Tiến tới chính sách an sinh đúng nghĩa

Cùng với chính sách miễn học phí, mới đây ý tưởng miễn viện phí cho toàn dân đang được dư luận đánh giá là bước tiến mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội. Người dân kỳ vọng trong tương lai gần, chính sách nhân văn này sẽ sớm được hiện thực hóa để khám chữa bệnh (KCB) không còn là gánh nặng tài chính, tiến tới một chính sách an sinh đúng nghĩa.

Minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”

Trong một phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh định hướng chú trọng phát triển ngành y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tiến tới miễn viện phí toàn dân. Việc miễn viện phí sẽ xóa bỏ gánh nặng tài chính, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản, không phải đắn đo. Đây là minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi, đồng thời thể hiện tinh thần của một Nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của Nhân dân làm trung tâm.

Thông tin này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, dư luận. Có thể thấy, mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân là “cứu cánh” cho nhiều người bệnh, đặc biệt là các gia đình khó khăn. Nhiều ý kiến đánh giá đây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc về một chính sách an sinh xã hội, đặc biệt ý nghĩa đối với nhóm người yếu thế.

Bệnh nhân chờ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh

Bệnh nhân chờ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Linh

Điều trị bệnh ung thư vú nhiều năm nay, khi biết được thông tin sắp tới miễn viện phí, bà Tô Thị Chung (75 tuổi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vừa vui mừng vừa xúc động đồng thời mong mỏi chính sách này sẽ sớm trở thành hiện thực. “Dù bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay đã hỗ trợ phần nào, nhưng với những người bệnh nặng, hiểm nghèo, chi phí điều trị vẫn là gánh nặng rất lớn. Mấy năm qua, gia đình tôi phải chi hơn 9 triệu đồng để mua thuốc ngoài danh mục BHYT, đó là chưa kể những đợt hóa trị, xạ trị. Bản thân tôi không thể làm việc, lại tiêu tốn quá nhiều tài chính, nên tôi chỉ cần miễn giảm 50% tiền thuốc ngoài danh mục BHYT là cũng mừng lắm rồi” - bà Chung bày tỏ.

Theo các bác sĩ, chính sách miễn viện phí cho toàn dân sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là chủ trương mang tính đột phá; gợi mở để các cơ quan chức năng xây dựng lộ trình triển khai phù hợp. Tất nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng, cần đến các yếu tố tài chính, cơ sở vật chất và nhu cầu khác nhau giữa các khu vực. Đề cập đến vấn đề này, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, việc miễn viện phí tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ cơ bản một cách công bằng, không bị rào cản bởi chi phí. Nếu Việt Nam có thể hiện thực hóa chính sách ưu việt này, đó sẽ là minh chứng rõ ràng cho sự ưu tiên tuyệt đối của Đảng và Nhà nước đối với con người, nền tảng của mọi chính sách phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “BHYT giúp người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn giảm gánh nặng tài chính khi đau ốm, bệnh tật. Chúng ta cần hướng đến bao phủ BHYT toàn dân để người bệnh được hỗ trợ như nhau. Đối với người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ngân sách có thể hỗ trợ 100% chi phí BHYT, đây là giải pháp thiết thực để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Nếu chính sách “KCB 0 đồng” được hiện thực hóa, đây quả thật là niềm vui lớn lao cho những hộ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này đòi hỏi nguồn lực kinh tế phải dồi dào và cần nhiều thời gian. Việc miễn viện phí cần được tính toán theo một lộ trình khoa học, hợp lý cũng như các thay đổi trong kế hoạch thu chi ngân sách. Chủ trương này cần có lộ trình rõ ràng, cơ chế quản lý hiệu quả và tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực; cần xác định mức hỗ trợ tối đa hoặc quy định rõ danh mục thuốc, dịch vụ y tế được miễn phí, phải có cơ chế quản lý chặt chẽ.

Trích dẫn

Trích dẫn 1

Nếu miễn viện phí cần có sự chuẩn bị hết sức thận trọng và chắc chắn, đặc biệt là nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc thực hiện; không để tạo áp lực, cản trở việc nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật của các cơ sở y tế.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình)

Theo tính toán, tổng chi tiêu cho dịch vụ KCB (bao gồm cả Nhà nước và tư nhân) ở Việt Nam có thể trên 6% GDP mỗi năm. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch cân đối, phân bổ và thu chi ngân sách sao cho các BV có phần chi phí bù đắp vào khoản viện phí không còn nữa để chất lượng chăm sóc sức khỏe vẫn bảo đảm.

Hiện thực hóa càng sớm càng tốt

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang, để hướng tới mục tiêu miễn viện phí toàn dân, trước tiên từ BHYT. Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng, nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc để chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục chi trả.

Hiện nay có 9 nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 70% đến 100%. Mới đây, Bộ Y tế cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ tối thiểu từ 30% lên 50% mức đóng BHYT đối với học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12. Một số đối tượng khác tăng từ 50% lên 70%.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ chi "tiền túi" tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Hằng năm, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87 - 89% tổng chi phí KCB BHYT, người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả 11 - 13%. Hiện còn gần 6% dân số chưa tham gia BHYT, các chuyên gia cho rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ để lấp khoảng trống này.

Nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, giải pháp khả thi trước mắt là miễn phí cấp thẻ BHYT cho toàn dân, đặc biệt hỗ trợ nhóm yếu thế để giảm gánh nặng chi phí, trước khi tiến tới miễn viện phí toàn dân. Đây là chính sách thiết thực nhưng cũng cần đi kèm nâng cao chất lượng KCB và kiểm soát chặt chẽ.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), hướng giải quyết đầu tiên và then chốt nhất là Nhà nước hỗ trợ Nhân dân KCB không được rời xa BHYT. Chính sách miễn viện phí phải gắn bó, kết hợp hài hòa với chính sách BHYT mới có tính khả thi. Nhà nước hỗ trợ người dân thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc. Nếu mỗi người dân đều có thẻ BHYT thì có thể tiếp cận được dịch vụ y tế mà không cần phải lo lắng về chi phí.

Mặt khác, Nhà nước cần phân nhóm đối tượng, nghĩa là không miễn viện phí ngay cho mọi người mà áp dụng từ từ cho từng nhóm đối tượng. Ông Nguyễn Anh Trí đề xuất nghiên cứu nâng mệnh giá mua thẻ BHYT cho những nhóm yếu thế, người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ bị bệnh hiểm nghèo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh, để miễn viện phí toàn dân, có rất nhiều việc phải làm. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu này vào năm 2030 như gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm, bởi đó là mong ước của toàn dân.

Trích dẫn

Trích dẫn 2

Chúng ta đang cải cách hành chính mạnh mẽ. Cả nước cũng đang tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính, sáp nhập xã, phường, tỉnh. Nhờ đó, ngân sách Nhà nước sẽ giảm được phần chi lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đây sẽ là nguồn lực để Nhà nước có thể hỗ trợ người dân trong KCB

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tien-toi-chinh-sach-an-sinh-dung-nghia.671702.html