OpenAI tiết lộ mô hình ngôn ngữ nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người
OpenAI đã tiết lộ một mô hình ngôn ngữ mới, được gọi là GPT-4b micro, được thiết kế đặc biệt để giúp các nhà khoa học kéo dài tuổi thọ của con người, theo MIT Technology Review.
Công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu OpenAI đã hợp tác với Retro Biosciences trong một dự án nhằm cải thiện sản xuất tế bào gốc, bằng cách tái thiết kế một số protein nhất định.
Tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong y học tái tạo do khả năng phân hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, có khả năng điều trị các bệnh liên quan đến tuổi tác.
Được thành lập vào năm 2021, Retro Biosciences là một công ty khởi nghiệp tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của con người thông qua việc lập trình lại tế bào. Năm 2022, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã đầu tư 180 triệu đô la vào công ty này.
GPT-4b micro tìm cách sửa đổi các yếu tố Yamanaka, là các protein có khả năng chuyển đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc. Các thử nghiệm sơ bộ đã chỉ ra rằng các protein được thiết kế lại theo mô hình có hiệu quả hơn 50 lần trong việc kích thích sản xuất tế bào gốc so với các protein tự nhiên tương ứng.
Mô hình được đào tạo dựa trên dữ liệu sinh học mở rộng từ nhiều loài, cho phép dự đoán cấu trúc protein và tương tác chính xác hơn các phương pháp truyền thống.
GPT-4b micro hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu. OpenAI có kế hoạch công bố kết quả để đánh giá ngang hàng sau khi hoàn tất thử nghiệm.
Quay trở lại năm 2018, Google đã phát triển phiên bản đầu tiên của AlphaFold - một mô hình AI chuyên tìm ra cấu trúc 3D phức tạp của protein. AlphaFold có thể xử lý nhiệm vụ chỉ trong vài phút, “với độ chính xác đáng kinh ngạc”, Google DeepMind cho biết trên trang web của mình.
Khi làm việc trong lĩnh vực liên quan, GPT-4b micro sử dụng các nguyên lý khác nhau để giúp các nhà nghiên cứu tái thiết kế các protein cụ thể một cách hiệu quả.
Trong những năm gần đây, nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã thử nghiệm AI trong nỗ lực phát triển các phương pháp điều trị mới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature mới đây cho thấy các protein do AI thiết kế có thể vô hiệu hóa nọc rắn độc chết người.
Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu tại đại học Y khoa Washington và đại học Harvard công bố đã đào tạo được một số mô hình AI tạo hình ảnh để tạo ra các protein mới có thể hữu ích trong việc phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị ung thư, cùng nhiều ứng dụng khác.
“Các protein mà chúng ta tìm thấy trong tự nhiên là những phân tử tuyệt vời, nhưng các protein được thiết kế có thể làm được nhiều hơn thế nữa”, David Baker, giáo sư hóa sinh tại UW Medicine và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết vào thời điểm đó. Ông đã nhận được Giải Nobel Hóa học năm 2024.