OPEC+ có thể gia hạn cắt giảm sản lượng vào cuối tuần này

OPEC+ có thể gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại trong cuộc họp chính sách diễn ra cuối tuần này, ngay cả khi trọng tâm chuyển từ căng thẳng ở Trung Đông sang nhu cầu cao điểm vào mùa hè.

Các nhà sản xuất OPEC+ hiện đang thực hiện cắt giảm nguồn cung tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, trong đó chỉ 2 triệu thùng/ngày thể hiện các cam kết nhất trí theo chính sách của OPEC+ và sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Phần còn lại được giảm bớt một cách tự nguyện bởi một tập hợp con của liên minh. Mức cắt giảm 1,66 triệu thùng/thùng được áp dụng cho đến cuối năm 2024 và nguồn cung 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được cắt giảm cho đến cuối quý II.

“Đến tháng 6, Trung Quốc không còn bảo trì nhà máy lọc dầu nữa, mức tiêu thụ của Mỹ đang cải thiện khi mùa hè đến gần, sẽ chứng kiến số dư dầu thô âm. Và tháng 8 là tháng cao điểm cho tình trạng thắt chặt”, Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler cho biết.

OPEC+ cũng đang chú ý đến việc tuân thủ hạn ngạch của từng quốc gia thành viên, yêu cầu các nhà sản xuất dư thừa thực hiện cắt giảm bổ sung.

Sự mở rộng về nhu cầu

Báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của OPEC trong tháng 5 dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi Báo cáo thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra nhu cầu chỉ tăng 1,06 triệu thùng/ngày.

Jorge Leon, Phó chủ tịch cấp cao của Nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều thông minh đối với OPEC+ là dần dần dỡ bỏ các biện pháp cắt giảm tự nguyện để hạn chế áp lực tăng giá, ngăn chặn lạm phát gia tăng… Tuy nhiên, thị trường hiện nay đã định giá việc gia hạn hoàn toàn việc cắt giảm tự nguyện. Vì vậy, tôi nghĩ đó có thể là điều họ sẽ làm.

Nếu họ quyết định gia hạn hoàn toàn việc cắt giảm tự nguyện và có sự tuân thủ hoàn hảo, đồng thời thực hiện đền bù đầy đủ, tôi nghĩ giá có thể đạt gần 100 USD/thùng vào mùa hè này”.

Những lo ngại về an ninh năng lượng đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu sau xung đột Nga-Ukraine và càng gia tăng sau khi cuộc xung đột ở Gaza đe dọa lan rộng hơn sang khu vực Trung Đông, trong khi các cuộc tấn công hàng hải của phiến quân Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn quá trình vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ.

Môi trường lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt lần lượt hạn chế nhu cầu dầu, nhưng các ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẵn sàng giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Tamas Varga, nhà phân tích tại PVM Oil Associates cho biết, các hạn chế về nguồn cung của OPEC+ có thể sẽ được duy trì trong quý III: “Tôi cũng tin rằng nhóm sản xuất sẽ nhấn mạnh rằng bất kỳ ai không tuân thủ hạn ngạch sẽ phải đền bù, và OPEC+ sẽ chỉ giảm bớt hạn chế về nguồn cung khi họ nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng về việc tồn kho dầu toàn cầu đang cạn kiệt.

Trong tương lai tới năm 2025, việc ngừng cắt giảm có thể là thách thức đối với giá vì sản lượng gia tăng từ Guyana, Brazil và Canada sẽ làm bão hòa thị trường. Năm nay không có kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FPSO) ở Guyana, trong khi năm tới họ sẽ bắt đầu một FPSO mới vào quý III/2025. Tương tự, Brazil có một FPSO bắt đầu trong năm nay trong khi năm tới sẽ là một cơ hội lớn với công suất mới”.

Giá dầu giảm

Giá dầu phần lớn đã giảm trong phạm vi giới hạn trong nửa đầu năm nay, trước mối đe dọa liên tục tăng đột biến từ các diễn biến ở Trung Đông.

Jorge Leon, nhà phân tích của Rystad lưu ý rằng, sự leo thang trong khu vực có thể đẩy giá dầu lên cao với phần bù rủi ro lên tới 10 USD/thùng - trong khi các đại biểu của OPEC+ cho biết, tình hình ở Dải Gaza vẫn đang gây thêm một chút áp lực, nhưng thị trường đã hấp thụ phần lớn ảnh hưởng đó.

Trong khi đó, theo một đại biểu của OPEC+, tai nạn bất ngờ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi không thể xem là rủi ro đối với thị trường, đặc biệt là khi người kế nhiệm ông có thể sẽ theo đuổi quan điểm chính trị tương tự.

“Tôi cho rằng phần bù rủi ro địa chính trị đã giảm xuống và căng thẳng giữa Israel và Hamas sẽ chỉ hỗ trợ giá dầu nếu nó có tác động rõ ràng đến sản xuất dầu hoặc dòng chảy dầu, có thể xảy ra dưới hình thức đóng cửa eo biển Hormuz hoặc các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong khu vực, những điều có vẻ không hợp lý vào lúc này”, nhà phân tích Tamas Varga cho biết.

OPEC+ cũng phải cân bằng mối quan hệ với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden tuần trước cho biết họ sẽ giải phóng 1 triệu thùng xăng từ kho dự trữ nhằm kiềm chế giá xăng.

Mỹ đã tiến hành giải phóng dầu thô tương tự từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong đại dịch Covid-19, nhưng một đại biểu của OPEC+ lưu ý rằng các biện pháp như vậy khó có thể có tác động ngoài việc giảm giá trong mùa hè.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/opec-co-the-gia-han-cat-giam-san-luong-vao-cuoi-tuan-nay-post346333.html