Pác Bó - 'Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người…'

Từ Hà Nội, vượt quãng đường hơn 350 cây số, chúng tôi đến Pác Bó khi đã cuối chiều, vậy mà trên con đường dẫn vào khu di tích vẫn tấp nập những dòng người hành hương về với miền đất cội nguồn cách mạng. Thật lạ lùng là cho dù mỗi ngày Pác Bó đón cả hàng nghìn lượt khách, khu di tích cũng không quá rộng, nhưng không gian Pác Bó vẫn cứ yên tĩnh, trầm mặc và lắng đọng. Chúng tôi đã nhiều lần lên với Pác Bó và cứ mỗi lần lên đây, leo mấy trăm bậc đá đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung, lại nghe âm vọng câu thơ của Tố Hữu 'Bác đã về đây Tổ quốc ơi/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người...'.

 Bác Hồ về thăm lại người dân Pác Bó, năm 1961 -Ảnh: T.L

Bác Hồ về thăm lại người dân Pác Bó, năm 1961 -Ảnh: T.L

Bác cúi mình hôn nắm đất quê hương…

Mùa xuân năm nay - năm 2021- vừa tròn 80 năm khi Bác bước qua cột mốc 108 và cúi mình hôn nắm đất quê hương sau ròng rã ba mươi năm đi tìm đường cứu nước: “Ôi sáng xuân nay xuân Bốn Mốt/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu). Niềm vui ấy bừng lên, làm thế giới chấn động vào 5 năm sau đó, ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình, “ông Ké - Già Thu” cúi hôn nắm đất ngày nào đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt quốc dân đồng bào, dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ đã đặt chân về lại mảnh đất quê nhà tại cột mốc 108 (thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Chúng tôi tìm vào hang đá lịch sử. Ánh điện trong hang Cốc Bó hắt lên trần hang, soi rõ một dòng chữ Hán “Nhất cửu tứ nhất niên, nhị nguyệt, bát nhật” (ngày mùng 8, tháng 2, năm 1941). Dòng chữ ấy đánh dấu cái ngày Bác Hồ chuyển từ ngôi nhà của ông Lý Quốc Súng ra hang đá. Hồi ký của ông Lê Quảng Ba, một trong năm người tháp tùng Bác Hồ về nước hôm ấy kể lại rằng, khi về Pác Bó, ngày 28/1/1941, Bác được bố trí ở nhà ông Lý Quốc Súng (còn gọi là ông Máy Lỳ- gọi theo tên người con gái của ông), mười ngày sau thì chuyển ra hang đá này và Bác đã đánh dấu lại ngày tháng trên vách hang.

 Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Pác Bó nhìn từ flycam -Ảnh: L.Đ.D

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Pác Bó nhìn từ flycam -Ảnh: L.Đ.D

Năm tháng qua đi, nhiều nhân chứng của cái nôi cách mạng đã thành người thiên cổ, may sao trong bản nhỏ Pác Bó này vẫn còn cụ bà Hoàng Thị Khìn, người mà 80 năm trước đã từng nấu “cháo bẹ rau măng” cho Bác Hồ từ lúc ở hang Cốc Bó cho đến khi Bác chuyển sang lán Khuổi Nậm. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ Khìn cứ nhắc mãi: “Hồi đó Bác Hồ dạy phải đoàn kết, đoàn kết thì thế nào cũng giành được độc lập, cách mạng sẽ thành công”. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua trên cuộc đời cô gái dân tộc Nùng, cho đến hôm nay là cụ bà tuổi gần tròn thế kỷ chưa từng rời xa bản làng của mình, vậy mà sâu thẳm trong tâm khảm của mình, vẫn nhớ lời dặn “đoàn kết” của Bác.

Cũng trong cuốn sách “Không phải huyền thoại” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà văn Hữu Mai có kể về một cuộc trò chuyện giữa Bác Hồ và anh Văn (tức Tướng Giáp) ở Pác Bó với lời dặn của Bác mà Tướng Giáp vẫn thường hay nhắc lại. Đấy là tháng 9/1944 khi anh Văn gặp Bác ở Pác Bó để bàn về khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng, Bác cân nhắc rồi nói rằng điều kiện tổng khởi nghĩa bấy giờ chưa chín muồi. Nếu khởi nghĩa đơn độc nổi lên ở Cao-Bắc-Lạng nhất định kẻ địch sẽ tập trung lực lượng đàn áp, hiện nay không thể tiếp tục đấu tranh theo phương thức hòa bình, mà phải từ hình thức chính trị tiến lên quân sự. Chính trị còn trọng hơn quân sự. Ta sẽ lập đội quân giải phóng, lúc đầu chỉ cần tổ chức một lực lượng nhỏ. Dùng hình thức vũ trang gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng, sau đó mở rộng, phát triển dần lên. Đội “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” đã hình thành từ đường hướng chiến lược này và nhiệm vụ ấy được trao cho Võ Nguyên Giáp. Lúc này, anh Văn cũng chưa hiểu hết những kỳ vọng Bác đặt vào đội quân nhỏ bé này. Đêm hôm đó, anh Văn ở lại với Bác tại hang Cốc Bó. Hai người trao đổi tới khuya về đội quân sắp ra đời. Bác bỗng trầm ngâm rồi nói: “Người làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng” (đặt lợi ích chung lên trên hết).

