Pác Nặm đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế rừng
Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác quản lý và phát triển rừng và mục tiêu phát triển vùng rừng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến, huyện Pác Nặm tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Huyện Pác Nặm hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng trên 27.925ha. Trong đó rừng tự nhiên hơn 22.456ha, rừng trồng 5.467,78ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 58%. Huyện đã thực hiện giao đất, giao rừng từ năm 1997 theo Nghị định số 02/CP và Nghị đinh số 163/CP của Chính phủ cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Đến nay, diện tích khoán bảo vệ rừng 3.925,23ha và hỗ trợ bảo vệ rừng 1.050,47ha được triển khai trên địa bàn 10 xã của 59 thôn, với 191 hộ và nhóm hộ. Toàn bộ diện tích khoán khoanh nuôi, bảo vệ được các hộ nhận khoán thực hiện tương đối tốt theo hợp đồng đã ký kết.
Người dân huyện Pác Nặm đã nhận thức được những lợi ích từ phát triển kinh tế rừng. Hầu hết các hộ gia đình, cá nhân trên được nhận từ 0,5ha đến 30ha để canh tác và trồng từng, bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất, phòng hộ đều phát triển tốt và công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hằng năm theo quy định. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao quản lý, các chủ rừng thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách dành cho huyện khó khăn đã được triển khai để thực hiện trồng rừng, đặc biệt đối với huyện thuộc diện 30a của Chính phủ với mục tiêu giảm nghèo nhanh bền vững.
Trung bình mỗi năm huyện Pác Nặm được giao trồng mới trên dưới 300ha rừng, mục tiêu đến hết năm 2022 toàn huyện trồng mới gần 4.000ha rừng. Tuy nhiên, việc trồng mới trên các diện tích đất nằm trong quy hoạch thiết kế đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Trong khi tâm lý của bà con là phải lo sản xuất đủ lương thực bảo đảm đời sống trước mắt còn trồng rừng là việc lâu dài. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực, chủ động tham gia nhận khoán trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng và tham gia các dự án phát triển rừng được chính quyền và ngành chức năng chú trọng thực hiện.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, trên địa bàn huyện có 03 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản hoạt động, trong đó có 01 tổ chức sản xuất ván bóc, 01 hộ kinh doanh sản xuất ván bóc, 01 hộ kinh doanh sản xuất đồ mộc và ván bóc. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản đều đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đây cũng là đầu mối bao tiêu nguyên liệu từ rừng cho người dân trên địa bàn và giải quyết việc làm tại địa phương.
Đồng chí Lê Xuân Diệu- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pác Nặm cho biết: Thực hiện kế hoạch trồng rừng hằng năm, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và hộ gia đình thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích rừng đã được giao. Kịp thời chi trả kinh phí theo hợp đồng đã ký kết với người dân.
Vụ trồng rừng năm 2022, huyện Pác Nặm được giao trồng mới 340ha, trong đó: Trồng rừng phân tán 130ha, trồng rừng sau khai thác 200ha, trồng theo chương trình, dự án khác 10ha. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã vận động bà con tiến hành trồng và chăm sóc rừng để đảm bảo tỷ lệ nghiệm thu trồng rừng đạt cao nhất.
Mục tiêu của huyện trong giai đoạn tới là tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế của các địa phương, phát triển công nghiệp chế biến, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo bước đột phá làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của huyện; phát triển vùng rừng nguyên liệu với quy mô tập trung, phấn đấu trồng rừng gỗ lớn đạt 1.200ha gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu./.