OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng, giá dầu tăng vọt 8%, Mỹ 'nổi đóa'
Giá dầu thế giới tăng chóng mặt ngay khi vừa bước sang tuần giao dịch mới, sau khi nhóm OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng - một động thái có thể gây thắt chặt nguồn cung trên thị trường và gây áp lực lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khiến Mỹ nổi giận...
Sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York có lúc tăng tới 8%, mức tăng trong ngày mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây của loại dầu này, đạt 79,6 USD/thùng.
Ngày 2/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+, cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia là nước dẫn đầu nỗ lực giảm sản lượng này, với mức cắt giảm 0,5 triệu thùng/ngày.
Đây là động thái bất ngờ bởi hai lý do. Thứ nhất, tuyên bố cắt giảm sản lượng này được đưa ra một ngày trước cuộc họp sản lượng định kỳ của OPEC+ dự kiến vào ngày 3/4. Và thứ hai, thị trường trước đó kỳ vọng rằng trong cuộc họp lần này, OPEC+ sẽ giữ nguyên mức giảm sản lượng đã có là 2 triệu thùng/ngày cho tới hết năm nay.
Ngay lập tức, quyết định của OPEC+ đã có ảnh hưởng mạnh tới diễn biến thị trường dầu lửa toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu năm nay vào năm tới; giá dầu lửa giao sau tăng mạnh ở các kỳ hạn xa, phản ánh kỳ vọng về sự thắt chặt nguồn cung trong tương lai; và phiên giao dịch tại thị trường châu Á vốn thường ảm đạm trong sáng đầu tuần bất chợt chứng kiến hàng trăm nghìn hợp đồng dầu được sang tay. Giá xăng giao sau tại Mỹ tăng vọt, cho thấy rủi ro lạm phát lớn từ việc OPEC+ giảm sản lượng - theo tin từ hãng tin Bloomberg.
“Biện pháp này thực sự gửi đi một tín hiệu mạnh tới thị trường rằng OPEC+ sẽ hỗ trợ giá dầu”, chiến lược gia cấp cao Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nói với Bloomberg. Theo ông Hynes, khả năng giá dầu quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng “chắc chắn đã tăng lên”.
Nhà Trắng gọi quyết định của OPEC+ là một động thái “được tư vấn tồi”, và cho biết Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề giá xăng. Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh xả dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của Mỹ để “hạ nhiệt” giá xăng dầu khi giá dầu tăng vọt sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ.
Trước khi OPEC+ đưa ra quyết định giảm sản lượng lần này, giá dầu thô vừa trải qua quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ gây áp lực giảm giá năng lượng. Trong 3 tháng đầu năm, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã giảm khoảng 5%. Dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu sẽ khởi sắc trong quý 2 nhờ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi nước này chấm dứt chính sách Zero Covid.
Giá dầu thô tăng mạnh có thể đẩy cao lạm phát trong lúc tốc độ tăng giá vẫn còn ở mức cao tại nhiều nền kinh tế lớn. Điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong vòng 1 năm qua, Fed đã tăng lãi suất 9 lần. Fed được cho là tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tháng 5.
Tuần trước, giá dầu tăng hơn 9% vì sự gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu từ vùng người Kurd tự trị ở phía Bắc Iraq. Cuối tuần, vùng người Kurd đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Iraq để nối lại hoạt động xuất khẩu dầu.
Theo bà Vandana Haria, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Vanda Insights, động thái của OPEC+ “có khả năng đẩy thị trường dầu vào tình trạng thiếu cung trong quý 2 năm nay, thay vì thừa cung như kỳ vọng trước đó”. Dù vậy, giá dầu cao có thể gây suy yếu nhu cầu, đồng thời khiến lạm phát dai dẳng ở mức cao và đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn.
Theo ước tính của hãng tin Reuters, đợt giảm sản lượng này của OPEC+ nâng tổng mức giảm sản lượng của liên minh lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Công ty đầu tư Pickering Energy Partners dự báo động thái giảm sản lượng lần này của OPEC+ có thể khiến giá dầu tăng 10 USD/thùng.
“OPEC+ đang có hành động phù đầu để phòng trường hợp có sự sụt giảm nhu cầu dầu”, Giám đốc Amrita Sen của công ty Energy Energy Aspects nhận định.
Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 đến cuối năm nay. Động thái đó đã khiến Chính phủ Mỹ nổi giận vì nguồn cung thắt lại đẩy giá xăng dầu tăng.
“Chúng tôi không cho rằng cắt giảm sản lượng là điều nên làm ở thời điểm này, xét tới sự bấp bênh của thị trường. Đó là điều chúng tôi đã nói rõ từ trước rồi”, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói về quyết định giảm sản lượng mà OPEC+ vừa đưa ra.
Quyết định mới này của OPEC+ sẽ được thực thi từ tháng 5 cho tới hết năm. Iraq sẽ giảm 211.000 thùng/ngày; Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm 144.000 thùng/ngày; Kuwait giảm 128.000 thùng/ngày; Algeria giảm 48.000 thùng/ngày; Kazakhstan giảm 78.000 thùng/ngày.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 2/4 cũng cho biết Moscow sẽ tình nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho tới cuối năm nay. Kế hoạch giảm sản lượng đơn phương này của Moscow được công bố hồi tháng 2, sau khi phương Tây áp trần giá lên dầu Nga.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/opec-bat-ngo-giam-san-luong-gia-dau-tang-vot-8-my-noi-doa.htm