OPEC lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ dài hạn
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn toàn cầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào đầu tháng 9 - mức thấp nhất trong 33 tháng qua. Đây là tin tuyệt vời cho người tiêu dùng, những lại là cơn ác mộng đối với OPEC và các đồng minh.
Nhu cầu sụt giảm ở các nước đang phát triển
Đầu tháng này, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu đã quyết định hoãn việc tăng sản lượng dầu thêm hai tháng nữa nhằm nâng giá dầu, nhưng cho đến nay nỗ lực đó vẫn chưa có kết quả. Dự báo nhu cầu toàn cầu thấp, cùng với nguồn cung dầu mới đến từ các nước không thuộc OPEC, báo hiệu một thời kỳ dài giá dầu thô giảm.
Diễn biến này khiến các nhà giao dịch đặt câu hỏi: Chúng ta đã chính thức đạt đến "đỉnh dầu mỏ" chưa? Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ đã đạt đến đỉnh điểm chưa và liệu nó chỉ đi xuống từ đây?
Theo dự báo của chính OPEC, thì câu trả lời chắc chắn là không.
Báo cáo triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2024 được OPEC công bố ngày 24/9 chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng mạnh 24% từ nay đến năm 2050. Báo cáo cũng dự báo "tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ" về nhu cầu dầu mỏ đạt 112,3 triệu thùng/ngày vào năm 2029, tăng 10,1 triệu thùng/ngày so với năm 2023.
Phần lớn các nhà phân tích năng lượng không đồng tình với dự báo trên của OPEC, đặc biệt là các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Trong báo cáo triển vọng trung hạn hàng năm được công bố vào tháng 6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng nhu cầu dầu mỏ thực sự sẽ ổn định vào cuối thập kỷ này, đạt khoảng 106 triệu thùng/ngày. Cơ quan này vẫn nhận thấy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng lên, nhưng họ chỉ dự báo mức tăng nhỏ hơn và kỳ vọng sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này.
"Cuộc chiến" dự báo dầu mỏ giữa OPEC và IEA đã trở nên công khai trong những năm gần đây khi IEA nỗ lực để đạt được mục tiêu không phát thải ròng trong tương lai.
Trong khi đó, công ty phân tích thị trường năng lượng S&P Global Commodity Insights ước tính nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh 109 triệu thùng/ngày vào năm 2034 và dần giảm xuống dưới 100 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Ngược lại, OPEC kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức khổng lồ 120 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Tuy nhiên, các đơn vị đều nhất trí dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm ở các nước đang phát triển, nhưng tăng lên ở các thị trường mới nổi do Ấn Độ dẫn đầu.
Triển vọng trung hạn bi quan
Về triển vọng gần đến trung hạn, các nhà phân tích đang bi quan về cả nhu cầu và giá dầu, bất luận tuyên bố đầu tháng 9 của OPEC+ rằng liên minh này sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô đến tháng 12 nhằm hạn chế nguồn cung thị trường.
Ông Dave Ernsberger, trưởng bộ phận báo cáo thị trường tại S&P Global Commodity Insights, cho rằng: "Thời gian gia hạn thêm hai tháng đó không thuyết phục được bất kỳ ai hoài nghi về thị trường rằng điều đó sẽ có tác dụng nhiều trong việc hỗ trợ giá cả". "Vậy đó là vấn đề trong thời điểm hiện tại. Nhưng vấn đề lớn hơn nhiều là liệu chúng ta có đang vượt qua thời điểm nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh không?"
Ông Ernsberger cũng cho rằng sự phát triển của các hình thức năng lượng thay thế, bao gồm nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng trong ngành hàng hải. "Những gì chúng ta đang bước vào là kỷ nguyên tăng trưởng hậu nhu cầu. Đây không phải là thời kỳ hậu dầu mỏ, nhưng là thời kỳ hậu tăng trưởng. Và OPEC+ sẽ ra sao, thị trường sẽ điều chỉnh lại như thế nào khi nhu cầu dầu mỏ nói chung tăng trưởng ở mức thấp hoặc không tăng trưởng?"
Triển vọng tăng giá dầu cũng bị lu mờ bởi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và tự đặt mình vào con đường chuyên biệt để điện khí hóa.
"Những mối đe dọa lớn nhất đối với giá dầu tăng cao của OPEC+ là từ bên ngoài", bà Li-Chen Sim, học giả từ Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, bình luận trên đài CNBC. Đó chủ yếu là "nhu cầu ảm đạm, đặc biệt là từ Trung Quốc, nguồn cung dầu mỏ từ các nguồn không thuộc OPEC+ và nội bộ; một số thành viên đang sản xuất nhiều hơn hạn ngạch được giao", bà Sim lý giải.
Bà Sim dẫn chứng ước tính của các nguồn tin quốc tế và Trung Quốc cho thấy nhu cầu dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế tại Trung Quốc đang chậm lại. Một phần là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại khoảng 3% đến 5% hàng năm trong những năm gần đây, dù vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác.
"Nhưng cũng có một yếu tố cấu trúc làm giảm tiêu thụ dầu mỏ, được thúc đẩy bởi nỗ lực có chủ đích nhằm giảm sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu mỏ (và khí đốt), và được thể hiện trong các chính sách như sử dụng xe điện và khuyến khích mở rộng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân", bà Sim lưu ý.
Trong tương lai gần, liên minh OPEC+ vẫn dự kiến sẽ đưa một phần sản lượng trở lại vào tháng 12 tới, trong bối cảnh một số quốc gia trong liên minh này đang sản xuất vượt hạn ngạch và các nhà sản xuất lớn không thuộc OPEC+ như Mỹ, Guyana, Brazil và Canada đang "bơm" nhiều dầu hơn ra thị trường.
"Sẽ khó thấy giá dầu tăng cao hơn nữa bởi mối đe dọa đưa nguồn cung đó trở lại thị trường vẫn còn", Ernsberger cho biết.
Nhiều nhà phân tích năng lượng lập luận rằng về lâu dài, sự suy giảm về sau của kỷ nguyên dầu mỏ, nếu có xảy ra, thì sẽ do nhu cầu thay đổi chứ không phải do nguồn cung giảm.
Năm 2000, cố Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Sheikh Ahmed Zaki Yamani của Saudi Arabia từng cảnh báo rằng: "Thời kỳ đồ đá kết thúc không phải vì thiếu đá và thời kỳ dầu mỏ sẽ kết thúc, nhưng không phải vì thiếu dầu mỏ".
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/opec-lac-quan-ve-tang-truong-nhu-cau-dau-mo-dai-han-d225794.html