P4G 2025 tại Việt Nam: Điểm hẹn hành động vì khí hậu

Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Đây dự kiến là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh quy mô lớn nhất diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2026.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì họp báo quốc tế Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì họp báo quốc tế Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, ngày 8/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ P4G, cũng như trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến chủ trì Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 và tiếp đón Thủ tướng các nước Ethiopia và Lào, Phó Thủ tướng Campuchia, Bộ trưởng các nước Hàn Quốc, Indonesia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Rwanda… Khoảng 800-1.000 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các nước thành viên P4G, đại diện lãnh đạo các nước đối tác của P4G, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ tài chính, đầu tư lớn có ảnh hưởng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tham dự Hội nghị.

Một “nét vẽ” mới

Diễn đàn P4G là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Nối tiếp thành công tại Copenhage 2018, Seoul 2021 và Botoga 2023, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư từ ngày 14-17/4 tại Hà Nội kỳ vọng mang đến một “nét vẽ” mới trong bức tranh thực hiện mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Diễn ra trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều nước và là trọng tâm hợp tác của nhiều cơ chế hợp tác đa phương, Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước chủ nhà trong đồng hành với cộng đồng quốc tế triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải và thu hút các nguồn lực quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Hội nghị là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến nhằm phục vụ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư ngày 15/1, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết tận dụng tốt cơ hội tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội, cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

P4G hiện có chín quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và năm tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).

Chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” của Hội nghị thể hiện đậm nét ưu tiên của nước chủ nhà trong việc chú trọng nâng cao nhận thức của con người, tiêu điểm là lấy con người làm trung tâm trong việc định hình tương lai xanh, như đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại họp báo quốc tế Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 vào ngày 8/4.

Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, bền vững, vai trò của con người rất quan trọng. Con người vừa là chủ thể sản xuất, kinh doanh; vừa là chủ thể tham gia vào sáng kiến hợp tác, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của phát triển xanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam khi xác định con người là chủ thể, là trung tâm của mọi chính sách, chiến lược phát triển.

Trên cơ sở những mục tiêu, định hướng, tầm nhìn và sự phối hợp chặt chẽ với các thành viên P4G, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ “bật mí” điểm nhấn là hai văn kiện dự kiến được thông qua tại Hội nghị, đó là Tuyên bố Hà Nội về tăng trưởng xanh, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Hai văn kiện này nêu bật vấn đề chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thông qua giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Văn kiện cũng đề cao vai trò công nghệ, đổi mới sáng tạo, đóng góp của các nhóm chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ... trong quá trình chuyển đổi xanh; đòi hỏi sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cơ chế đa phương.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) diễn ra từ ngày 14-17/4 tại Hà Nội. (Nguồn: BTC)

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) diễn ra từ ngày 14-17/4 tại Hà Nội. (Nguồn: BTC)

Thể hiện vai trò dẫn dắt

Là một trong sáu nước chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% khí metan vào năm 2030 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) minh chứng cho điều đó.

Với chủ trương không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng, đất nước đã có nhiều chủ trương để hiện thực hóa cam kết nói trên. Và Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là bước đi tiếp theo trên hành trình này.

Chia sẻ với TG&VN, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil Marina Silva đặt niềm tin vào vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025. Bộ trưởng Marina Silva tin tưởng, đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trên hành trình hướng tới Hội nghị COP30 tại Belém (Brazil), giúp thúc đẩy những hành động có trách nhiệm, công bằng, đặt con người làm trung tâm, cũng như những cuộc đối thoại thiết yếu về một quá trình chuyển đổi toàn diện và công bằng.

Trong khi đó, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là cơ hội tốt để làm nổi bật vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực khí hậu của Việt Nam tại khu vực châu Á, đồng thời, trở thành đại diện tiếng nói của nhiều quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam lại được kỳ vọng lớn như vậy. Việt Nam từng được thế giới đánh giá rất cao khi là một quốc gia điển hình trong việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Từ bệ phóng này, Việt Nam có thể tiến xa hơn trong chặng đường thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu chung của toàn nhân loại.

Hoạt động nổi bật của Hội nghị: Triển lãm về tăng trưởng xanh; Phiên thảo luận cấp cao, Đối thoại doanh nghiệp và năm phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, tập trung vào các lĩnh vực huy động nguồn lực, chuyển đổi hệ thống lương thực, các giải pháp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, bền vững.

Hợp tác để đi đường dài

Là một trong các thành viên sáng lập, đối tác chính thức của P4G, Việt Nam luôn chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các thành viên thúc đẩy các nghị sự, tầm nhìn, sứ mệnh của Diễn đàn để từ đó, gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

Kể từ năm 2018 đến nay, thông qua các cơ chế của P4G, Việt Nam nhận được tài trợ cho các dự án tập trung vào các lĩnh vực như chuyển dịch năng lượng, giao thông xanh, xanh hóa chuỗi giá trị lương thực và nông nghiệp… P4G cũng hỗ trợ các chương trình đối tác theo mô hình Chính phủ - tổ chức phi lợi nhuận - doanh nghiệp khởi nghiệp mang đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và các hành động khí hậu tại Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam cũng nỗ lực kết nối, hợp tác chân thành, tin cậy với các thành viên trong “ngôi nhà chung” P4G. Ba kỳ Hội nghị thượng đỉnh đã chứng minh rằng, trên hành trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các quốc gia không thể “đi một mình” hay “tự phát triển”. Hợp tác quốc tế chính là hướng đi trên chặng đường dài ấy. Thông qua hợp tác, các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi từ nhau và tận dụng nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư sẽ mở rộng “cánh cửa” kết nối toàn cầu về biến đổi khí hậu. Như ông Erick Contreras, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kỳ vọng, Hội nghị sẽ giúp xây dựng những cầu nối vững chắc hơn để kết nối các nguồn lực quốc tế.

Những ngày giữa tháng Tư, tại điểm hẹn Việt Nam, nước chủ nhà sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng quốc tế, các thành viên P4G để viết nên trang sử mới cho hành trình hợp tác toàn cầu vì một hành tinh xanh.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/p4g-2025-tai-viet-nam-diem-hen-hanh-dong-vi-khi-hau-310623.html