Sau này, Tướng Giáp thường nói: “Dĩ công vi thượng, suốt đời vì nước, vì dân, không mảy may có chút suy nghĩ nào khác, là đạo đức cao cả nhất của người cách mạng. Tôi nhớ mãi câu nói này của Bác và phấn đấu suốt đời làm theo”. Nhà văn Hữu Mai đã bình luận rằng “không biết sau này có ai tin rằng một con người góp phần làm nên một sự nghiệp kỳ vĩ chỉ nhờ vào một câu nói như vậy”.

Hai cột mốc một suối nguồn

Hơn 10 năm trước, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng 3/2(1930-2010), cơ quan chúng tôi đã tổ chức chương trình hành trình về nguồn mang tên “Triệu tấm lòng, một niềm tin” với nhiều hoạt động quy mô được tổ chức ngay tại Khu di tích lịch sử Pác Bó. Khi đó, Pác Bó vẫn còn quá thiếu thốn, hạ tầng của khu di tích cũng đơn sơ chỉ với một nhà trưng bày không lớn lắm. Tầng dưới là nơi cán bộ, nhân viên khu di tích làm việc, tầng trên là nhà trưng bày. Bên cạnh là gian nhà nhỏ làm “Nhà thờ Bác Hồ”. Dịp đó, sau khi kết thúc đêm giao lưu văn nghệ, cả đoàn hơn một trăm người ở lại Pác Bó không làm sao có chỗ ngủ dù đã huy động các nhà dân ở gần. Đêm đó chúng tôi đã thức trắng và cảm thấy dường như chúng ta đã có lỗi với bà con nơi miền đất chiến khu cách mạng này. Họ đã hy sinh từ buổi đầu như thế, che chở như thế, vậy mà sao giờ vẫn còn gian nan thế này? Ký ức như một cuốn phim chiếu chậm trong tâm trí chúng tôi trong lần trở lại này. Và thật bất ngờ, Pác Bó hôm nay quá đổi thay.

 Mốc 108 ngày xưa, nay là mốc 675 trên biên giới Việt Trung -Ảnh: L.Đ.D

Mốc 108 ngày xưa, nay là mốc 675 trên biên giới Việt Trung -Ảnh: L.Đ.D

Từ thành phố Cao Bằng, xe chúng tôi chạy thênh thang trên con đường đã trải nhựa phẳng lì, rộng cả chục thước chứ không phải con đường nhọc nhằn ổ "voi", ổ "gà" rải đá cấp phối. Tuyến xe buýt từ thành phố vào khu di tích vào ra ngày vài lượt, hơn 50 km chúng tôi đi chưa tới một giờ đồng hồ thay vì ngày trước đi non một buổi đường. Hai bên đường nhà dân san sát, nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên. Ngay tại trung tâm khu di tích là những công trình mới được xây dựng khang trang xứng tầm bởi Pác Bó được xếp hạng là “Khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng”. Một nhà điều hành được xây mới nối liền với nhà trưng bày khá lớn. Trước mặt là vườn hoa, quảng trường rộng. Ngay mé sườn đồi cạnh quảng trường là biểu tượng cột mốc 0 đường Hồ Chí Minh. Đền thờ Bác Hồ được dựng trên đỉnh đồi cao nhất, khang trang và uy nghiêm. Ngày ngày du khách, người dân trong vùng và cả những người dân bên kia biên giới vẫn đến dâng hương tưởng nhớ Người…

Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho chúng tôi biết có đến gần 2/3 người dân thôn Pác Bó tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch, từ nhân viên, bảo vệ, lái xe điện, bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống, giải khát. Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, ông Vương Văn Võ khi được hỏi về sự quan tâm dành cho người dân Pác Bó, mà cụ thể là xã Trường Hà, cho biết xã Trường Hà - nơi có Khu di tích Pác Bó là một trong bốn xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn “nông thôn mới”. Cả huyện đường ô tô đã thảm nhựa vào tận từng xã. Đời sống người dân đã khá hơn trước rất nhiều, có thể nhìn thấy qua cơ ngơi của từng gia đình với nhà xây, nhà lầu, các ki ốt bán hàng của người dân quanh khu di tích. Những gì mà người dân Pác Bó đã chở che cho cách mạng thuở ban đầu, giờ đây cần phải được đáp đền một cách trọn vẹn nhất.

Nếu con đường cách mạng Việt Nam là một hành trình thì cột mốc đầu tiên của hành trình đó là Pác Bó. Và giờ đây con đường Hồ Chí Minh xuyên Việt về tận Cà Mau nơi cuối trời nước Việt, cột mốc số Km0 khởi đầu con đường mang tên Người được dựng chính nơi bản nhỏ suối nguồn này. Và Pác Bó không chỉ có khởi nguyên của dòng suối. Từ đền thờ Bác Hồ được xây trên ngọn núi trung tâm khu vực, nhìn xuống chân núi, chúng tôi thấy những người thợ đang thi công cột mốc số Km 0 của đường Hồ Chí Minh. Đây là điểm đầu tiên của con đường mang tên Bác dài 3.200 km vào tận cuối trời đất Mũi phương Nam. Khởi đi từ một hang đá, để hôm nay đất nước thênh thang những đại lộ rộng dài.

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155380