OPEC+ giảm sâu sản lượng dầu, các ngân hàng trung ương sẽ giải bài toán lạm phát thế nào?
Sau khi OPEC+ tuyên bố giảm 1,16 triệu thùng dầu/ngày, giới quan sát nhận định nỗ lực kìm hãm lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ thêm phần 'ảm đạm'.
Theo hãng tin Reuters, cuối tuần trước các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm 1,16 triệu thùng dầu/ngày từ đầu tháng 5 cho tới cuối năm nay.
Theo đó, cùng với mức giảm 2 triệu thùng dầu/ngày mà OPEC+ đưa ra hồi cuối năm 2022, thì đợt giảm này sẽ khiến thị trường mất đi hơn 3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương hơn 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu. Trước động thái bất ngờ này của OPEC+, giới quan sát cho rằng đây sẽ là một thách thức lớn cho các ngân hàng trung ương khi họ phải cân bằng chính sách tài chính của mình, vừa phải tìm cách tránh việc thắt chặt chi tiêu, vốn đang là áp lực trước nỗ lực đưa kinh tế thế giới phục hồi.
Thách thức cho các ngân hàng trung ương là gì?
Các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã dành nhiều tuần qua để "tính toán tỉ mỉ” tác động của tình trạng hỗn loạn tài chính tới triển vọng kìm hãm lạm phát, vốn vẫn còn ở mức cao. Theo hãng tin Bloomberg, khi nỗ lực trên chưa đạt được thành quả như mong muốn thì nay các ngân hàng này lại phải chịu thêm áp lực trước cú sốc giá dầu có khả năng tăng cao.
Theo các nhà hoạch định chính sách ở London và Washington, giá dầu tăng nhiều khả năng cao sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng giá tiêu dùng. Điều này sẽ khiến tỉ lệ lạm phát có nguy cơ tăng cao, đi ngược lại kỳ vọng của các ngân hàng trung ương, khiến họ có thể phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ của mình.
Thách thức khác cho các nhà hoạch định chính sách đó là trong bối cảnh thị trường tài chính bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng hỗn loạn của các ngân hàng tại phương Tây gần đây, thì chi phí năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu trong các hộ gia đình (đặc biệt là nhu cầu ăn uống và đi lại), điều này sẽ là một hạn chế đối với triển vọng kìm hãm lạm phát, và phát triển kinh tế.
Chia sẻ với Bloomberg, Chủ tịch FED chi nhánh TP St. Louis (bang Missouri, Mỹ) cho biết giá dầu trong thời gian tới có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện tại, nguyên nhân do cạnh tranh nguồn cung dầu từ Trung Quốc và khu vực châu Âu tăng lên, khi các nước này cần nguồn năng lượng để khôi phục ngành công nghiệp và các hoạt động sản xuất khác.
Ông còn nhận định rằng quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ là một quyết định bất ngờ, và tác động của nó tới thị trường dầu mỏ thế giới có dai dẳng hay không thì vẫn còn là một câu hỏi mở, song ông lưu ý rằng “việc giá dầu tăng cao chắc chắn sẽ khiến nỗ lực chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương như chúng tôi sẽ thêm nhiều khó khăn hơn”.
“Việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ dẫn đến tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, lạm phát cao hơn và các ngân hàng trung ương buộc phải hành động quyết liệt hơn” - ông Ziad Daoud, nhà kinh tế học nghiên cứu về các thị trường mới nổi của Bloomberg nhận định.
Các ngân hàng trung ương sẽ đối phó ra sao?
Theo Reuters, gần đây các Ngân hàng Trung ương lớn có xu hướng giảm nhẹ đà tăng lãi suất so với kế hoạch ban đầu do lo ngại tình trạng hỗn loạn của các ngân hàng sẽ gây ảnh hưởng thị trường tài chính, và tỉ lệ lạm phát có xu hướng giảm cũng khiến các nhà hoạch định yên tâm hơn về các chính sách mà họ đang triển khai.
Tuy nhiên, một khi giá năng lượng bị đẩy lên cao hơn, nguy cơ lạm phát tăng trở lại là rất cao, điều này khiến các Ngân hàng Trung ương nhiều khả năng phải tiếp tục chính sách tăng lãi suất để tiếp tục kìm hãm lạm phát.
Theo nhà hoạch định chính sách ECB - ông Gediminas Simku, dù là giá dầu tăng cao, song ECB vẫn cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của nó nói rồi mới đưa ra các quyết định về lãi suất. Ông còn lưu ý rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát và quyết định của ECB, và “chúng ta không nên đánh giá riêng lẻ tác động của từng yếu tố riêng biệt”.
Về phần FED, giới quan sát cho rằng cơ quan này có thể sẽ phải tính toán lại chu kỳ tăng lãi suất nếu giá năng lượng tại Mỹ bị đẩy lên cao. Hồi cuối tháng 3, sau đợt tăng lãi suất thêm điểm 0,25%, các nhà hoạch định của FED cho rằng cơ quan này sẽ ngừng chính sách tăng lãi suất cho tới tháng 5. Tuy nhiên, một khi giá năng lượng tại Mỹ tăng cao, FED nhiều khả năng sẽ quay lại chu kỳ tăng lãi suất của mình nhằm hạn chế rủi ro khủng hoảng giá tiêu dùng và nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: OPEC+ giảm sản lượng dầu sẽ khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống
Ngày 3-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói việc bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là một “hành động thiếu tính xây dựng”, theo Reuters.
Cụ thể, bà Yellen cho rằng động thái trên của OPEC+ sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu, khiến tỉ lệ lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, đồng thời tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khủng hoảng như hiện tại.
Bà còn lưu ý rằng trong năm qua nỗ lực giảm giá xăng dầu từ mức đỉnh đã giúp ích rất nhiều trong việc kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, nếu giá dầu nói riêng và giá năng lượng nói chung tăng lên trong thời gian tới thì nhiều khả năng tình trạng lạm phát sẽ tồi tệ thêm và sẽ là một điều tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.