Pakistan ra mắt xe tăng chủ lực Haider sản xuất nội địa với sự hỗ trợ của Trung Quốc

Pakistan ra mắt xe tăng Haider (MBT) sản xuất trong nước, được phát triển trên cơ sở xe tăng xuất khẩu VT4 của Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược nội địa hóa các phương tiện chiến đấu chủ lực.

Ngày 6/3/ 2024, tại tập đoàn công nghiệp nặng Taxila của Pakistan đã diễn ra lễ ra mắt Xe tăng chủ lực Haider (MBT) do Pakistan sản xuất với sự tham dự của các quan chức cao cấp Pakistan, dẫn đầu là tổng Tham mưu trưởng Quân đội (COAS) tướng Asim Munir và các quan chức Trung Quốc

Xe tăng chủ lực Haier là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa công ty Công nghiệp nặng Taxila (HIT) từ Pakistan và công ty nhà nước NORINCO của Trung Quốc, một ví dụ điển hình của mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 quốc gia trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, công nghiệp quốc phòng.

Lực lượng vũ trang Pakistan từ lâu đã có trong biên chế nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự khác nhau của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà cung cấp những vũ khí quan trọng như xe tăng chủ lực, xe thiết giáp chở quân, pháo tự hành và hệ thống tên lửa.

Theo báo cáo mới nhất từ Cơ sở dữ liệu thương mại vũ khí SIPRI 2022, Pakistan đã ký hợp đồng với Trung Quốc mua 679 Xe tăng chủ lực VT4 (MBT), được sản xuất nội địa hóa một phần và lắp ráp theo giấy phép tại Pakistan dưới thương hiệu Haider.

Xe tăng Haider (MBT) là sản phẩm bổ sung mới nhất cho kế hoạch nội địa hóa sản xuất xe tăng của Pakistan, trước đây đã sản xuất các mẫu như Al-Zarar và Al-Khalid.

Phát triển trên nền tảng xe tăng xuất khẩu VT4 của Trung Quốc, xe tăng Haider là thành quả tiếp theo trong mối quan hệ hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc về công nghệ quốc phòng. VT4, còn được gọi là MBT-3000 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba do tập đoàn NORINCO phát triển và là biến thể xuất khẩu của xe tăng chủ lực Type 99G hiện đang phục vụ trong Quân đội Trung Quốc.

Xe tăng chủ lực Haider do Pakistan, hợp tác với Trung Quốc sản xuất. Video International Defence Analysis

Ngoài chương trình phát triển xe tăng nội địa, Trung Quốc và Pakistan cũng hợp tác trong nhiều dự án quốc phòng khác nhau, trong đó đáng chú ý là dự án máy bay chiến đấu JF-17 Thunder. Được Tổ hợp Hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn Máy bay Thành Đô Trung Quốc (CAC) cùng phát triển, JF-17 Thunder là máy bay chiến đấu đa năng được sản xuất tại Pakistan và trang bị chủ yếu cho Không quân Pakistan.

Xe tăng chủ lực Haider (MBT) có thiết kế truyền thống, kíp lái 3 người, vị trí lái ở giữa phía trước thân xe, tháp pháo nằm ở trung tâm thân xe và động cơ, hệ thống truyền động ở phía sau. Xe có kích thước tiêu chuẩn như VT4, dài 10,10 mét, rộng 3,40 mét và cao 2,30 mét.

Tương tự như xe tăng T-72 Nga, nền tảng cho sự phát triển VT4, xe tăng Haider được trang bị pháo nòng trơn 125mm, sử dụng nhiều loại đạn như đạn vây xuyên giáp dưới cỡ APFSDS, đạn nổ phá mạnh HE, đạn chống tăng hiệu ứng nổ lõm HEAT và tên lửa dẫn đường chống tăng bắn qua nòng pháo. Xe có cơ số đạn 38 viên, đảm bảo duy trì hỏa lực mạnh trên chiến trường. Xe tăng có vũ khí phụ là súng máy đồng trục 7,62 mm và trạm vũ khí điều khiển từ xa lắp trên tháp pháo, trang bị súng máy phòng không hạng nặng 12,7 mm để tăng cường khả năng chiến đấu chống bộ binh.

Tương tự như Type 99G, Haider được chế tạo trên nền tảng hệ thống thiết giáp tinh vi, sử dụng các công nghệ mới như giáp composite, giáp phản lực và giáp lớp cách nhau để giảm luồng xuyên từ đạn xuyên giáp. Xe cũng được trang bị các mô-đun giáp phản ứng nổ (ERA) gia cố thân xe trước.

Xe tăng Haider được trang bị động cơ Diesel tăng áp điều khiển điện cho công suất 1.200 mã lực, với hộp số tự động thủy lực, xe có thể đạt tốc độ tối đa trên đường bê tông 70 km/h, phạm vi hành trình 500 km. Bộ phận chuyển động của Haider có hệ thống treo thanh xoắn cho sáu bánh chịu nặng mỗi bên với bộ giảm xóc thủy lực, giảm xung va chạm tối đa khi chạy trên địa hình gồ ghề phức tạp.

Haider được lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, tích hợp hệ thống các cảm biến và hệ thống kính ngắm quang điện tử hiện đại, giúp tăng cường độ chính xác phát bắn và khả năng bắn trong di chuyển trên chiến trường.

Xe có kính ngắm quang ảnh nhiệt, thiết bị đo khoảng cách laser, cho phép tấn công chính xác mục tiêu trong điều kiện ánh sáng yếu. Trưởng xe được trang bị hệ thống quan sát tầm nhìn toàn cảnh, cung cấp khả năng nhận thức tình huống toàn diện 360 độ trên chiến trường, hệ thống điều khiển hỏa lực song song giúp chỉ huy xe trực tiếp quay pháo, chỉ thị mục tiêu cho pháo thủ đồng thời có thể khai hỏa khi pháo thủ bị thương.

Với sự hỗ trợ từ phía NORICON, xe tăng Haider có hệ thống điều khiển hỏa lực kết hợp máy tính đạn đạo, tính toán phần tử bắn dựa trên các thông số do hệ thống cảm biến thu thập, đảm bảo độ chính xác và hiệu quả tối ưu của phát bắn.

Theo Army Recognition

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/pakistan-ra-mat-xe-tang-chu-luc-haider-san-xuat-noi-dia-voi-su-ho-tro-cua-trung-quoc-post173714.html