tiềm năng" nhưng khẳng định lập trường cứng rắn của Moscow không thay đổi: Nga vẫn theo đuổi mục tiêu “loại bỏ tận gốc nguyên nhân xung đột".

Tổng thống Ukraine Zelensky (Ảnh: Reuters)
Sau cuộc trò chuyện, ông Trump phát biểu trên Truth Social rằng Nga và Ukraine sẽ "ngay lập tức bắt đầu" các cuộc đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn và chấm dứt hoàn toàn xung đột.
“Các điều kiện ngừng bắn sẽ do hai bên trực tiếp thương thảo — và chỉ họ mới nắm được đầy đủ chi tiết của tiến trình này”, ông Trump nói.
Trong khi đó, trợ lý chính sách đối ngoại của Kremlin, Yuri Ushakov, tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trong 2 giờ 5 phút, song không đề cập đến bất kỳ thời hạn cụ thể nào cho việc ngừng bắn.
Ông Zelensky, trong tuyên bố cùng ngày, nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất đối với Trump là “các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga”, đồng thời cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cùng cố vấn Tổng thống Nga Vladimir Medinsky đã thảo luận về một thỏa thuận trao đổi tù nhân với tỷ lệ "1.000 đổi 1.000". Theo nhà lãnh đạo Kiev, cuộc trao đổi có thể diễn ra “trong vài ngày hoặc vài tuần tới” nhưng lưu ý rằng dân thường sẽ không nằm trong danh sách trao đổi.
Một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine cho hay ông Zelensky đã có hai cuộc trò chuyện với ông Trump trong ngày 19/5; trước và sau khi ông Trump nói chuyện với ông Putin. Trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Mỹ, ông Zelensky cho biết ông đã thể hiện sự ủng hộ đối với một lệnh ngừng bắn, khẳng định rằng mọi quyết định liên quan đến tương lai của Ukraine phải có sự tham gia và đồng thuận của Kiev.
"Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe về bản ghi nhớ đó, nhưng Ukraine sẽ không chấp nhận các cuộc thỏa thuận diễn ra sau lưng mình", ông Zelensk nói.
Ông Zelensky cũng cho biết Liên minh châu Âu đang chuẩn bị một "gói trừng phạt mạnh mẽ", dù chưa xác định thời điểm cụ thể được áp dụng. Đồng thời, ông hy vọng Mỹ sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào hệ thống ngân hàng và ngành năng lượng Nga, coi đây là “một cơ chế răn đe quan trọng và hiệu quả”.
Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Istanbul giữa hai phái đoàn Nga – Ukraine tiếp tục rơi vào bế tắc. Phía Nga chỉ cử các quan chức cấp thấp và vẫn giữ nguyên các yêu sách lãnh thổ toàn diện, trong đó bao gồm yêu cầu Ukraine chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và bốn khu vực miền đông.
Cuộc điện đàm thứ hai trong ngày giữa ông Trump và ông Zelensky kéo dài hơn một giờ, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo châu Âu: Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Ông Zelensky cho biết Ukraine đang cân nhắc tổ chức một cuộc họp bốn bên tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ với sự hiện diện của đại diện từ Kiev, Moscow, Washington và Brussels.
Về phía Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov mô tả cuộc điện đàm giữa hai tổng thống là “hiệu quả” và nhấn mạnh rằng ông Trump giữ lập trường “trung lập” về cuộc chiến, điều khác biệt so với các lãnh đạo châu Âu mà Moscow coi là “thiên vị hoàn toàn về phía Kiev”.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Trump đang gây lo ngại trong lòng châu Âu. Nhiều nước thành viên EU kỳ vọng Washington ủng hộ tối hậu thư chung mà Brussels đưa ra ngày 12/5, bao gồm kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện và áp đặt thêm trừng phạt đối với Moscow. Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp trừng phạt mới nào từ phía Mỹ được công bố.